Tết Dương lịch và ý nghĩa đối với người dân đất Việt
QPTĐ- Từ trước đến nay, Tết Nguyên đán được xem là ngày Tết quan trọng nhất của người Việt. Nhưng nhiều năm qua, với sức mạnh của hội nhập văn hóa, người dân Việt Nam đã dần coi Tết Dương lịch như một ngày Lễ quan trọng trong năm. Cũng giống như Tết cổ truyền, những ngày nghỉ Tết Dương lịch còn là dịp để các gia đình họp mặt, tổng kết sau một năm học tập, công tác, là khoảng thời gian mà nhiều người dành cho người thân, bạn bè.
Người dân hào hứng theo dõi bắn pháo hoa dịp Tết Dương lịch năm 2024 tại thành phố Hải Phòng.
Ảnh: NGỌC SƠN
Tết Dương lịch (hay còn được gọi là Tết Tây) diễn ra vào ngày 1/1 hàng năm và cũng là ngày đầu tiên trong năm theo Dương lịch. Tết Dương lịch có nguồn gốc từ thời cổ đại, năm 153 trước Công nguyên đế quốc La Mã là nước đầu tiên chọn ngày 01 tháng 01 làm ngày Năm mới “New Year”, trong hệ thống lịch Julian do Hoàng đến Julius Caesar đề xướng.
Như vậy, Tết Dương lịch bắt nguồn từ thời cổ đại và tồn tại cùng với dòng chảy của văn minh. Đến năm 1582 sau Công nguyên, Giáo hoàng Gregory XII sau khi nhận chức đã dùng phương pháp tính lịch hiện đại của các nhà thiên văn dùng thuật toán để tính ngày dựa theo sự chuyển động theo mặt trời và của trái đất để phân chia tháng năm. Giáo hoàng đã sửa đổi, nhưng vẫn ấn định ngày 1 tháng 1 bắt đầu cho một năm mới, vì do chính quyền và nhân dân đều ở trong các giáo hội, khi tôn giáo còn chi phối chính quyền thì quy định về thời gian của họ trở thành “luật”.
Ngày đầu tiên của năm mới mà hầu hết các nước đang dùng hiện nay là của Đức giáo hoàng Gregory XII công bố năm 1582, nó nhanh chóng được các nước Công giáo chấp nhận. Sau đó đến các nước theo đạo Tin Lành cũng theo lịch này, còn các nước Đông Âu thì muộn hơn. Vương quốc Anh bắt đầu năm 1752 bỏ lịch cổ của mình để theo lịch Gregory, Thụy Điển chấp nhận lịch Gregory năm 1753, trước đó Thụy Điển có thời kỳ 12 năm bắt đầu từ năm 1700 đã sử dụng lịch Julius sửa đổi.
Nga thì duy trì lịch Julius cho đến tận lúc giành thắng lợi Cách mạng Nga, đây là lý do gọi “Cách mạng tháng Mười Nga” nhưng diễn ra vào tháng 11 theo lịch Gregory năm 1917, trong khi Hy Lạp vẫn tiếp tục sử dụng lịch Julius cho đến tận năm 1923. Ngày nay, ngày 01 tháng 01 Tết Dương Lịch đã được sử dụng và phổ biến rộng rãi trên toàn thế giới, và đây là ngày nghỉ lễ của các quốc gia áp dụng bộ lịch này. Ở phương Tây, ý nghĩa ngày Tết Dương lịch là dịp để mọi người quây quần, tụ họp cùng nhau đón chào năm mới theo nhiều cách khác nhau. Dù với cách chào đón nào, sự kiện này đều chung một ý nghĩa là thể hiện sự biết ơn một năm đã qua và hi vọng năm mới sẽ gặp nhiều may mắn, an lành.
Đối với Việt Nam, Tết Dương lịch được áp dụng từ thời Pháp thuộc, khi lịch Tây bắt đầu được sử dụng thay Âm lịch truyền thống. Các công sở trong chính quyền bảo hộ ở Đông Dương lúc đó được nghỉ những ngày này để tổ chức lễ hội đón năm mới, vì thế Tết Dương lịch đã được Việt hóa và trở thành một ngày lễ truyền thống của toàn dân. Ý nghĩa “Tết” đối với nhân dân Việt Nam, dù đó là Tết Dương lịch hay Tết Nguyên Đán cổ truyền của dân tộc, đều có chung ý nghĩa âm dương hài hoà, Đông Tây hội tụ, chính là sự giao thời giữa năm cũ và năm mới, là sự kết thúc của một chu kì vận hành của đất trời, vạn vật cỏ cây.
Trong ngày này, người dân Việt Nam hòa cùng không khí đón mừng năm mới nhộn nhịp với người dân trên toàn thế giới và cũng dành thời gian để nghỉ ngơi, về bên gia đình, người thân hay dành tặng cho bản thân kỳ nghỉ ngắn sau những ngày làm việc căng thẳng. Không khí đón Tết Dương Lịch dù không nhộn nhịp, sôi nổi, không có nhiều hoạt động giải trí như Tết cổ truyền của dân tộc, nhưng người dân trên cả nước vẫn tận hưởng được một số hoạt động hấp dẫn như: Cùng nhau đếm ngược thời gian đón giao thừa, thưởng thức màn bắn pháo hoa tại các thành phố lớn, cùng bạn bè, người thân tổ chức những bữa tiệc mừng năm mới hay đi du lịch tại các địa điểm gần trung tâm…
Năm mới là mốc thời gian để dịp mỗi người nhìn lại chặng đường của mình đã qua. Chặng đường ấy là cả một năm với biết bao niềm vui, nỗi buồn rồi cả sự bận rộn, bươn chải lo toan trong cuộc sống. Chính trong giây phút thiêng liêng giao hòa của trời đất đón chào năm mới, bất chợt khiến chúng ta giật mình nhớ ra bản thân nhiều khi quên mất nói lời yêu thương với những người thân yêu nhất của mình. Và lời chúc “Happy New Year - Chúc mừng năm mới” vang lên như một thông điệp tươi mới, tốt đẹp đầy thi vị của cuộc sống, giúp chúng ta cảm thấy yêu thương ấm áp, gần gũi hơn. Trong giây phút đón chào năm mới Tết Dương lịch 2025, trong mỗi người con dân đất Việt, có lẽ tất cả đều có chung một dòng suy nghĩ, là cầu mong cho “Quốc thái dân an” thái bình hưng thịnh, đón chào một năm mới an lành tràn đầy hạnh phúc.
NGUYỄN VĂN TUÂN