A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

SCO-Vai trò dẫn dắt của Nga, Trung Quốc

 

QPTĐ-Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) diễn ra tại thành phố Samarkand (Uzbekistan, 2 ngày 15-16/9) trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động khó lường, xung đột leo thang ở Ukraine, Nga và Trung Quốc có xu hướng gia tăng căng thẳng trong quan hệ với Mỹ và đồng minh. 

Quang cảnh Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) ở Samarkand, Uzbekistan ngày 16/9/2022. (Ảnh: Internet)

Ngoài các thành viên chính thức: Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Pakistan, Kyrgystan, Kazakhstan, Tajikistan, Uzbekistan, còn có 10 Quan sát viên và đối tác, đối thoại. Tổng thống Nga V.Putin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Ấn Độ N.Modi, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ T.Erdogan tham gia hội nghị.

SCO thành lập năm 2001 với 6 thành viên ban đầu gồm Trung Quốc, Nga và 4 quốc gia Trung Á thuộc Liên Xô cũ, được dẫn dắt bởi Moskva và Bắc Kinh. Năm 2017, kết nạp thêm Ấn Độ, Pakistan. 

SCO là tổ chức chính trị, kinh tế, an ninh, liên kết hợp tác thương mại, đầu tư, đối trọng với các tổ chức kinh tế, thương mại do Mỹ và phương Tây dẫn dắt. Các quốc gia thành viên SCO chiếm 40% dân số thế giới, 60% tổng diện tích châu Á, châu Âu và 30% GDP toàn cầu. 

Sau 2 ngày tổ chức hội nghị, lãnh đạo các quốc gia thành viên SCO đã ký kết văn bản và công bố Tuyên bố chung Samarkand 2022 của Hội đồng nguyên thủ quốc gia SCO, cam kết bảo vệ an ninh lương thực toàn cầu, an ninh năng lượng quốc tế, đối phó với biển đổi khí hậu, duy trì chuỗi cung ứng an toàn, ổn định và đa dạng. 

Lãnh đạo các nước SCO nhấn mạnh sự cần thiết của việc tôn trọng và đảm bảo quyền của tất cả các nước đối với an ninh năng lượng và quyền của người dân được sử dụng các dịch vụ của ngành năng lượng. Việc đạt được an ninh năng lượng là cơ sở để đảm bảo phát triển kinh tế, ổn định xã hội, an ninh quốc gia và sự thịnh vượng của tất cả các quốc gia trên thế giới. 

Tuyên bố kêu gọi thiết lập một hệ thống quản lý tài nguyên năng lượng toàn cầu công bằng, hỗ trợ các quốc gia có nhu cầu. 

Tuyên bố SCO cũng kêu gọi cân bằng giữa giảm lượng khí thải carbon và cho phép các quốc gia nghèo hơn bắt kịp các nước phát triển về kinh tế. Các thành viên SCO đều nhất trí về những hậu quả tiêu cực của biến đối khí hậu và sự cần thiết của việc thực hiện các hành động khẩn cấp. 

Các nước thành viên đã ký Biên bản ghi nhớ về nghĩa vụ tư cách thành viên SCO của Iran. Hội nghị bắt đầu tiến hành thủ tục để Belarus gia nhập SCO; đồng thời bàn giao chức Chủ tịch luân phiên SCO năm 2022-2023 cho nước chủ nhà Ấn Độ. 

Bên lề Hội nghị cấp cao SCO 2022, nguyên thủ các nước đã có nhiều hoạt động trao đổi, đàm phán song phương và đa phương; đáng chú ý có cuộc gặp gỡ: Nga-Trung Quốc, Nga-Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc-Belarus…vv.

Tham dự hội nghị sau khi mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine nhằm “phi phát xít hóa”, “phi quân sự hóa” chính quyền Kiev đã kéo dài 7 tháng, Tổng thống Nga V.Putin tuyên bố, vai trò của các tổ chức hợp tác như SCO đang ngày một lớn và rõ nét.  SCO “sẵn sàng hợp tác với toàn thế giới”, phản đối “sự ích kỷ”, đồng thời hy vọng những tổ chức khác sẽ thực hiện chính sách dựa trên nguyên tắc tương tự và sẽ “ngừng sử dụng các công cụ của chủ nghĩa bảo hộ, các lệnh trừng phạt bất hợp pháp và tư tưởng ích kỷ về mặt kinh tế”. 

Tổng thống Nga cho biết, Moskva sẵn sàng cung cấp miễn phí 300.000 tấn phân bón của Nga bị mắc kẹt tại các cảng châu Âu cho các nước đang phát triển. Thế giới thiếu phân bón, thiếu lương thực cũng như khủng hoảng năng lượng ở châu Âu, không liên quan đến Nga mà do chính sách sai lầm của phương Tây đang áp lệnh cấm vận Nga.

Tham dự SCO, là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát năm 2019, thể hiện vai trò hàng đầu của Trung Nam Hải-nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, cùng với Điện Kremlin dẫn dắt SCO. Bắc Kinh luôn giữ quan điểm trung lập về cuộc xung đột Ukraine. “Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Nga để đóng  vai trò hàng đầu trong việc thể hiện trách nhiệm của các cường quốc, lan truyền sự ổn định và năng lượng tích cực vào một thế giới bất ổn”-Chủ tịch Tập cam kết trong cuộc hội đàm với Tổng thống Nga. 

Bắc Kinh sẵn sàng hỗ trợ mạnh mẽ cho Moskva đối với các vấn đề liên quan đến lợi ích cốt lõi của quốc gia này-Đài Truyền hình Trung Quốc CCTV đưa tin. Trong khi Ngoại trưởng Nga S.Lavrov thông báo, hai nhà lãnh đạo Nga, Trung Quốc “đánh giá tình hình quốc tế giống nhau, không có sự khác biệt nào, đồng thời cam kết phối hợp hành động, bao gồm tại Đại hội đồng Liên hợp quốc”. 

Bên lề hội nghị, các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Belarus đàm phán song phương, nâng mối quan hệ giữa hai nước trở thành Đối tác toàn diện trong mọi tình hình. Tuy vậy, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ N.Modi không gặp nhau, bởi những căng thẳng xung đột biên giới hai nước mấy năm gần đây.

Bất ngờ, khi diễn ra SCO (16/9), xung đột biên giới xảy ra giữa Kyrgyzstan và Tajikistan khiến gần ba chục binh sĩ, thường dân đôi bên thiệt mạng. Bên lề hội nghị, Tổng thống S.Japarov và người đồng cấp E.Rakhmon gặp gỡ đàm phán, đồng ý ngừng bắn và rút quân khỏi khu vực tranh chấp. 

Phát biểu với báo giới sau khi SCO kết thúc (17/9), Tổng thống Thổ T.Erdogan không giấu giếm ý định của Ankara, sẽ nỗ lực gia nhập SCO, mặc dù Thổ là thành viên khối quân sự NATO. “Thổ Nhĩ Kỳ có quan hệ về lịch sử và văn hóa với châu Á và mong muốn đóng góp một vai trò trong SCO”-Tổng thống Thổ cho hay. 

Ông T.Erdogan cho biết thêm, Thổ và Nga đã đạt được thỏa thuận giải quyết bất đồng về một nhà máy điện hạt nhân đang được xây dựng tại Akkuyu, miền Nam nước này. Hiện, Tổng thống T.Erdogan có những động thái tích cực làm trung gian tháo ngòi nổ xung đột Ukraine, xuất khẩu ngũ cốc cho Kiev, đồng thời nhiều lần than phiền bởi sự thiếu đoàn kết trong nội bộ NATO và EU về các vấn đề an ninh.

Bình luận về Hội nghị cấp cao SCO, giới chuyên gia cho rằng, Nga và Trung Quốc, thời gian qua, đã xích lại gần nhau hơn trong các lĩnh vực chính trị, thương mại, quân sự. Mối quan hệ không có giới hạn này khiến Mỹ và các đồng minh không thể không lo ngại. Hiện, mối quan hệ chiến lược toàn cầu đã chuyển từ thế giới đơn cực sang đa cực. Nga, Trung Quốc có ảnh hưởng lớn đối với các quốc gia.


 NHẬT MINH


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ