A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Họa sỹ Ngô Xuân Khôi - Người vẽ linh vật SEA Games 31

 

QPTĐ-Trong năm 2021, Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) và Đại hội Thể thao Người khuyết tật Đông Nam Á lần thứ 11 (ASEAN Para Games 11) sẽ được tổ chức tại Việt Nam. Một trong những điều mà người hâm mộ quan tâm trong thời gian qua đó là linh vật SEA Games-hình ảnh đại diện của quốc gia đăng cai nên việc lựa chọn linh vật luôn là điều vô cùng quan trọng trước khi SEA Games diễn ra. Theo công bố của Tổng cục Thể dục-Thể Thao, tác phẩm Sao la được lựa chọn vì đáp ứng các tiêu chí về bố cục, thẩm mỹ và ý nghĩa. Để hiểu rõ hơn về hình tượng Sao la, chúng tôi tìm gặp họa sĩ Ngô Xuân Khôi, người giành giải Nhất cuộc thi Sáng tác biểu trưng, biểu tượng vui của 2 Đại hội.

Tác giả và họa sĩ Ngô Xuân Khôi.

Còn nhớ, SEA Games 22 tổ chức tại Việt Nam vào năm 2003, hình ảnh chú Trâu vàng đã được lựa chọn làm biểu tượng của Đại hội. Hình tượng Trâu vàng được lựa chọn khi đó là do con trâu luôn gắn liền với hình ảnh của nền văn minh lúa nước-đặc trưng của Việt Nam và các nước khu vực Đông Nam Á. Bên cạnh đó, hình ảnh con trâu vừa gần gũi, thân thương vừa thể hiện được sức mạnh, tốc độ, sự chắc chắn… phù hợp với tính chất của thể thao. Trâu vàng còn gắn với sự tích Hồ Tây (hiện còn đền Kim Ngưu tại Hà Nội), và con sông Kim Ngưu. Đến SEA Games 31 này, Ban Tổ chức đã lựa chọn Sao la, một loài động vật quý hiếm trong Sách đỏ cần được bảo tồn ở Việt Nam. 

Chia sẻ với chúng tôi về ý tưởng sáng tác của mình, họa sĩ Ngô Xuân Khôi cho biết: Tham dự cuộc thi, tôi luôn suy nghĩ phải tìm một con vật gì đó thật đặc biệt, đặc trưng cho đất nước và tôi chợt nhớ đến Sao la. Sao la (danh pháp khoa học: Pseudoryx nghetinhensis) là một trong những loài thú hiếm nhất trên thế giới sinh sống trong vùng núi rừng Trường Sơn tại Việt Nam. Sao la được ví là linh hồn của dãy Trường Sơn. Loài thú này được xếp hạng ở mức nguy cấp (có nguy cơ tuyệt chủng trong tự nhiên rất cao) trong Sách đỏ của Liên minh Bảo tồn Thế giới và trong Sách đỏ Việt Nam. Sao la được phát hiện lần đầu tiên trên thế giới tại Việt Nam vào tháng 5 năm 1992 trong một chuyến khảo sát được Bộ Lâm nghiệp Việt Nam và Quỹ quốc tế Bảo vệ thiên nhiên tiến hành trong Vườn quốc gia Vũ Quang. Việc khám phá ra loài Sao la đã gây chấn động trên thế giới vì giới khoa học đã cho rằng việc tìm thấy một loài thú lớn vào cuối thế kỷ XX là chuyện khó có thể xảy ra. Quyết định chọn Sao la làm hình tượng linh vật cho SEA Games 31 xuất phát từ lý do trên. Bản thân hình ảnh con vật cũng rất đẹp, hiền lành, đáng yêu và vô cùng quý hiếm nên nó độc đáo, trên thế giới không đâu có. Thông qua hình tượng này, bạn bè trong khu vực và quốc tế biết thêm những giá trị rất đặc biệt mà thiên nhiên đã ban tặng cho mảnh đất hình chữ S của chúng ta. Sao la có thân hình gần giống con nai nhưng đầu thon nhỏ, có hai sừng nhỏ dài và thẳng. Đặc điểm nhận diện của Sao la chính là các đốm trắng hai bên má.

Biểu tượng linh vật Sao la của tác giả Ngô Xuân Khôi cho thấy có sự cách điệu nhân hóa, có màu sắc ấm áp, gần gũi. Với gam màu nâu, đỏ, vàng là chủ đạo gợi sự vui vẻ, may mắn. Đây cũng là màu sắc quen thuộc trong văn hóa dân gian và gợi liên tưởng màu cờ đỏ sao vàng của Việt Nam. Chúng ta thấy trang phục Sao la giản dị như của nguời nông dân Việt, hiện lên màu của đất, của lúa non, lúa chín vàng. Sao la với dáng đứng khỏe khoắn, tay phải giơ cao, hai ngón xòe hình chữ V, tự tin, chiến thắng (như là chữ cái đầu của Việt Nam hay victory-chiến thắng), thần thái nhanh nhẹn, hóm hỉnh, thông minh. Khắp thế giới, chỉ có Việt Nam và vài tỉnh của Lào là có Sao la nên người ta còn gọi nó là “kỳ lân châu Á”. Điều khiến họa sĩ xúc động nhất đó là tác phẩm Sao la của ông vượt qua hơn 500 tác phẩm dự thi để vào vòng chung khảo. Trong đó 3 tác phẩm gây tranh cãi nhiều nhất là: “Sao la”, “Nghê cười” và  “Hổ”. Cuối cùng Sao la đã được Ban Tổ chức lựa chọn. Tác phẩm sau đạt giải cũng được ông chỉnh sửa, bổ sung thêm một số chi tiết theo góp ý của Ban tổ chức.

Họa sĩ Ngô Xuân Khôi sinh năm 1961 tại thành phố Vinh, Nghệ An. Gia đình không ai làm nghệ thuật nhưng 6,7 tuổi ông đã bắt đầu thích vẽ. Ông thường dùng phấn học sinh hoặc những mảnh gạch nhỏ vẽ lên bất cứ chỗ nào có thể. Năm 1979, bước vào tuổi 18, ông viết đơn tình nguyện nhập ngũ, được biên chế vào Binh chủng Pháo binh. Những năm tháng trong quân ngũ, phát hiện thấy ông có “hoa tay”, đơn vị đã chọn ông vào tham gia làm công tác tuyên huấn, thường xuyên được giao kẻ vẽ khẩu hiệu, các loại tranh cổ động, tuyên truyền theo nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Năm 1983, sau khi xuất ngũ, ông ôn thi và thi đỗ vào Đại học Mỹ Thuật Công nghiệp Hà Nội. Tốt nghiệp đại học, ông đi làm tự do một thời gian, sau đó về làm họa sĩ trình bày bìa tại Nhà xuất bản Thế giới. Hiện tại, ông là họa sỹ vẽ minh họa, thiết kế bìa sách cho Nhà xuất bản Phụ nữ và cộng tác vẽ minh họa trên báo chí với một số tờ báo của Công an và Quân đội. Ông cũng đạt được nhiều giải vẽ bìa sách của Hội Xuất bản Việt Nam với các cuốn như “Thần thoại Hy Lạp”, “Mẫu thượng ngàn”, “Đội gạo lên chùa”… Qua bản vẽ về hình tượng Sao la mà ông giới thiệu, chúng tôi càng khâm phục tài năng, tâm hồn, tình cảm của người họa sĩ dành cho hội họa. Đây sẽ là một dấu ấn nổi bật trong cuộc đời lao động nghệ thuật của ông.

Đối với nhiều người, Sao la còn khá xa lạ nhưng tới đây nó sẽ được bạn bè quốc tế biết đến như như một biểu tượng của sự trù phú, giàu đẹp, hiền hòa, vui vẻ của Việt Nam. Tác giả Ngô Xuân Khôi bộc bạch: “Hy vọng rằng với tinh thần thể thao Việt Nam, với tư cách là nước chủ nhà Đại hội Thể thao lớn nhất khu vực, chúng ta lại lập nên những kỳ tích mới. Hình tượng Sao la sẽ tiếp thêm sức mạnh, niềm tự hào dân tộc để các vận động viên hưng phấn, lập thành tích cao, mang vinh quang về cho đất nước. Sao la sẽ theo chân các vận động viên bước lên bục cao nhất của SEA Games 31 và lan tỏa khắp nơi, trở nên quen thuộc với công chúng và bạn bè quốc tế”.

Phúc Nguyên


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ