A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ấm tình quân dân nơi biên giới

Bài 1: Giúp dân phát triển kinh tế bằng cả tấm lòng

Những ngày đầu tháng 11, Đoàn công tác của Hội Nhà báo thành phố Hà Nội đã tổ chuyến đi thực tế tìm hiểu, tuyên truyền về biên giới, hải đảo ở 2 tỉnh: Kon Tum và Quảng Ngãi. Chuyến đi đã giúp mỗi thành viên trong Đoàn hiểu thêm về những khó khăn, vất vả trong thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ, cảm nhận sâu sắc hơn về nghĩa tình quân dân nơi biên cương của Tổ quốc. Báo Quốc phòng Thủ đô trân trọng giới thiệu loạt bài viết: “Ấm tình quân dân nơi biên giới”.

QPTĐ-Kon Tum là tỉnh biên giới nằm ở phía Bắc Tây Nguyên, có vị trí chiến lược quốc phòng, an ninh và đối ngoại; với đường biên giới quốc gia dài hơn 292km tiếp giáp với Lào và Campuchia. Để hoàn thành nhiệm vụ quản lý bảo vệ biên giới, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng (BĐBP) tỉnh Kon Tum luôn quán triệt, triển khai đồng bộ, toàn diện các biện pháp nghiệp vụ. Trong đó chú trọng công tác vận động quần chúng, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức hiệu quả các phong trào thi đua bằng các mô hình, phần việc nhân văn, hữu ích, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới ở khu vực biên giới.

BĐBP tỉnh Kon Tum trao tặng bò giống cho các hộ nghèo trên khu vực biên giới.

Với phương châm gần dân, sát cơ sở, luôn lắng nghe để giúp dân bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, đó là cách dân vận khéo mà BĐBP tỉnh Kon Tum đã và đang thực hiện. Trao đổi với phóng viên, Đại tá Phạm Cảnh Toàn, Phó Chính ủy BĐBP tỉnh Kon Tum cho biết: “Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch triển khai, hướng dẫn các đồn Biên phòng lựa chọn những sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp là người dân tộc thiểu số của đơn vị có năng lực, trách nhiệm, phân công kết nghĩa với hộ gia đình người dân tộc thiểu số nghèo trên địa bàn để thông qua đó hỗ trợ, giúp đỡ các hộ gia đình từng bước vươn lên thoát nghèo. Cùng với đó, phát huy hiệu quả các mô hình, phần việc giúp dân nâng cao chất lượng cuộc sống, từng bước chuyển đổi nhận thức, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, chăm chỉ lao động sản xuất, xóa bỏ hủ tục, tập tục lạc hậu, vươn lên xây dựng đời sống mới ấm no, hạnh phúc”.

Từ trung tâm thành phố Kon Tum theo quốc lộ 14, chúng tôi “hành quân” về huyện Ngọc Hồi (địa bàn có 5 xã biên giới, dân số 64.690 người và 17 dân tộc anh em sinh sống). Thời gian qua, các Đồn Biên phòng trên địa bàn huyện đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các xã biên giới triển khai nhiều mô hình, với hàng chục héc ta vườn cây ăn quả, vườn rau, ao cá bằng nguồn đóng góp của cán bộ, chiến sĩ. Hiện nay, các mô hình phát triển tốt và ngày càng nhân rộng.

Điểm dừng chân của Đoàn là xã Đắc Xú, nơi có đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào dài 11,5km gồm 5 cột mốc (từ cột mốc 782 đến 786). Đây là địa bàn từng là điểm “nóng” về ma túy, tiềm ẩn các tệ nạn xã hội. Đời sống của bà con tuy khá hơn song một bộ phận nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, (tổng hộ nghèo trên địa bàn xã là 74 hộ, chiếm tỷ lệ 3,7%), ý thức tự vươn lên dựng xây cuộc sống mới còn hạn chế,  khả năng áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất chưa cao, phương thức sản xuất lạc hậu còn phổ biến. Với phương châm: “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, Đảng ủy, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Đắk Xú đã chủ động phối hợp tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương đảm bảo tốt an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, không để xảy ra điểm nóng.

Quân y BĐBP tỉnh Kon Tum khám bệnh cho dân nghèo trên địa bàn biên giới.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Xú cho biết: “Năm 2023, bộ đội Đồn Biên phòng Đăk Xú triển khai và duy trì có hiệu quả các mô hình giúp nhân dân địa phương phát triển kinh tế. Tiểu biểu như: Đơn vị đã xây dựng một mô hình “cải tạo vườn tạp phát triển kinh tế vườn hộ gia đình”; mô hình sinh kế (tặng heo sinh sản) cho hộ gia đình chị Y Cam, thôn Kei Joi; tham gia giúp địa phương 105 ngày công lao động sửa nhà, thu hoạch hoa màu, xây dựng 3km đường bê tông nông thôn”.

Gia đình anh Lương Xuân Đá ở thôn Kei Joi là một trong số những hộ nghèo có khu vườn bỏ hoang không sử dụng, cỏ mọc um tùm. Cán bộ, chiến sĩ của Đồn xuống vận động, tuyên truyền và trực tiếp giúp đỡ dọn dẹp vườn, thực hiện các biện pháp cải tạo đất, trồng thay thế cây tạp bằng một số loại cây giống phù hợp, có giá trị kinh tế cao. Đồng thời hướng dẫn gia đình anh cách chăm sóc để cây sinh trưởng tốt. “Tuần nào, đơn vị cũng cử cán bộ xuống kiểm tra, cùng gia đình bón phân, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh. Tôi rất phấn khởi và yên tâm, động viên mọi người trong gia đình nỗ lực phấn đấu để thoát nghèo...”, anh Đá bộc bạch.

Đến xã Đăk Long, huyện Đắk Gley chúng tôi được Thượng tá Đặng Nguyên Hương, Chính trị viên Đồn Biên phòng Đăk Long chia sẻ: “Từ thực tiễn tại đơn vị, chủ trương của cấp trên, cấp ủy, Ban Chỉ huy Đồn đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các mô hình, phần việc giúp dân phát triển kinh tế. Đơn vị tôi đang duy trì 6 mô hình giúp dân phát triển kinh tế, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, như: Hỗ trợ bò giống sinh sản giúp hộ nghèo trên khu vực biên giới, tặng heo đen, tặng ngan giống, trồng cà phê... Mỗi mô hình được xây dựng đều xuất phát từ tình cảm, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ. Trong suốt quá trình triển khai, cán bộ, chiến sĩ của Đồn thường xuyên theo dõi, hướng dẫn, giúp đỡ chăm sóc, giúp đỡ thu hoạch”.

Phụ nữ BĐBP tỉnh Kon Tum phổ biến, tuyên truyền pháp luật cho phụ nữ khu vực biên giới.

Theo thống kê từ đầu năm đến nay, BĐBP tỉnh Kon Tum hỗ trợ cây, con giống, phân bón... cho nhân dân trên địa bàn trong thực hiện mô hình giúp dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo trị giá trên 62,9 triệu đồng; tặng 275 suất quà, trị giá trên 80 triệu đồng; phối hợp với các cơ quan, đơn vị xây tặng 12 nhà mái ấm tình thương trị giá 600 triệu đồng (50 triệu đồng/01 căn); 15 Mô hình sinh kế, trị giá 160 triệu đồng; tặng 751 suất quà cho gia đình chính sách, hộ nghèo, hội viên phụ nữ khó khăn, trị giá 593 triệu đồng; tặng 2 căn nhà Đại đoàn kết, trị giá 100 triệu đồng/2 căn; 2 con bò giống sinh sản trị giá 30 triệu đồng… Có thể thấy, những phần việc được cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh Kon Tum triển khai trên dọc dài tuyến biên giới đã ngày càng tạo được tình cảm gắn bó sâu sắc trong lòng nhân dân. Nhân dân tin tưởng vào cấp ủy, chính quyền địa phương, sẽ tích cực tự giác tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc, giữ gìn ANTT thôn, làng, góp phần giúp cho BĐBP hoàn thành nhiệm vụ.

Hữu Thu


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ