A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thành cổ Sơn Tây-Kiến trúc đá ong độc đáo

 

QPTĐ-Thành cổ Sơn Tây là công trình kiến trúc cổ nằm giữa trung tâm thị xã-là một trong những thành trì lớn nhất còn tồn tại ở Hà Nội. Thành cổ Sơn Tây là một dấu ấn còn sót lại của lịch sử hào hùng chống giặc ngoại xâm, được xây dựng vào đời vua Minh Mạng lần thứ 3 năm 1822. 

Ấn tượng đầu tiên khi đặt chân đến thành cổ Sơn Tây là hình ảnh những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi tỏa bóng mát quanh năm. Những bộ rễ sần sùi vươn dài ôm trọn lấy những bờ tường rêu phong, những cổng thành đổ nát tạo một nét đẹp cổ kính. Thành cổ Sơn Tây là tòa nhà quân sự được xây bằng đá ong có tổng thể hình vuông mỗi chiều khoảng 400m, cao 5m được xây theo kiểu Vauban (kiểu công trình quân sự lấy theo tên kỹ sư người Pháp Vauban), với tổng diện tích 16ha. Xung quanh thành được bao phủ bởi hào nước rộng khoảng 20m, với con đường làm bằng gạch đá ngăn cách giữa hào nước và tường thành. Trên mỗi bức tường đều có một họa tiết hình bán nguyệt đường kính 30m với nhiều lỗ châu mai tinh xảo. Đây chính là lỗ quan sát và ngắm bắn của lính bảo vệ thành mỗi khi có giặc xâm phạm. Mỗi bức tường thành cùng lỗ châu mai cũng là địa điểm ẩn nấp của quân đội dùng để thăm dò mọi tung tích và hành động của kẻ thù. 

Một cổng Thành cổ Sơn Tây.

Thành bao gồm 4 cổng quay ra các hướng Đông, Tây, Nam, Bắc với những cái tên tương ứng như cửa Tả, cửa Hữu, cửa Tiền và cửa Hậu. Cửa Tả hướng ra phố Phùng Khắc Khoan, cửa Hữu hướng ra phố Trần Hưng Đạo, cửa Tiền nhìn ra phố Quang Trung và cửa Hậu hướng thẳng bờ sông Hồng. Thành bao gồm trục chính và thành ngoài. Trục chính của tòa thành là trục nối liền cửa Tiền và cửa Hậu tạo nên một thành trì vững chắc, với vị trí địa lý thuận lợi để quan sát bốn phương tám hướng. Cửa Tiền và cửa Hậu cũng chính là địa điểm có hào nước bao quanh, gồm đường voi nối liền hai cửa. Trước đây bốn cửa đều có cầu gạch bắc qua hào nước, nhưng hiện nay chỉ có hai cửa chính là cửa Tiền và cửa Hậu, có cầu bắc qua hào nước dẫn vào cổng thành. Hiện, 4 cổng thành bằng đá ong còn giữ được nguyên vẻ nguyên sơ cổ kính, trên các cổng có vọng lâu và ụ súng. 

Thành chính bên trong được xây dựng một kỳ đài to lớn hình tháp 8 cạnh, cao 18m với nhiều ô cửa sổ nhỏ hứng trọng ánh nắng mặt trời mỗi sớm. Kỳ đài vừa là tháp canh vừa là cột cờ của thành trì, là địa điểm quan sát cao nhất của lính An Nam. Phía bên trong tháp là một cầu thang đá với kiểu kiến trúc xoáy trôn ốc với 50 bậc đá dài. Vào năm 1940, đỉnh tháp được lắp đặt hệ thống âm thanh thu phát tín hiệu để báo giờ hoặc thông báo tình hình mỗi khi có bất trắc xảy ra. Dưới chân tháp là hai giếng nước lớn, nước trong xanh tạo nên vẻ đẹp lãng mạn, yên bình.

Công trình kiến trúc nổi bật nhất ở trong thành phải kể đến Điện Kính Thiên và cổng Vọng Cung (Đoan Môn cổ). Đây là khu vực an tọa, nghỉ ngơi và đi lại của nhà vua vào các ngày lễ tế, lễ bái long trọng, uy nghiêm. Ngoài ra, thành còn được bố trí ba khẩu đại bác lớn ở 3 mặt tiền phục vụ cho mục đính tấn công và phòng thủ, bảo vệ sự an toàn của nhà vua và thành trì. 

Thành cổ Sơn Tây từng là nơi đặt cơ quan hành chính của một vùng xứ Đoài rộng lớn, bao gồm gần 1/2 diện tích của tỉnh Hà Tây cũ, tỉnh Vĩnh Phúc, một phần tỉnh Phú Thọ và huyện Sơn Dương của Tuyên Quang. Cùng với thành Bắc Ninh, đây được coi là 2 gọng kìm lợi hại để bảo vệ thành Hà Nội trước nguy cơ tấn công của thực dân Pháp. Bên cạnh đó, thành cổ Sơn Tây còn là biểu tượng cho truyền thống đấu tranh anh dũng của nhân dân Sơn Tây. Hưởng ứng chiếu Cần Vương của Vua Hàm Nghi hiệu triệu, nơi đây đã diễn ra các cuộc chiến đấu ác liệt, quả cảm, anh dũng của nghĩa quân chống lại sự tấn công của giặc Pháp. Năm 1946, tại Vọng Cung đã diễn ra cuộc họp của Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa để quyết định các vấn đề quan trọng mở đầu cho những thắng lợi của cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp.

Trải qua bao thăng trầm, biến cố lịch sử, nhiều công trình đã bị phá hủy nhưng thời gian không làm mất được dấu tích uy nghi, cổ kính của thành. Những dấu tích còn sót lại chủ yếu là đoạn tường thành, cổng thành, giếng nước, khẩu súng thần công và một số chi tiết nhỏ trong Vọng Cung, Điện Kính Thiên… Tuy nhiên, Thành cổ Sơn Tây vẫn hiện lên với vẻ đẹp nguy nga tráng lệ. Năm 1994, thành cổ Sơn Tây đã được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích lịch sử kiến trúc quốc gia.

Khánh Hà (th)
 


Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 4 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ