A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khâm Thiên ngày ấy-bây giờ

 

QPTĐ-Đến Khâm Thiên vào một ngày đầu Đông, trời lạnh, gió không ngừng thổi, đứng tại đài tưởng niệm, bên bức tường đổ (dấu tích còn lại của ngày 26-12-1972), nghe nhân chứng lịch sử-Bác Nguyễn Văn Cầu, số 19, ngõ Sân Quần, kể lại tội ác mà đế quốc Mỹ từng gây ra trên mảnh đất này, tôi như cảm nhận rõ hơn nỗi đau mà người dân Khâm Thiên đã trải qua. Nhưng vượt qua nỗi đau ấy, Đảng bộ, chính quyền, LLVT và nhân dân Khâm Thiên đang cùng chung tay, từng bước xây dựng địa phương ngày một phát triển.

 

 

Đài tưởng niệm Khâm Thiên-Chứng tích tố cáo tội ác của đế quốc Mỹ.

 

Chỉ lên tượng đài người phụ nữ đang ôm đứa con nhỏ, bác Cầu giải thích, đây chính là nguyên mẫu của người mẹ ôm con khi bị Mỹ ném bom đêm 26-12. Qua câu chuyện, chúng tôi biết, gia đình bác Cầu cũng là một trong những nạn nhân trong trận ném bom thảm khốc, mất đi vợ, 1 người con, 2 người cháu (con chị gái) và 1 người em trai.

 

Khâm Thiên ngày ấy


Bác Cầu kể: “Tôi còn nhớ rất rõ, hôm đó trời lạnh, 9 giờ tối, tôi đi trực chiến đội tự vệ tại Nhà máy in Hà Nội, ở nhà chỉ có vợ và con. Khoảng 22 giờ 45 phút, đèn vụt tắt, hàng loạt tiếng nổ kéo dài như sấm, sau đó là những đám cháy lớn bùng lên phía Khâm Thiên. Tôi vội chạy về nhà. Một cảnh tượng khủng khiếp hiện ra trước mắt, hầu như toàn bộ khu phố chỉ còn là một đống gạch đổ nát. Tôi tìm đường vào nhà nhưng lúc này, nhà đã bị san phẳng, không thấy vợ và con đâu, đêm tối không nhìn rõ, chỉ có tiếng kêu khóc, căm giận của nhân dân, nguyền rủa giặc Mỹ gây ra thảm hoạ khủng khiếp này. Khi ấy tôi vẫn còn tia hy vọng có thể, vợ, con còn sống sót và kịp sơ tán nên nhanh chóng trở lại vị trí tại Nhà máy tiếp tục trực chiến.


Sáng sớm hôm sau, tôi về nhà, lúc này trời đã sáng nên có thể nhìn rõ mọi cảnh vật, cả khu phố bị tàn phá khủng khiếp và san phẳng, đứng từ đầu phố có thể nhìn thấy tận cuối phố. Căn hầm trú ẩn-nơi chứa hơn 40 người, trong đó có cả vợ, con tôi, cùng hai đứa cháu con chị gái và 1 chú em bị bom Mỹ ném trúng”.


Nước mắt lăn dài trên má, lặng đi một lúc, bác Cầu kể tiếp: “Xung quanh tôi, mọi người vẫn ra sức đào bới, với hy vọng mỏng manh là tìm thấy thi thể người thân, con khóc cha, mẹ khóc con rền rĩ, đau đớn. Xa xa, tiếng máy bay phản lực Mỹ vẫn tiếp tục ném bom xuống ngoại thành Hà Nội. Khoảnh khắc ấy, tôi thấy lòng đau thắt. Chưa khi nào, tôi phải chịu tổn thất lớn lao đến thế, chỉ một loạt bom Mỹ và trong tích tắc đã cướp đi 5 người thân của tôi”.


Cũng bởi nỗi đau ấy mà từ đó cho đến nay, 26-12 hàng năm chính là ngày giỗ chung của hàng trăm gia đình ở Khâm Thiên. Đài tưởng niệm những người nằm xuống trong trận bom cũng đã được đặt trên chính dấu tích của con phố này.

 

Viết tiếp truyền thống


Theo Đại tá Nguyễn Mạnh Ngời, Chính trị viên Ban CHQS quận Đống Đa, cơ quan quân sự quận đã chủ động phối hợp với Hội Cựu chiến binh, Quận đoàn, các cơ quan liên quan tổ chức Gặp mặt kỷ niệm 45 năm Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”. Cụ thể, xây dựng kế hoạch liên tịch, phối hợp tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng cho nhân dân, mà nhất là thế hệ trẻ về chiến công, lòng dũng cảm, ý chí quật cường của quân và dân Hà Nội nói chung và quận nói riêng. Về hình thức được tổ chức rất phong phú: Tuyên truyền qua truyền thanh nội bộ, qua sinh hoạt; thắp hương, tọa đàm nhân chứng lịch sử (tại Đài tưởng niệm và Trung tâm Bồi dưỡng chính trị); băng zôn, khẩu hiệu…Qua đó, khơi dậy trong nhân dân, nhất là thế hệ trẻ lòng tự hào, tình yêu quê hương, đất nước, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. 


Để viết tiếp truyền thống của quân và dân quận Đống Đa, đồng chí Nguyễn Tống Sỹ, Bí thư Đảng uỷ phường Khâm Thiên cho biết: Thời gian qua, chúng tôi luôn quán triệt nghiêm văn bản, hướng dẫn của trên để triển khai thực hiện nhiệm vụ một cách triệt để, khoa học, có trọng tâm, trọng điểm. Đồng thời, chỉ đạo các đầu mối phối kết hợp chặt chẽ, đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật DQTV, Luật NVQS, Pháp lệnh về lực lượng Dự bị động viên, “Năm kỷ cương hành chính”; cũng như thực hiện công tác quốc phòng, quân sự địa phương. Chúng tôi tạo mọi điều kiện về cơ sở vật chất cũng như quan tâm, chăm lo đời sống cho cán bộ, chiến sĩ LLVT phường khi thực hiện nhiệm vụ…Vì vậy, mặc dù những năm gần đây, tỷ lệ cận thị nặng đối với nam công dân trên địa bàn cao nhưng phường vẫn hoàn thành tốt chỉ tiêu giao quân của Thành phố; công tác quốc phòng, quân sự địa phương được đảm bảo toàn diện trên các mặt công tác. Lực lượng dân quân thường xuyên có mặt kịp thời khi có các tình huống xảy ra như: Giúp dân khắc phục hậu quả dông lốc, cháy nổ, cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn.

 

Đêm 26/12/1972, đợt mưa bom của đế quốc Mỹ rải xuống khu phố Khâm Thiên làm gần 2.000 ngôi nhà bị sập (534 ngôi nhà bị phá huỷ hoàn toàn); 283 người chết, 266 người bị thương, trong đó có rất nhiều cụ già, phụ nữ và em nhỏ. Trong phút chốc, 178 cháu nhỏ mồ côi, trong đó 66 cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ…

 

Trần Hiền

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ