A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ca trực đầu Xuân

QPTĐ-Ngày Tết được đoàn viên là mong ước của tất cả mọi người. Tuy nhiên, vì nhiệm vụ, nhiều cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn Thông tin  610 phải ở lại đơn vị. Họ sẵn sàng gác lại một phần hạnh phúc riêng của mình để bảo đảm thông tin luôn thông suốt, góp phần gìn giữ bình yên cho người dân Thủ đô vui Tết, đón Xuân...

 

Bên ngoài, hơi thở của mùa Xuân đang ngập tràn từng ngõ ngách nhưng trong căn phòng nhỏ, ca trực của người lính báo vụ với những tiếng “tịch tà-tịch tà” đều đều phát ra từ tổng đài vô tuyến điện như đưa chúng tôi đến với một thế giới khác. Tấm bảng ghi tám chữ vàng “Kịp thời, chính xác, bí mật, an toàn” của Bác Hồ tặng Bộ đội thông tin được đặt trang trọng ở phía đối diện vị trí trực máy, như để nhắc nhở các cán bộ, chiến sĩ nêu cao trách nhiệm, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Càng đến gần Tết thì cường độ làm việc càng cao, bởi giữ vững tín hiệu thông tin thông suốt trong những ngày Xuân là một trong những yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm của Tiểu đoàn. Trong đó, trực báo vụ là nhiệm vụ đòi hỏi tính chính xác, kịp thời, bí mật nên nhân viên báo vụ không chỉ nhanh tay, thính tai mà còn phải có sức khỏe tốt. Theo nghiệp báo vụ ngót nghét 25 năm nay nhưng Thiếu tá QNCN Đinh Thu Thủy vẫn vẹn nguyên tình yêu như thuở mới vào nghề. Tai nghe, tay viết, óc phân tích, những dòng thông tin được mã hóa qua 24 chữ cái, 10 con số như dòng nước chảy trong đầu, từ bao giờ đã trở thành bản năng mà theo chị Thủy “dù có đến già cũng không thể nào quên được”. 
Khi vừa nghe tôi hỏi Tết này chị đã chuẩn bị đến đâu rồi, chị vừa cười vừa nói: “Ngày Tết là ngày lễ lớn của dân tộc, người người, nhà nhà đều vui nhưng cứ đến Tết là chúng tôi lại phải tăng cường trực ban nhà báo ạ!”. Với người lính, càng là dịp lễ, tết, những ngày diễn ra sự kiện trọng đại là những ngày phải tăng cường trực sẵn sàng chiến đấu. Đặc biệt, nữ quân nhân thì nhiều thử thách hơn, vì ngoài lo nhiệm vụ, tham gia hoạt động chuẩn bị đón Tết của đơn vị, các chị cũng phải lo Tết cho gia đình. Chị Thủy xúc động trải lòng: “Năm đầu tiên trực đêm Giao thừa, thực sự tôi rất nhớ nhà, nhớ quê đến phát khóc. Nhìn mọi người hối hả về nhà sum họp bên mâm cơm tất niên, tôi cũng tủi thân lắm. Có những cái Tết, mẹ phải bồng con vào ca trực. Đến bây giờ đã quen rồi mà lắm khi vẫn còn thấy tủi. Nhưng ở đây các chị em đều đã xác định trước và cũng được sự quan tâm, tạo điều kiện của chỉ huy Tiểu đoàn nên chúng tôi vẫn sắp xếp được khoảng thời gian để ăn Tết cùng gia đình và yên tâm công tác”.

Giữ vững cánh sóng mùa Xuân.


Ưu tiên số một trong tâm niệm của các chị vẫn là hoàn thành nhiệm vụ, không để việc riêng lấn át việc công và điều đó xuất phát từ ý thức trách nhiệm cao của mỗi cá nhân, bởi người lính thông tin “vào đài là vào vị trí chiến đấu”. Và những câu chuyện đó thực sự đã khiến chúng tôi phần nào hiểu được nỗi vất vả của những người phụ nữ làm nhiệm vụ đặc thù này. 
Nếu như nhiệm vụ của bộ đội thông tin vô tuyến phải túc trực đài 24/24 giờ, thường xuyên chịu ảnh hưởng của sóng điện từ, thì thông tin hữu tuyến và thông tin vận động lại phải thường xuyên cơ động trong mọi điều kiện hoàn cảnh, nhằm đảm bảo cho “mạch máu” thông tin luôn thông suốt, chuyển nhận công văn, văn kiện, tài liệu, thư từ, báo chí từ Bộ Tư lệnh đến các đầu mối cơ quan, đơn vị kịp thời, chính xác và an toàn.
Những người lính quân bưu hằng ngày phải rong ruổi khắp các con đường nội, ngoại thành, mang bên mình chiếc cặp như vật bất ly thân gắn liền với nhiệm vụ “tối mật”. Công việc giao, nhận công văn, tài liệu tưởng chừng đơn giản, nhẹ nhàng nhưng thật không dễ dàng, vào các ngày lễ, tết nhiệm vụ còn tăng đột biến. Gắn bó với công tác quân bưu từ năm 2011 đến nay, Thiếu tá QNCN Trần Văn Thể, Nhân viên Trung đội Quân bưu bộc bạch: “Trung bình mỗi ngày, chúng tôi giao, nhận trên 100 công văn, tài liệu. Trong đó, có những tài liệu mật, công văn hẹn giờ, hỏa tốc... buộc anh em phải thực hiện nhanh, an toàn, đúng thời gian, địa chỉ”. Chừng ấy năm gắn bó với chặng đường giao nhận, là chừng ấy đêm Giao thừa xa gia đình làm nhiệm vụ. Với anh, chuyến công tác giao công văn tuyến Quốc Oai-Thạch Thất vào Tết năm 2014 là kỷ niệm đáng nhớ nhất. Anh nhớ lại: “Đêm giao công văn, trời mưa rất lớn, ngập cả tuyến đường cao tốc. Xe đi đến đoạn giữa Hoài Đức và Quốc Oai thì chết máy. Thời điểm ấy, tuyến đường cao tốc còn mới, dân cư hai bên đường còn chưa nhiều, công văn thì gấp, tôi phải dắt xe gần 5 cây số gửi vào nhà dân trong làng. Được cái dân mình thương bộ đội, thấy xe mình hỏng mà có việc gấp nên không ngại ngày Tết chở lên tận Quốc Oai. Từ Ban CHQS huyện Quốc Oai lại tiếp tục nhờ xe đồng đội giao công văn lên Thạch Thất”.
Trò chuyện với anh, chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện, những tình huống phát sinh trên đường công tác, càng thêm thấu hiểu những khó khăn, vất vả của người lính quân bưu. Giao thừa của mọi người là những chùm pháo hoa lung linh, là quây quần bên mâm cơm cùng gia đình. Còn với người lính là cất vang tiếng ca: “Đời mình là một khúc quân hành/Đời mình là bài ca chiến sĩ”. Tết của những người lính thông tin, nỗi nhớ nhà đã hòa với trách nhiệm lớn lao. Vì nhiệm vụ, dẫu có vất vả, khó khăn, các anh, các chị vẫn ngày đêm giữ vững “mạch máu thông tin”, góp sức cùng đất nước dệt nên những mùa Xuân đầy sức sống.

Hải Yến


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ