A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hiệu quả khi các trường THPT chăm lo ươm trồng “hạt giống đỏ” cho Đảng

Bài 3: Kết quả khả quan nhưng vẫn còn gian nan ở phía trước

QPTĐ-Theo Đề án số 20-ĐA/TU, ngày 24/10/2022 của Thành ủy Hà Nội về “Nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên ở Đảng bộ TP. Hà Nội trong giai đoạn mới”, Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025, kết nạp được 200 đảng viên là học sinh THPT mỗi năm, giai đoạn 2025-2030 mỗi năm kết nạp 300 đảng viên. Nguồn nhiều, số lượng chỉ tiêu kết nạp không quá lớn, sau một năm thực hiện đã có những tín hiệu khả quan. Tuy nhiên, để hoàn thành được chỉ tiêu này đòi hỏi phải có sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị; bởi khó khăn vướng mắc không chỉ về độ tuổi quy định theo Điều lệ Đảng, mà công tác giáo dục nhận thức, giáo dục chính trị tư tưởng, sự khớp nối bồi dưỡng, công nhận kết quả phấn đấu liên tục của các em học sinh giữa nhà trường và địa phương đang đặt ra những yêu cầu cần phải giải quyết.

Thành công ban đầu nhưng kết quả dài lâu

Đoàn trường THPT Lê Quý Đôn, quận Hà Đông đại hội nhiệm kỳ.

Đảng bộ huyện Gia Lâm có 74 tổ chức đảng trực thuộc, trong đó có 4 chi bộ trường THPT công lập trực thuộc Huyện uỷ, 4 chi bộ trường THPT ngoài công lập trực thuộc Đảng uỷ xã, thị trấn, 1 Đảng bộ trường Trung cấp dạy nghề, 1 chi bộ Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên với tổng số 11.680 học sinh. Trong năm qua, nhận thức sâu sắc về vai trò của công tác phát triển đảng viên trong học sinh theo Đề án 20 của Thành ủy, Huyện ủy Gia Lâm đã tích cực, chủ động chỉ đạo cấp ủy cơ sở rà soát, đánh giá, phân tích chất lượng quần chúng và xây dựng kế hoạch tạo nguồn phát triển đảng viên trong các trường học trên địa bàn. Tổ chức hội thảo, hội nghị chuyên đề về phát triển đảng viên trong học sinh, chăm lo tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức đoàn, hội hoạt động, tích cực phát hiện, bồi dưỡng đoàn viên, hội viên ưu tú giới thiệu cho Đảng. Với việc triển khai thực hiện các giải pháp kịp thời, tháng 5/2023, Ban Thường vụ Huyện ủy Gia Lâm đã chỉ đạo Trung tâm Chính trị huyện mở 1 lớp bồi dưỡng nhận thức về đảng cho 35 học sinh lớp 11 và 12 là những học sinh có thành tích xuất sắc trong học tập và rèn luyện nhằm tạo nguồn kết nạp đảng. Trong lễ trao quyết định cho học sinh đầu tiên của huyện được kết nạp Đảng theo Đề án số 20 tại Trường THPT Yên Viên, đồng chí Nguyễn Việt Hà, Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy Gia Lâm cho biết: “Việc kết nạp đảng viên là học sinh THPT không chỉ góp phần trẻ hóa đội ngũ đảng viên của Đảng, mà quan trọng hơn là góp phần định hướng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong các nhà trường, lan tỏa niềm tin yêu của thế hệ trẻ đối với Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, Bác Hồ vĩ đại; sớm tạo nguồn cán bộ lâu dài cho quê hương, đất nước. Dù số lượng kết nạp được học sinh vào Đảng của huyện chưa nhiều, nhưng qua đó cho thấy sự chuyển biến rõ nét trong công tác xây dựng Đảng của các chi bộ nhà trường, nhất là việc lựa chọn nguồn tham gia lớp nhận thức về Đảng”.

Đảng viên mới Phạm Minh Tuấn, Trường THPT Yên Viên, huyện Gia Lâm đọc lời tuyên thệ trong Lễ kết nạp đảng viên.

“Đồng bộ, hệ thống, thường xuyên, liên tục” đó là nét nổi bật khi chúng tôi tìm hiểu việc thực hiện Đề án số 20 tại một số cơ quan, đơn vị. Cụ thể là Ban Thường vụ các quận, huyện, Thị ủy và đảng bộ trực thuộc Thành ủy đã tích cực chỉ đạo Ban Tổ chức chủ trì hướng dẫn tổ chức đảng các trường THPT trên địa bàn xây dựng kế hoạch tạo nguồn và giao chỉ tiêu cụ thể trong kết nạp Đảng là học sinh; chỉ đạo các Trung tâm bồi dưỡng chính trị xây dựng kế hoạch, chuẩn bị nội dung, tài liệu, giáo trình để phối hợp mở các lớp nhận thức về Đảng. Đồng thời, Thành đoàn và tổ chức đoàn các cấp chỉ đạo, hướng dẫn Ban Chấp hành Đoàn các trường THPT lựa chọn bồi dưỡng ngay từ đầu cấp bằng việc lựa chọn các em tham gia làm Bí thư Chi đoàn, lớp trưởng, câu lạc bộ hội nhóm của thanh niên. Chính từ việc chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp này, nên các em học sinh THPT của quận Hà Đông được kết nạp đảng hiện nay đều là bí thư chi đoàn, lớp trưởng, lớp phó hoặc trưởng, phó các câu lạc bộ. Chia sẻ về những kinh nghiệm hay, hiệu quả trong phát triển Đảng là học sinh THPT của quận, theo đồng chí Nguyễn Tiến Quyết, Trưởng ban Tổ chức Quận ủy, kết quả, 8 tháng năm 2023, Đảng bộ Quận Hà Đông đã kết nạp được 189 đảng viên, đạt 72,6% chỉ tiêu Ban Tổ chức Thành ủy giao. Trong đó tỷ lệ đoàn viên ưu tú được kết nạp vào đảng chiếm tỷ lệ 64% và học sinh THPT là 16 em, chiếm tỷ lệ 8,4%. Những bài học kinh nghiệm cần thiết là phải phát huy hơn nữa vai trò của tổ chức Đoàn thanh niên trong công tác định hướng, giáo dục lý tưởng, chính trị, nhận thức về Đảng cho học sinh. Đồng thời, Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường cần chỉ đạo, hướng dẫn đội ngũ giáo viên chủ nhiệm theo sát kết quả học tập và rèn luyện để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và định hướng cho các em phấn đấu.

Chính nhờ sự tích cực, chủ động của cấp ủy cơ sở, cùng với thực hiện những giải pháp đồng bộ, nên sau 1 năm thực hiện Đề án số 20 của Thành ủy, các trường THPT trên địa bàn Thành phố đã kết nạp được 82 đảng viên là học sinh. Đây là thành công bước đầu, nhưng kết quả đóng vai trò nền tảng, dài lâu trong công tác xây dựng Đảng của Thành phố hiện nay.

Những vấn đề đặt ra cần giải quyết triệt để

Đồng chí Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội dự lễ kết nạp và trao quyết định cho đảng viên mới là học sinh Trường THPT Thăng Long, quận Hai Bà Trưng.

Qua trao đổi về những khó khăn, “rào cản” lớn nhất trong việc nâng tỷ lệ kết nạp Đảng cho học sinh theo Đề án số 20, lãnh đạo, Ban Giám hiệu các trường THPT trên địa bàn Thành phố đều thống nhất cho rằng: Một là, do là “quy định cứng” về độ tuổi kết nạp theo điều lệ Đảng, bởi vì theo quy định tại thời điểm chi bộ xét kết nạp, người vào Đảng phải đủ 18 tuổi và tính theo tháng, nhiều học sinh xuất sắc nổi bật trong học tập và rèn luyện nhưng chưa đủ 18 tuổi nên không thể xem xét kết nạp. Hai là, công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và địa phương trong việc bồi dưỡng, lựa chọn nguồn phát triển Đảng chưa được chặt chẽ. Cô Nguyễn Nguyễn Thị Thảo, giáo viên chủ nhiệm, Trường THPT Yên Hòa, quận Cầu Giấy chia sẻ: “Khó khăn nhưng đồng thời cũng là điều thiệt thòi rất lớn đối với các em sinh vào cuối năm, vì sau khi hoàn tất hồ sơ, thủ tục kết nạp, học sinh đã tốt nghiệp ra trường. Trong quá trình chuyển hồ sơ đảng về địa phương hoặc tổ chức đảng ở cơ sở giáo dục bậc cao hơn, các em gặp vướng mắc trong khâu tiếp nhận, cũng như kết nạp, bởi vì chỉ tiêu kết nạp tại đó đã được phân bổ từ đầu năm, các em muốn được đánh giá khẳng định phải theo dõi thêm một thời gian nữa. Từ đó làm ảnh hưởng đến tâm lý cũng như động lực phấn đấu của quần chúng”. Ba là, nội dung bồi dưỡng, giáo dục lý tưởng chính trị cho đối tượng kết nạp vào Đảng và bồi dưỡng đảng viên mới cho học sinh THPT vẫn còn dàn trải, nặng về lý luận, chưa xây dựng theo hướng ngắn gọn, giảm tải nội dung, tập trung vào những vấn đề cơ bản nhất về Đảng, như: Tiêu chuẩn, điều kiện xét kết nạp, nhiệm vụ của đảng viên, tính tiên phong gương mẫu, những điều đảng viên không được làm, nhất là xác định đúng đắn động cơ của người xin vào Đảng. Cô Nguyễn Phương Lan, Phó hiệu trưởng phụ trách Trường THPT Nhân Chính, quận Thanh Xuân cho rằng, các em tuổi đời còn quá trẻ, nên nhiều học sinh phổ thông chưa có nhận thức thật đầy đủ, sâu sắc về Đảng, do đó nội dung bồi dưỡng cần ngắn gọn, cô đọng, súc tích sao cho các em dễ nhớ, dễ học, dễ tiếp thu. Đồng thời, nhà trường phải cùng với gia đình tiếp tục, thường xuyên giáo dục, bồi dưỡng cho các em thì mới đảm bảo cho “quả ngọt” được. Bốn là, việc phân công đảng viên chính thức theo dõi, giúp đỡ đối tượng cảm tình Đảng của một số chi bộ nhà trường còn gặp nhiều khó khăn, thầy Trần Nguyên Hạnh, Bí thư chi bộ, Phó hiệu trưởng, Trường THPT Vạn Xuân, huyện Hoài Đức cho biết: “Các thầy cô làm công tác Đảng của nhà trường tất cả đều là kiêm nhiệm, cho nên khi được phân công theo dõi, giúp đỡ quần chúng phát triển Đảng thì ở góc độ này, góc độ khác cũng chưa thể hiện hết vai trò, khả năng trong tiếp xúc để nắm bắt tâm tư, định hướng, giúp đỡ quần chúng”. Cùng với đó là việc thẩm tra, xác minh lý lịch gặp khó khăn về thời gian, kinh phí, việc lập hồ sơ đề nghị kết nạp đảng viên còn có sai sót nhất định, nên phải làm lại nhiều lần.

Những nguyên nhân trên phần nào đã lý giải được tại sao số lượng đảng viên mới là học sinh các trường THPT trên địa bàn Thành phố kết nạp còn ít, chưa tương xứng với nguồn lực tiềm năng hiện có ở trường học. Đây cũng là những trăn trở của lãnh đạo Thành phố, sơ kết sau gần một năm thực hiện Đề án số 20, đánh giá về những khó khăn, tồn tại trong công tác phát triển Đảng và kết nạp học sinh vào Đảng của các trường THPT, đồng chí Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng, sự phối hợp giữa Đảng ủy khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội, Thành đoàn Hà Nội cũng như các nhà trường và quận, huyện, thị xã vẫn còn một số bất cập cần sớm được tháo gỡ. Đồng thời, yêu cầu cấp ủy, tổ chức Đảng, nhất là người đứng đầu phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở Đảng ở các trường học. Tiếp tục tuyên truyền, quán triệt về mục đích, yêu cầu, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác kết nạp đảng viên, đặc biệt là kết nạp học sinh THPT. Thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp của Đề án 20-ĐA/TU của Ban Thường vụ Thành ủy đề ra, trong đó chú trọng đào tạo học sinh THPT phát triển một cách toàn diện, không chỉ chú trọng vào việc dạy kiến thức trên lớp, mà cần quan tâm giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống, ý thức, trách nhiệm của công dân. Qua đó, các nhà trường có thể phát hiện, đào tạo và bồi dưỡng nguồn học sinh ưu tú giới thiệu cho Đảng.

Do đó, để bảo đảm thực hiện chất lượng, hiệu quả Đề án số 20 của Thành ủy trong thời gian tiếp theo, cấp ủy, tổ chức đảng cơ sở, nhất là người đứng đầu phải nêu cao trách nhiệm, tính chủ động, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc khảo sát, đánh giá, phân tích chất lượng quần chúng ưu tú là học sinh để xây dựng kế hoạch tạo nguồn kết nạp đảng viên hằng năm, coi đây là một tiêu chí để đánh giá công tác xây dựng tổ chức đảng. Cùng với đó là tạo môi trường thuận lợi để học sinh học tập, giác ngộ lý tưởng, hình thành động cơ trong sáng, tích cực rèn luyện, phấn đấu vào Đảng, phối hợp chặt chẽ với gia đình để nắm tâm tư, nguyện vọng, kịp thời động viên để học sinh phấn đấu. Đẩy nhanh tiến độ, thời gian xác minh, thẩm tra, kết luận hồ sơ đề nghị kết nạp đảng viên. Thường xuyên tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ công tác đảng cho bí thư, phó bí thư, cấp ủy các tổ chức đảng của nhà trường, nhất là hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác tạo nguồn, phát hiện nguồn và công tác kết nạp đảng viên bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, nguyên tắc, quy trình, hồ sơ, thủ tục theo quy định. Có như vậy công tác phát triển Đảng cho học sinh các trường THPT trên địa bàn Thành phố sẽ ngày càng chất lượng, hiệu quả.

Nguyễn Văn Tuân


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ