Tọa đàm xây dựng Luật Tình trạng khẩn cấp
QPTĐ- Sáng 20-2, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng tổ chức tọa đàm xây dựng Luật Tình trạng khẩn cấp.
Trung tướng Nguyễn Trọng Bình- Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Soạn thảo dự và phát biểu tại Hội nghị. Tham gia Tọa đàm có các đồng chí thủ trưởng Cục Cứu hộ- Cứu nạn Bộ Quốc phòng, Quân chủng Phòng không- Không quân, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội và một số đơn vị quân đội, sở, ban, ngành liên quan.
Sau khi nghiên cứu dự thảo Luật Tình trạng khẩn cấp, các đại biểu dự Tọa đàm đã đồng thuận, nhất trí cao với sự cần thiết ban hành Luật Tình trạng khẩn cấp, đồng thời khẳng định việc xây dựng dự án Luật tình trạng khẩn cấp là rất cần thiết nhằm tạo khung pháp lý đầy đủ, đồng bộ để quản lý, ứng khó và khắc phục hậu quả trong tình huống khẩn cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác bảo vệ người dân, duy trì trật tự xã hội và giảm thiểu thiệt hại.
Phát biểu gợi ý các nội dung trọng tâm cần được thảo luận tại Hội nghị, Thiếu tướng Đào Văn Nhận, Phó Tư lệnh kiêm TMT Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội nhấn mạnh: “Thực tế đã chứng minh các tình huống khẩn cấp có thể xảy ra bất cứ lúc nào, từ các thiên tai lớn, đại dịch Covid-19 đến những nguy cơ an ninh đe dọa trật tự xã hội. Tuy nhiên, khung pháp lý điều chỉnh tình trạng khẩn cấp của chúng ta hiện nay chủ yếu được quy định chung nhất trong Hiến pháp và một số văn bản pháp luật khác, chưa có một đạo luật riêng, thống nhất và đầy đủ. Điều này dẫn đến nhiều bất cập trong quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp và công tác tổ chức, điều hành, phối hợp giữa các cơ quan chức năng khi đối mặt với những tình huống khẩn cấp trên thực tế. Buổi Tọa đàm hôm nay được tổ chức với mục tiêu thu thập ý kiến đóng góp từ các nhà lãnh đạo, quản lý, điều hành thực tế tại địa phương để xây dựng Luật Tình trạng khẩn cấp đáp ứng các yêu cầu thực tiễn. Mỗi ý kiến đóng góp của các đồng chí sẽ là nguồn tư liệu quý giá để giúp các cơ quan có thẩm quyền xây dựng một đạo luật chặt chẽ, hiệu quả, khả thi và có tính thực tiễn cao”.
Tại Hội nghị, nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu để xây dựng Luật Tình trạng khẩn cấp, trong đó tập trung vào các nội dung như: Khái niệm tình trạng khẩn cấp, cụ thể hóa các hoạt động liên quan đến tình trạng khẩn cấp và các biện pháp được áp dụng tình trạng khẩn cấp tại các địa phương, các chính sách liên quan đến tình trạng khẩn cấp; Điều kiện tự nhiên, kinh tế, chính trị, xã hội tại địa phương tác động đến việc thực hiện pháp luật, chính sách về tình trạng khẩn cấp; Lực lượng hoạt động trong tình trạng khẩn cấp; nguồn lực ứng phó trong tình trạng khẩn cấp; hỗ trợ, cứu trợ khắc phụ hậu quả thảm họa…
Phát biểu tại Tọa đàm, Trung tướng Nguyễn Trọng Bình đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu thành phố Hà Nội. Đồng chí yêu cầu các cơ quan, ban, ngành liên quan cần đề xuất những bất cập, hạn chế, vướng mắc trong quá trình triển khai hoạt động trên các lĩnh vực liên quan đến tình trạng khẩn cấp tại địa phương, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và nâng cao hiệu quả pháp lý của hệ thống pháp luật; tạo cơ sở pháp lý, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật; tăng cường tính chủ động trong ứng phó, khắc phục kịp thời, hiệu quả khi xảy ra tình huống khẩn cấp, góp phần bảo vệ Đảng, Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Các ý kiến đóng góp trong Hội nghị sẽ được Bộ Quốc phòng tiếp thu, nghiên cứu và báo cáo, bổ sung vào Luật cho phù hợp, có hiệu quả.
Hữu Thu