A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hà Nội chủ động phòng, chống thiên tai mùa mưa 2016

 

Thông tin về công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2016, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội cho biết: Trước tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, các loại hình thiên tai xảy ra ngày càng nhiều theo chiều hướng cực đoan trên cả nước trong đó có Thủ đô Hà Nội. Thành phố Hà Nội có địa bàn rộng, dân số đông, địa hình đa dạng, phức tạp, hệ thống đê điều, hồ đập, công trình thuỷ lợi nhiều. Dự báo trong năm 2016, bão và áp thấp nhiệt đới dự kiến nhiều hơn năm 2015 từ 1 đến 2 cơn và có khả năng xuất hiện bão mạnh, siêu bão. Các đợt nắng nóng chủ yếu tập trung vào tháng 5, 6, 7 và có khả năng không kéo dài, không gay gắt như năm 2015. Thời gian tới cũng có thể xuất hiện các trận mưa lớn, gây ngập úng trong nội thành và ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp khu vực ngoại thành.

 

 

Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn Bộ binh 301 giúp nhân dân thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ thu hoạch lúa chạy lũ.

 

Về nhiệm vụ công tác phòng, chống thiên tai của thành phố, Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội cho biết: Thành phố đã thành lập, kiện toàn đầy đủ bộ máy Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai các cấp; xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống, ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo quy định. Kiểm tra đánh giá hiện trạng công trình đê điều, hồ đập, công trình thủy lợi, công trình phòng, chống thiên tai; xác định các trọng điểm và xây dựng phương án bảo vệ trọng điểm.

 

Chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện, các điều kiện đảm bảo để thực hiện phương án phòng, chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”; tổ chức tập huấn, hiệp đồng, diễn tập thực hành triển khai các phương án xử lý sự cố do thiên tai gây ra ngay từ giờ đầu… Trên cơ sở đó xác định 4 trọng điểm, 8 điểm xung yếu, từ đó xây dựng phương án hộ đê bảo vệ trọng điểm thành phố Hà Nội năm 2016 bao gồm: 4 điểm trọng yếu về đê điều được xác định là trạm bơm Yên Sở (Hoàng Mai); cống Liên Mạc (Từ Liêm); khu vực đê, kè, cống Xuân Canh- Long Tửu; khu vực đê, kè Thanh Am-Tình Quan (Long Biên).

 

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Hà Đức Trung: Trước đây, trên địa bàn thành phố có 8 điểm trọng yếu. Tuy nhiên, thành phố đã tập trung đầu tư, xóa được 4 trọng điểm. 4 trọng điểm còn tồn tại này nếu gặp mưa lớn sẽ gây nguy hiểm, xảy ra vỡ đê, ngập khu dân cư. Thành phố đã có kế hoạch di dời 9 khu với 1.900 hộ dân cư ở khu vực lòng sông co hẹp, nguy cơ mất an toàn khi có lũ, song quá trình thực hiện sẽ phải chờ thành phố rà soát, điều chỉnh lại các quy hoạch như Quy hoạch đê điều, Quy hoạch phòng chống lũ chi tiết, Quy hoạch sử dụng đất, Quy hoạch xây dựng (có liên quan đến bãi sông) để phù hợp với Quyết định số 275/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành.

 

Bên cạnh đó, để chủ động ứng phó với thời tiết khắc nghiệt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cũng đã chỉ đạo các quận, huyện, thị xã và các công ty thủy lợi tiến hành kiểm tra, rà soát các hồ đập trên địa bàn thành phố; rà soát quy trình tích nước và vận hành, những hư hỏng, sự cố được chủ đầu tư tu sửa nhằm bảo đảm an toàn cho các hồ chứa trong mùa lũ năm 2016; xây dựng phương án phòng, chống úng ngập ngoại thành và bảo đảm an toàn hồ đập trong mùa mưa bão năm 2016.

 

Văn Thể

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ