A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chủ động các phương án tìm kiếm cứu nạn

 

Thủ đô Hà Nội có địa bàn rộng, dân số đông, nhiều công trình lớn đã và đang được xây dựng, kết cấu hạ tầng còn nhiều bất cập, không đồng bộ, trong nội thành có nhiều tuyến đường hẹp, nhất là các khu phố đông dân cư. Với thực tiễn đó, khi có thiên tai, bão lũ, ngập úng, cháy nổ, sập đổ công trình, việc triển khai lực lượng cứu hộ, cứu nạn gặp nhiều khó khăn… Khắc phục điều đó, năm 2016, Ban Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) của Thành phố đã duy trì nghiêm chế độ trực phòng, chống thiên tai và TKCN ở các cấp; thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, kịp thời huy động lực lượng phương tiện, xử lý hiệu quả các tình huống xảy ra.

 

 

Các lực lượng nỗ lực giải cứu nạn nhân mắc kẹt trong vụ sập nhà số 43, phố Cửa Bắc, quận Ba Đình.

 

Trong năm, Ban Chỉ huy TKCN Thành phố đã tổ chức quán triệt, triệt khai nghiêm túc các văn bản, hướng dẫn của trên về công tác TKCN, đồng thời tham mưu với UBND Thành phố ban hành đồng bộ hệ thống văn bản lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ, điển hình như: Chỉ thị số 06 và Kế hoạch số 66 của UBND Thành phố về công tác phòng, chống thiên tai và TKCN và “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy”; Kế hoạch 997 của Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội về hiệp đồng sử dụng lực lượng TKCN khi có bão, áp thấp, lũ, lụt lớn; lũ quét, lũ ống, sạt, lở đất đá, vỡ đê, hồ, đập; đẩy mạnh công tác tuyên truyền… Đồng thời, kiện toàn các thành viên trong Ban chỉ huy và Tiểu ban TKCN chuyên ngành ở các cấp và chỉ đạo các Tiểu ban xây dựng kế hoạch sát với đặc điểm, tình hình, chức năng, nhiệm vụ. Cùng với đó, duy trì nghiêm chế độ trực cứu hộ, cứu nạn (24/24), nắm chắc tình hình thời tiết, kịp thời phát hiện các sự cố cháy, nổ, bão, ngập úng báo cáo, đề xuất với UBND Thành phố chủ động chỉ đạo, tổ chức khắc phục kịp thời.

 

Đối với công tác TKCN khi có bão, áp thấp gây lũ, lụt lớn, lũ quét ở vùng rừng núi gây vỡ đê, kè, hồ đập, Bộ Tư lệnh với chức năng là Cơ quan thường trực Ban Chỉ huy TKCN Thành phố và đảm nhiệm Trưởng Tiểu ban đã chủ động phối hợp với cơ quan chức năng xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai và TKCN; tham mưu với UBND tổ chức triển khai nhiệm vụ năm. Bên cạnh đó, tổ chức hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn về lực lượng, phương tiện; chỉ đạo các quận, huyện, thị xã rà soát các khu vực, mục tiêu trọng điểm về thiên tai và TKCN; tổ chức hội nghị hiệp đồng lực lượng, phương tiện với các cơ quan, đơn vị liên quan. Trước mùa mưa bão, Bộ Tư lệnh khảo sát các tuyến đê, kè, bãi đậu, bến đỗ cho các phương tiện thủy, máy bay làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn; bổ sung, điều chỉnh phương án, kế hoạch TKCN sát thực tế địa bàn và tình huống đặt ra; chỉ đạo các đơn vị thuộc quyền thường xuyên rà soát, kiểm tra bảo đảm đầy đủ lực lượng, phương tiện thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và TKCN trên địa bàn. Ngoài ra, tích cực kiểm tra các khu vực trọng điểm, tuyến đê xung yếu trên địa bàn các quận, huyện; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị duy trì và thực hiện nghiêm túc công tác tập huấn, huấn luyện, diễn tập cứu hộ, cứu nạn, bảo đảm chặt chẽ từ khâu xây dựng văn bản lãnh đạo, chỉ đạo; chương trình tập huấn, chuẩn bị lực lượng, phương tiện, địa điểm, vật chất, thao trường. Bộ Tư lệnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc tổ chức tập huấn, huấn luyện, diễn tập cứu hộ, cứu nạn theo chương trình quy định của Bộ Tổng Tham mưu. Quá trình huấn luyện, đơn vị đặc biệt chú trọng tới huấn luyện thực hành, huấn luyện đêm gắn với xây dựng nền nếp chính quy, rèn luyện kỷ luật, bảo đảm an toàn tuyệt đối trong huấn luyện…

 

Ở các chuyên ngành, các Tiểu ban trên từng lĩnh vực phụ trách như: TKCN khi có thảm họa cháy rừng; khi có thảm hoạ cháy nhà cao tầng, khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư; thảm họa động đất, tai nạn sập đổ nhà cao tầng…cũng chủ động nghiên cứu, xây dựng dựng kế hoạch, tham mưu đúng, trúng với đặc điểm tình hình của Thủ đô.

 

Cũng thông qua đó, năm qua các đầu mối đã tham gia xử lý kịp thời, hiệu quả các sự cố xảy ra về thiên tai, cháy nổ, cháy rừng, sập đổ công trình, giảm thiểu tối đa thiệt hại về tài sản của Nhà nước, nhân dân, được cấp uỷ, chính quyền và địa phương các cấp ghi nhận và đánh giá cao. Điển hình, Bộ Tư lệnh Thủ đô đã huy động 11.695 người cùng 1.414 lượt phương tiện và trang bị các loại tham gia ứng phó, xử lý 38 vụ thiên tai trên địa bàn; Sở Cảnh sát Phòng cháy Chữa cháy Hà Nội đã tiếp nhận và xử lý 7000 tin báo cháy và cứu hộ, cứu nạn…

 

Năm 2017, theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, diễn biến thời tiết, khí hậu thuỷ văn ngày càng phức tạp, cực đoan, khó lường. Các sự cố thiên tai, cháy nổ, cháy rừng, tai nạn giao thông, sập đổ công trình có thể diễn ra cả quy mô, số lượng và thiệt hại. Để chủ động đối phó, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về người, tài sản cho nhân dân, UBND Thành phố đã ban hành Chỉ thị, trong đó phân công rõ trách nhiệm cho tập thể, cá nhân. Theo đó, Ban Chỉ huy TKCN và các Tiểu ban cũng dự kiến các tình huống, đề ra giải pháp cụ thể từ nay đến hết năm.

 

Hiền Mĩ


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ