A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bác Hồ hai lần dự Đại hội Đảng bộ Hà Nội

 

QPTĐ-Thành lập ngày 17/3/1930, hơn 90 năm lãnh đạo toàn diện, Đảng bộ thành phố Hà Nội đã tổ chức 16 kỳ đại hội. Các kỳ đại hội Đảng bộ Thành phố là những mốc lịch sử quan trọng đánh dấu bước trưởng thành to lớn về công tác xây dựng Đảng, phong trào cách mạng của Đảng bộ Hà Nội trong mỗi giai đoạn lịch sử. Đặc biệt, tại Đại hội lần thứ I và Đại hội lần thứ II, Đảng bộ Hà Nội vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự và phát biểu. Những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn được Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân Thủ đô xác định là kim chỉ nam, ngọn đèn soi sáng trong quá trình đổi mới và phát triển.

Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ II, tháng 2 năm 1961. (Ảnh: Tư liệu)

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng vô cùng phong phú của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hà Nội là nơi Người đã ở và làm việc lâu nhất và cũng là nơi Bác dành sự quan tâm, săn sóc hết sức đặc biệt. Bác dùng ba chữ “Thủ đô ta” khi nói về Hà Nội. Điều đó chứa đựng biết bao tình cảm sâu nặng, gần gũi và sát sao của Người đối với Hà Nội, chỉ riêng Hà Nội mới có được vinh dự ấy. Ba chữ “Thủ đô ta” cũng nói lên vị trí, trách nhiệm, gắn với vai trò tiên phong, gương mẫu của Thủ đô. Với Đảng bộ và chính quyền Hà Nội, Bác không những trực tiếp chỉ đạo, theo dõi việc lớn ở tầm chiến lược, vĩ mô và cả những công việc hết sức cụ thể, chi tiết và thiết thực hàng ngày. Người rất chú ý tới vấn đề xây dựng và phát triển Thủ đô vững mạnh toàn diện. Người khẳng định "Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta", nên “Thủ đô ta” phải phấn đấu để “thành một Thủ đô bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần”. Bác cũng luôn yêu cầu Hà Nội xác định và bảo đảm hoàn thành trách nhiệm vị trí "đầu tàu", vai trò "gương mẫu" với cả nước.

Ngày 25/4/1959, đến dự Hội nghị cán bộ toàn Đảng bộ Hà Nội (được coi là Đại hội lần thứ I Đảng bộ Hà Nội), Người ân cần căn dặn: "Thủ đô Hà Nội phải làm thế nào để trở thành một Thủ đô xã hội chủ nghĩa. Muốn như thế mỗi một xí nghiệp, mỗi một đơn vị bộ đội, mỗi một trường học, mỗi một đường phố, mỗi một cơ quan, mỗi một nông thôn ở ngoại thành phải thành một pháo đài của chủ nghĩa xã hội”. Bác cũng nhắc nhở: “Hà Nội cần phải củng cố và phát triển Đảng, Đoàn Thanh niên Lao động và Công đoàn. Đảng bộ Hà Nội cần phát triển thêm thành phần công nhân, nông dân, lao động trí óc và phụ nữ vào Đảng”.  Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đặt ra những yêu cầu cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên của Hà Nội. Người nói: “Đảng viên, đoàn viên bất cứ ở đâu, bất cứ làm công việc gì, phải thật gương mẫu. Đảng bộ Hà Nội phải làm gương mẫu cho các đảng bộ khác. Đảng bộ Hà Nội gương mẫu sẽ góp phần đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, làm cơ sở vững mạnh đấu tranh giành thống nhất nước nhà”. 

Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Đảng Lao động Việt Nam thành phố Hà Nội lần thứ II (từ 25/01 đến 02/02/1961) Bác đến nói chuyện và khuyên nhủ: "Nói chung, số đông cán bộ ta đều tận tụy, đều cố gắng làm tròn nhiệm vụ. Nhưng vẫn còn một số bị chủ nghĩa cá nhân trói buộc, do đó mà phạm nhiều sai lầm, khuyết điểm”. 

Bác lấy ví dụ cụ thể:
“- Đối với nhân dân thì quan liêu, mệnh lệnh, xem thường pháp luật, không tôn trọng quyền lợi của nhân dân (như có khi khám xét nhà mà không báo trước cho chủ nhà).
Tự tiện ra mệnh lệnh lung tung (như bán bánh ngọt không cho người mang bánh về nhà, bắt người ta ăn tại chỗ).
- Đối với tập thể thì kèn cựa địa vị, tính thiệt suy hơn, chỉ hỏi Đảng và Chính phủ đã làm gì cho mình, không tự hỏi mình đã làm gì có lợi ích cho nhân dân, cho xã hội.
- Đối với của công thì lãng phí, tham ô, ở các xí nghiệp và các hợp tác xã nhiều nơi đều có hiện tượng xấu như vậy.
- Đối với bản thân thì không lo trau dồi đạo đức cách mạng, không lo học tập để tiến bộ, mà chỉ lo ăn ngon, mặc đẹp hơn người khác...”.
Và Người căn dặn: “Trung ương mong rằng các đồng chí có những khuyết điểm đó thì cố gắng mà sửa chữa, các đồng chí khác giúp họ sửa chữa. Chúng ta thực hiện thật thà tự phê bình, và thành khẩn phê bình, để tiến bộ không ngừng”.

Đối với các Đảng bộ khu vực ngoại thành Người khuyên nhủ: "Bác nêu kinh nghiệm là đến nơi nào thấy đời sống nhân dân được nâng cao, làng xóm sạch sẽ, đường sá đẹp đẽ, giếng nước sạch, đủ ăn, nhân dân đoàn kết, hăng hái sản xuất, phong trào học tập văn hóa khá, bán lương thực cho Nhà nước đầy đủ, nhanh chóng, phong trào trồng cây tốt, mọi hủ tục giảm dần... thì ở đó công tác Đảng khá, chi bộ vững mạnh. Còn ngược lại thì công tác của Đảng bộ, của chi bộ nơi ấy chưa tốt...". Chủ tịch Hồ Chí Minh kết luận: “Cần phải ra sức củng cố các chi bộ, để tất cả các chi bộ trở nên thật sự là hạt nhân lãnh đạo của Đảng ở mọi bộ, mọi ngành, mọi nghề, mọi nơi”. Cuối bài nói chuyện, Người một lần nữa dặn dò: “Đảng bộ Thủ đô và đồng bào, trước hết là công nhân Thủ đô phải gương mẫu, làm đầu tàu, để đưa toàn miền Bắc giành lấy thắng lợi”.

Lời Bác dạy mãi mãi là bài học lớn cho toàn Đảng bộ Hà Nội và mỗi đảng viên, mãi mãi có ý nghĩa thực tiễn và không bao giờ cũ. Vì vậy, Hà Nội luôn chú trọng chăm lo công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Qua 90 năm phát triển, từ một số ít đảng viên, Đảng bộ Hà Nội hiện nay đã có 50 tổ chức Đảng trực thuộc với hơn 450.000 đảng viên. Đảng bộ Hà Nội gương mẫu, đi đầu thực hiện nghiêm túc, sáng tạo các Nghị quyết Trung ương gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đạt kết quả toàn diện và quan trọng. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng các cấp, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng lên, tạo nền tảng, xây dựng Đảng bộ Thành phố trong sạch, vững mạnh.

Phương Linh
 


Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ