A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tổng thống Mỹ công du châu Á, củng cố đồng minh

 

QPTĐ-Tổng thống Mỹ J.Biden có chuyến thăm lần đầu đến châu Á (20-24/5) trong đó có hai chặng dừng chân với đồng minh quan trọng: Hàn Quốc và Nhật Bản. 

Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol tại nhà máy bán dẫn của Samsung ngày 20-5. (Ảnh: Internet)

Theo giới báo chí, Ông chủ Nhà Trắng muốn phát đi tín hiệu, Mỹ không quên các lợi ích chiến lược của mình tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, bất chấp khu vực châu Âu đang nóng bỏng bởi xung đột Nga-Ukraine, cuộc chiến dầu khí cũng như việc NATO mở rộng lãnh thổ. Mỹ luôn coi trọng việc tăng cường mối quan hệ với các đồng minh châu Á, đồng thời thúc đẩy an ninh, kinh tế khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Ngay sau khi tới thủ đô Seoul (20/5), Tổng thống J.Biden có cuộc gặp thượng đỉnh với người đồng cấp nước chủ nhà Yoon Suk-yeol. Tổng thống Mỹ cũng là nguyên thủ quốc gia đầu tiên được tân Tổng thống xứ Hàn tiếp đón trọng thị bởi ông Yoon Suk-yeol vừa nhậm chức Tổng thống Hàn Quốc tuần qua. 

Hai vị Tổng thống tập trung vào hàng loạt vấn đề nhằm củng cố quan hệ đồng minh, cam kết về an ninh, kinh tế, thương mại song phương, chương trình hạt nhân của Triều Tiên và rủi ro chuỗi cung ứng. Hai nhà lãnh đạo đến thăm nhà máy sản xuất chip của Tập đoàn Samsung (thành phố Pyeongtaek, cách thủ đô Seoul 70 km)-một động thái nhằm nhấn mạnh cam kết về hợp tác để tăng cường chuỗi cung ứng, trong đó có chuỗi cung ứng chip, chất bán dẫn. 

Tiếp đó, diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Hàn (21/5) với hai phiên họp hẹp và rộng, tập trung chủ yếu vào chương trình phát triển hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên và kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc cùng các biện pháp ứng phó; những thách thức an ninh và kinh tế mà các đồng minh trong khu vực của Mỹ đang phải đối mặt; cam kết của Mỹ trong việc hợp tác kinh tế, thương mại với các đồng minh khu vực.

Trang mạng Politico cho biết, Tổng thống Yoon đề xuất với ông J.Biden cho phép triển khai lại vũ khí hạt nhân chiến thuật của Mỹ tại Hàn Quốc mà thời gian qua, Mỹ đã bác bỏ. Tuy nhiên, giới chức Mỹ chỉ khuyến khích chính quyền Seoul triển khai thêm hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) do Mỹ sản xuất để đối phó với mối đe dọa từ Triều Tiên. 

Trước đó, Mỹ đã từng triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật trên bán đảo Triều Tiên. Vào năm 1991, Lầu Năm Góc đã rút số vũ khí này đi nhằm khuyến khích Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân của mình. 

Trong chuyến thăm xứ Hàn, Tổng thống J.Biden đã chính thức công bố Sáng kiến Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF) nhằm tìm kiếm sự ủng hộ rộng rãi của các nước. Đây cũng là nội dung quan trọng trong hội đàm.  

Chuyên gia Nhà Trắng gọi IPEF là “quan hệ đối tác mới” nhằm thúc đẩy thương mại tiêu chuẩn cao, quản lý nền kinh tế số, cải thiện chuỗi cung ứng bảo đảm an toàn và linh hoạt, đẩy mạnh đầu tư vào các lĩnh vực sạch, hiện đại, nâng cao tiêu chuẩn cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, IPEF cần một cơ chế thực thi rõ ràng hơn để mang lại hiệu quả. IPEF không đặt mục tiêu cắt giảm thuế suất hoặc cho phép những nước tham gia tiếp cận nhiều hơn thị trường Mỹ-điều mà các nước châu Á đang quan tâm, tìm kiếm.

Chính quyền Mỹ kỳ vọng, tân Tổng thống Yoon sẽ ủng hộ mạnh mẽ Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ nhân chuyến thăm này của Tổng thống J.Biden. 

Hiện, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand đã đăng ký tham gia đợt đầu khởi động IPEF. Tiếp sau, Singapore, Malaysia, Philippines nằm trong số các quốc gia Đông Nam Á có khả năng tham gia-Ông Ted Osius, Chủ tịch Hội đồng kinh doanh Mỹ-ASEAN cho hay. 

Tại thủ đô Tokyo (22-24/5), Tổng thống J.Biden có cuộc đàm phán song phương với các quan chức Nhật Bản do Thủ tướng F.Kishida dẫn đầu; sau đó, dự Hội nghị thượng đỉnh “Bộ tứ Kim cương” bao gồm bốn quốc gia: Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ. 

Hai nhà lãnh đạo Nhật-Mỹ tập trung thảo luận về nỗ lực củng cố quan hệ đồng minh song phương và ổn định nguồn cung các tài nguyên quan trọng. Thủ tướng F.Kishida thông báo, Nhật tham gia IPEF và thuyết phục Mỹ trở lại Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). 

Tại Hội nghị thượng đỉnh “Bộ tứ Kim cương”, các nhà lãnh đạo Mỹ, Nhật, Australia, Ấn Độ tập trung thảo luận về hợp tác an ninh khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, hợp tác vắc-xin phòng ngừa Covid-19, hỗ trợ nhân đạo, phát triển hạ tầng, khí hậu, không gian, an ninh mạng. 

“Bộ tứ Kim cương” được khởi động lại và hợp tác sâu rộng hơn dưới thời Tổng thống J.Biden nhằm mục tiêu bảo đảm an ninh khu vực, kiềm chế sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc khiến Bắc Kinh tức giận tuyên bố sẽ có biện pháp đáp trả. Hiện, Ấn Độ đang xung đột biên giới dãy Himalaya với Trung Quốc và Nhật tranh chấp biển đảo, khu vực Senkaku/Điếu Ngư với Bắc Kinh. 

Giới quân sự cho rằng, chuyến công du châu Á của Tổng thống Mỹ còn mang sứ mệnh quan trọng, đó là cô lập Nga trên trường quốc tế. 

Sau 3 tháng, Moskva mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine (từ 24/2) nhằm “phi quân sự hóa, phi phát xít hóa” chính quyền Kiev, quân đội Nga và phe nổi dậy ở Lugansky và Donetsky đã kiểm soát một vùng đất đai rộng lớn miền Đông Donbass nối liền biên giới Nga đến Crimea, kiểm soát biển Ozov. Mỹ và phương Tây đã viện trợ hàng ngàn tấn vũ khí, phương tiện chiến tranh cho Ukraine.

Ngày 19/5, Tổng thống J.Biden ký sắc lệnh viện trợ 40 tỉ USD trong 5 tháng tới cho Ukraine ngay trong ngày được Thượng viện Mỹ thông qua, trong đó có gần 9 tỉ USD viện trợ kinh tế, 6 tỉ USD hỗ trợ an ninh, 11 tỉ USD cho Đạo luật Ủy quyền quốc phòng (NDAA) trong số 20 tỉ USD viện trợ quân sự (cao gấp 6 lần ngân sách quốc phòng hàng năm của Kiev). Cùng thời gian này, Liên minh châu Âu (EU) thảo luận gói trừng phạt thứ 6 nhằm vào Nga. Khối quân sự NATO (19/5) tiếp nhận đơn xin gia nhập của Phần Lan, Thụy Điển.

Ngày 21/5, Nga ban bố lệnh cấm nhập cảnh 963 quan chức Mỹ, trong đó có Tổng thống J.Biden, Ngoại trưởng A.Blinken, Giám đốc CIA W.Burns. Bộ trưởng Quốc phòng Nga S.Shoigu (20/5) tuyên bố, Nga mở thêm 12 đơn vị quân sự ở phía Tây nước này nhằm đáp trả NATO và nhận thêm hơn 2.000 thiết bị quân sự mới. 

Điện Kremlin tuyên bố, sẽ đạt bằng được mục tiêu chiến dịch quân sự ở Ukraine.

HÀ NGỌC 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ