A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quận Nam Từ Liêm: Phát triển kinh tế, xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh

QPTĐ-5 năm (2015-2020) qua, với tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo từ quận đến cơ sở, quận Nam Từ Liêm đã phát huy được những thuận lợi, thế mạnh của địa phương; đồng thời, nỗ lực khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, tập trung lãnh đạo hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ Đại hội lần thứ nhất Đảng bộ quận đề ra.

Xây dựng đô thị quận Nam Tư Liêm ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp. (Ảnh:Internet)

Về kinh tế tiếp tục tăng trưởng cao và bền vững; công tác phát triển hạ tầng kỹ thuật và xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Quận đã huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phát triển kinh tế gắn với đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển kinh tế Thủ đô nhanh, bền vững. Cùng với đó là các chính sách kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội; tạo môi trường kinh doanh thuận lợi thu hút các thành phần kinh tế tham gia… 

Toàn quận có hơn 10.000 doanh nghiệp hoạt động, tăng gần 3 lần so với đầu nhiệm kỳ, đóng góp ngân sách khoảng 4.500 tỷ/năm. Kinh tế quận phát triển toàn diện, tăng trưởng bình quân đạt 14,9%. Cùng với đó, hạ tầng kỹ thuật được đặc biệt quan tâm, khớp nối đồng bộ. Hạ tầng xã hội phục vụ dân cư trên địa bàn 10 phường được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Toàn quận đã xây mới, mở rộng 16 trường học với kinh phí 1.300 tỷ đồng, đồng thời đầu tư cải tạo 100% các trường học cũ; xây mới 27 nhà văn hóa, cải tạo 13 nhà văn hóa tổ dân phố; xây dựng 4 trung tâm văn hóa-thể thao phường, tu bổ 14 di tích với tổng kinh phí khoảng 320 tỷ đồng; hoàn thành 4 trạm y tế phường còn thiếu với kinh phí 41 tỷ đồng.

5 năm qua, quận đã triển khai xây dựng, mở rộng 18 tuyến đường (có 13 tuyến mới triển khai trong năm 2019), dự kiến đến hết năm 2020 hoàn thành 9 tuyến, các tuyến còn lại tiếp tục được triển khai theo tiến độ kế hoạch. Hệ thống chiếu sáng được đầu tư bổ sung tới hầu hết các ngõ ngách còn thiếu, hệ thống đường giao thông, thoát nước ở các tổ dân phố được đầu tư nâng cấp, cải tạo với chiều dài khoảng 95,3km. Các đơn thư về đất đai, cơ chế chính sách giải phóng mặt bằng được quan tâm giải quyết, đạt tỷ lệ 80,6%. Các vụ việc khó khăn, phức tạp được tập trung giải quyết; 99,4% số công trình vi phạm đã được xử lý. Quận đã cấp 1.933 giấy chứng nhận lần đầu cho các hộ gia đình, cá nhân và cấp 4.363 giấy xác nhận đăng ký đất đai.

Bên cạnh đó, quan tâm lãnh đạo phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch-văn minh gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Hai bộ quy tắc ứng xử của Thành phố được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai bài bản, sâu rộng với nhiều mô hình phù hợp, bước đầu tạo sự thay đổi cả nhận thức và ứng xử của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Điểm nổi bật là, quận đã xây dựng và triển khai thực hiện Đề án “Phường đạt chuẩn văn minh đô thị” đạt kết quả bước đầu; tỷ lệ gia đình được công nhận “Gia đình văn hóa” đạt 88,7% (vượt 0,2% so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội); tỷ lệ tổ dân phố được công nhận và giữ vững “Tổ dân phố văn hóa” đạt  88% (vượt 2,7% so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội); tỷ lệ cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa là 82,5% (vượt 0,4% so với chỉ tiêu Chương trình 04).Tính đến cuối năm 2019, quận không còn hộ nghèo. Số lao động bình quân được tạo việc làm hằng năm khoảng 3.800 người (vượt 300 người so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội). Tỷ lệ bao phủ BHYT ước đạt 91% (vượt 0,1 % so với chỉ tiêu Chương trình 04). 

Bên cạnh phát triển kinh tế, xã hội, quận quan tâm lãnh đạo chăm lo xây dựng công tác quốc phòng, an ninh. Quán triệt sâu sắc quan điểm bảo đảm QP-AN, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Quận ủy đã xây dựng và lãnh đạo tổ chức thành công diễn tập khu vực phòng thủ cấp quận; đồng thời, có kế hoạch chỉ đạo các phường tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ sát với tình hình thực tiễn của địa phương. Hàng năm, quận đều hoàn thành 100% chỉ tiêu công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ, với chất lượng cao. Công tác huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức QP-AN được đổi mới, chỉ đạo chặt chẽ (từ năm 2015-2020, toàn quận đã tổ chức bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho 8.410 người). LLVT quận được xây dựng vững mạnh, đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, khả năng sẵn sàng chiến đấu cao; đã huy động 252.185 lượt cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ trực sẵn sàng chiến đấu, tuần tra, kiểm soát trong các ngày lễ, tết và trong dịp diễn ra các sự kiện chính trị quan trọng. 

Cải cách hành chính đạt nhiều thành tích nổi bật, đến năm 2018, 100% các quy trình giải quyết thủ tục hành chính tại quận được thực hiện theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông (theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008) với 161 thủ tục hành chính được cung cấp ở mức độ 3; 19 thủ tục hành chính được cung cấp ở mức độ 4. Chỉ số hài lòng của người dân đạt trên 90%. Quận đã tiên phong trong xây dựng, duy trì triển khai thực hiện mô hình “Chính quyền, công sở thân thiện và trách nhiệm”, được Thành phố ghi nhận, đánh giá cao. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng thời hạn đạt 99,99%, trong đó có hơn 20% hồ sơ được giải quyết trước thời hạn. Chỉ số cải cách hành chính của quận 4 năm liên tục đứng tốp đầu Thành phố; 2 năm (2017, 2018) đứng đầu Thành phố.

Những kết quả nổi bật đó đánh dấu bước phát triển quan trọng của quận Nam Từ Liêm trong 5 năm qua; đã được Đảng, Nhà nước, Thành phố ghi nhận. Quận được tặng Cờ thi đua của Chính phủ (năm 2018); Huân chương lao động hạng Ba của Chủ tịch nước (năm 2019); Cờ Thi đua xuất sắc của Thành phố (năm 2014, 2015 và 2018).

Hà Anh


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ