A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Huyện Thạch Thất: Phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2018

 

QPTĐ-Một trong những mục tiêu quan trọng mà huyện Thạch Thất đề ra trong năm 2018 là tập trung nguồn lực đầu tư, xây dựng nông thôn mới (NTM), phấn đấu huyện đạt chuẩn NTM. Bằng nhiều giải pháp và cách làm linh hoạt, công tác xây dựng NTM của huyện đã đạt những kết quả tích cực, diện mạo làng quê có nhiều khởi sắc.

 

 

Bộ mặt nông thôn mới ở xã Yên Trung, huyện Thạch Thất.


Tính đến hết năm 2016, toàn huyện Thạch Thất có 16/22 xã đạt chuẩn NTM. Tháng 12/2017, theo kết quả thẩm định của Tổ công tác giúp việc Hội đồng thẩm định địa phương đạt chuẩn NTM Thành phố, 6 xã còn lại của huyện đều đạt từ 95 điểm trở lên, đủ điều kiện đề nghị Thành phố xem xét công nhận xã đạt chuẩn NTM năm 2017. 


Điểm nổi bật trong công tác xây dựng nông thôn mới thời gian qua là, huyện đã tập trung chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn, tổ chức lại sản xuất theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, từng bước triển khai ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Hiện nay, huyện đã có nhiều mô hình ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp hiệu quả như: Mô hình  nuôi lợn rừng (quy mô trên 10.000 con) kết hợp nuôi giun quế (10.000m2) và trồng rau hữu cơ, rau bản địa dưới tán rừng (12ha) ở xã Yên Bình; mô hình trồng nấm đông trùng hạ thảo, nấm linh chi diện tích 1.000m2 ở xã Đại Đồng; mô hình nông nghiệp công nghệ cao kết hợp du lịch sinh thái ở thôn Trại Mới, xã Tiến Xuân (trứng gà chống ung thư, tảo xoắn, trồng rau thủy canh siêu sạch theo công nghệ Nhật Bản)…

 

Bên cạnh đó, các chương trình đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu nông thôn được triển khai bảo đảm tiến độ. Huyện đã chỉ đạo các xã xây dựng kế hoạch, lựa chọn các công trình để khởi công xây dựng. Như ở xã Chàng Sơn (một trong 6 xã đăng ký về đích NTM trong năm 2017), trong thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM, ngoài nguồn lực từ ngân sách, xã còn huy động và kêu gọi nhân dân, các đơn vị, tổ chức doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, người con xa quê hương đóng góp tiền mặt, ngày công, hiến đất để tu sửa các công trình phúc lợi như: Cải tạo hệ thống thoát nước trong làng, đường trong thôn, tu sửa chỉnh trang các nhà văn hóa thôn…

 

Tính đến nay, xã đã đầu tư 146 tỷ đồng cho xây dựng NTM, trong đó, nhân dân và doanh nghiệp đóng góp hơn 66 tỷ đồng. Còn tại xã Cần Kiệm, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, người dân đã đồng lòng, dốc sức trong xây dựng NTM; nhiều hộ dân ở xóm Trại, thôn Phú Đa 2, xã Cần Kiệm đã tự nguyện hiến hàng trăm mét vuông đất, dỡ bỏ nhà ở, hoa màu để mở rộng, nâng cấp tuyến đường liên xã, liên thôn; các hộ dân không hiến đất thì tự nguyện đóng góp 300.000 đồng/khẩu và ngày công lao động.


Về Thạch Thất hôm nay, điều dễ nhận thấy là diện mạo mới, sức sống mới của nông thôn đang từng ngày đổi thay rõ rệt. Những con đường trải nhựa hoặc bê tông rộng rãi từ huyện đến làng xã, ruộng đồng; các công trình phúc lợi được xây dựng khang trang; những trang trại chăn nuôi; những xí nghiệp, tổ hợp làng nghề truyền thống, các doanh nghiệp sản xuất... thu hút hàng trăm, hàng ngàn lao động của mỗi xã. Kết quả năm 2017, kinh tế-xã hội trên địa bàn huyện tiếp tục ổn định và phát triển: Tổng giá trị sản xuất đạt trên 16.500 tỷ đồng, tăng 14,8% so với năm 2016.

 

Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, trong đó ngành công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp-xây dựng cơ bản chiếm 68,2%; thương mại-dịch vụ-du lịch chiếm 22,2%; nông-lâm-thủy sản chiếm 9,6%. Tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt trên 604 tỷ đồng, bằng 301% dự toán Thành phố giao và bằng 107% dự toán huyện giao. Tổng thu ngân sách huyện ước đạt gần 1.720 tỷ đồng, bằng 121% dự toán huyện giao. Thu nhập của người dân năm 2017 đạt 52 triệu đồng/người/năm.

 

Công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống cho người dân tiếp tục được quan tâm. Đến nay, toàn huyện có khoảng 69% người dân được sử dụng nước sạch; 85,4% người dân tham gia bảo hiểm y tế. Tỷ lệ hộ nghèo liên tục giảm qua các năm, đến nay còn khoảng 1,18% (trừ các hộ nghèo thuộc đối tượng bảo trợ xã hội). Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục được quan tâm chỉ đạo. Toàn huyện có 151/196 thôn, 88% số hộ gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu văn hóa. Công tác quốc phòng, quân sự địa phương được củng cố và tăng cường; công tác an ninh trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo... 


Trong năm 2018, toàn huyện phấn đấu tổng giá trị sản xuất tăng 14,5% so với năm 2017, trong đó công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp vẫn là lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn, được ưu tiên phát triển, đồng thời Thạch Thất được công nhận huyện đạt chuẩn NTM.


Song Hà

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ