A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Huyện Mỹ Đức tập trung nguồn lực xây dựng nông thôn mới

 

Xuất phát điểm trong thực hiện xây dựng nông thôn mới của huyện Mỹ Đức gặp nhiều khó khăn do xa trung tâm, địa bàn sản xuất nông nghiệp là chủ yếu. Tính đến hết năm 2016, Mỹ Đức mới có 8/21 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), con số này thấp so với mặt bằng chung  của Thành phố. Từ thực tế đó, Huyện ủy, UBND huyện Mỹ Đức đã tập trung mọi nguồn lực cho “Phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, nâng cao đời sống nông dân”, phấn đấu đến hết năm 2017 có thêm ít nhất 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

 

 

Chất lượng cuộc sống của nhân dân ở huyện Mỹ Đức không ngừng được nâng lên.


Theo đó, Huyện ủy, UBND huyện quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện đến các xã, thị trấn và các cơ quan trên địa bàn; đồng thời, các cấp đã xây dựng nghị quyết, chương trình, đề án, kiện toàn Ban chỉ đạo xây dựng NTM, xây dựng chương trình, kế hoạch, đề án, biện pháp để tổ chức triển khai thực hiện, tạo được sự lan tỏa trên toàn địa bàn. Hiện nay, nông nghiệp huyện đã có nhiều đổi mới trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp như, làm đất, thu hoạch, tưới tiêu... Sản xuất nông nghiệp của huyện đã có nhiều tiến bộ, cơ cấu ngành được chuyển dịch theo hướng tích cực.

 

Tỷ trọng chăn nuôi thủy sản và giá trị tăng thêm của ngành nông nghiệp đều tăng, đặc biệt là chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng vật nuôi theo hướng tích cực. Huyện đã hình thành được các vùng sản xuất lúa lai, lúa chất lượng cao, vùng cây ăn quả, chăn nuôi bò thịt... Đồng thời, huyện đang đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất góp phần tích cực thúc đẩy các hoạt động sản xuất ở khu vực nông thôn. Toàn huyện có 361 máy làm đất các loại, trong đó có 130 máy Kubota, 84 máy gặt đập liên hợp, 114 máy phụt lúa, 50 giàn gieo sạ; thực hiện làm đất bằng cơ giới hóa 100% diện tích, diện tích tưới tiêu chủ động 100%, thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp là 90%.

 

Bên cạnh đó, huyện còn đẩy mạnh và phát triển các vùng, khu trang trại chuyên canh tập trung, ứng dụng công nghệ cao, tổ chức liên kết, hợp tác sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản. Việc dồn điền đổi thửa, quy hoạch lại đồng ruộng đã tạo cho Mỹ Đức hình thành nhiều mô hình nông trại cho hiệu quả kinh tế cao.

 

Tính đến nay, huyện đã chuyển đổi được 1.647ha diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang sản xuất chăn nuôi, thủy sản, trồng cây ăn quả có hiệu quả; xây dựng 2 mô hình điểm 5ha chăn nuôi tập trung xa khu dân cư tại xã An Mỹ, khu trồng cây ăn quả tập trung 20ha tại xã Đại Hưng; quy hoạch trồng rau tập trung tại xã Bột Xuyên, Phúc Lâm, Lê Thanh 122ha, khu nuôi trồng thủy sản tại xã Hợp Thanh với 112ha. Nhờ lồng ghép có hiệu quả nhiều chương trình hỗ trợ, đời sống của người nông dân huyện Mỹ Đức ngày một cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người năm 2016 là 30,6 triệu đồng/người/năm, dự kiến năm 2017 đạt 34,1 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo cũng giảm; 100% các trạm y tế xã đã có bác sĩ. 


Về xây dựng NTM, huyện đã tranh thủ nguồn vốn đầu tư của Thành phố, cùng với sự nỗ lực huyện, xã và huy động từ cộng đồng đã tập trung đầu tư nâng cấp cải tạo hệ thống hạ tầng nông thôn, các đường liên thôn, liên xã, đường làng cơ bản được bê tông hóa 92%; hệ thống trường học các cấp, trang thiết bị dạy học đã và đang tiếp tục được ưu tiên đầu tư nâng cấp. Tính đến nay, Mỹ Đức đã có 8/21 xã đạt chuẩn NTM, có 11 xã đạt và cơ bản đạt từ 15-18 tiêu chí và có 2 xã là An Phú và Đồng Tâm mới đạt và cơ bản đạt 12-14 tiêu chí.

 

Từ năm 2016 đến nay, huyện đã tổ chức được 39 lớp nghề cho 1.300 lượt lao động nông thôn. Đặc biệt, từ năm 2016 đến nay, huyện phối hợp với Ngân hàng NN&PTNT, Ngân hàng chính sách xã hội, các quỹ (Tín dụng nhân dân, Khuyến nông, Hội Nông dân) tiến hành cho vay trên 1.758 tỷ đồng phục vụ phát triển nông nghiệp. Năm 2017, Ủy ban MTTQ huyện Mỹ Đức trao 150 con bò giống sinh sản, đồng thời, phối hợp với Trung tâm Khuyến nông (Sở NN&PTNT Hà Nội) tặng 30 con bê cái với tổng trị giá trên 3,1 tỷ đồng cho các hộ nghèo. Việc tổ chức hỗ trợ các gia đình chính sách hộ nghèo, hộ cận nghèo khu vực nông thôn được thực hiện quyết liệt. Đến nay, số hộ nghèo trên địa bàn huyện còn 2.695 hộ, đã giảm 2.619 hộ so với năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn 5,9%.

 

Dự kiến, đến cuối năm 2017, số hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm còn 2.294 hộ, chiếm 4%. Huyện đã thực hiện hỗ trợ cho 382 đối tượng, sửa chữa 167 nhà cho người có công, giải quyết chế độ ưu đãi người có công cho 3.920 trường hợp.


Thời gian tới, huyện Mỹ Đức xác định tiếp tục quan tâm, đầu tư và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM đối với các xã đã đạt chuẩn; tập trung rà soát, bám sát quy hoạch, từng bước nâng cấp hạ tầng nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển cũng như tạo tiền đề cần thiết thu hút các tổ chức, doanh nghiệp vào đầu tư, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tiếp tục tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, hình thành các chuỗi liên kết; tiếp tục duy trì và giữ vững các tiêu chí về môi trường gắn với đảm bảo trật tự, văn minh đô thị; đầu tư có trọng điểm để các xã đăng ký hoàn thành xây dựng NTM vào cuối năm 2017. Đặc biệt, huyện xác định chú trọng công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xây dựng NTM. 

 


Song  Hà


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ