Bước đột phá hợp tác quân sự Nga-Arab Saudi
QPTĐ-Sau thương vụ Thổ Nhĩ Kỳ hoàn tất việc lắp đặt hệ thống phòng không S-400 của Nga, bất chấp lời cảnh báo, răn đe của Mỹ đến lượt Arab Saudi thương thảo với Moskva mua hệ thống S-400 khiến phương Tây bị sốc. Người ta đặt câu hỏi về chất lượng, hiệu quả của chủng loại vũ khí này hay vị thế toàn cầu của Nhà Trắng?
Quân đội Arab Saudi. (Ảnh: Internet)
Được biết, Thổ Nhĩ Kỳ (thành viên NATO) và Arab Saudi có tiềm lực kinh tế vững mạnh, đều là đồng minh thân cận của Mỹ, có vai trò quan trọng đến sự phát triển kinh tế, thương mại và an ninh khu vực Trung Đông, vùng Vịnh.
Trong khuôn khổ Diễn đàn Kỹ thuật quân sự quốc tế Army-2021 tổ chức tại ngoại ô Moskva (từ 24/8), Nga đón tiếp hàng ngàn các chuyên gia quân sự, trong đó có lãnh đạo các quốc gia, vùng lãnh thổ tham dự diễn đàn, trao đổi về hợp tác quân sự, quốc phòng.
Sau cuộc gặp gỡ giữa Bộ trưởng Quốc phòng Nga, Đại tướng S.Shoigu và Thái tử Arab Saudi A.Khaled bin Salman, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đã diễn ra lễ ký thỏa thuận hợp tác quân sự Nga-Arab Saudi. Nội dung thỏa thuận về quân sự, quốc phòng giữa hai nước chưa được công bố chi tiết nhưng có thể dự đoán được tính tích cực gắn kết, hỗ trợ và hợp tác lẫn nhau cùng phát triển, chống khủng bố quốc tế, giữa chính quyền Moskva và Riyadh, sau khi mối quan hệ của hai quốc gia đã được thử thách trong Tổ chức OPEC+ về xử lý giá dầu mỏ toàn cầu.
Trước đó, tại Điện Kremlin (năm 2016), Tổng thống Nga V.Putin trịnh trọng đón tiếp Quốc vương Arab Saudi A.M.Salman, hai bên đạt được thỏa thuận về việc chung tay cứu giá dầu thế giới chạm đáy và thương vụ mua bán hệ thống S-400.
Vào thời điểm đó, khủng bố đang tràn lan ở Trung Đông, cao điểm là Iraq, Syria, Yemen, chưa kể đến nguy có xung đột từ Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, khiến Arab Saudi cần đến một hệ thống phòng không hiện đại, bảo đảm an toàn vùng trời thủ đô và toàn lãnh thổ. Đáng tiếc, do những bất đồng nội bộ liên quan đến các thỏa thuận thương mại, quốc phòng, Nhà Trắng quyết định rút toàn bộ hệ thống phòng không Patriot tại Arab Saudi về nước, trong khi nhiều năm trước đó, Arab Saudi được bảo trợ dưới “cái ô an ninh” của Mỹ.
Chính quyền Riyadh bị đặt trước thử thách về các vụ tấn công tên lửa của quân nổi dậy Houthi từ nước láng giềng Yemen. Trên thực tế, Arab Saudi đã nhiều lần bị tấn công tên lửa đạn đạo, phá hủy các khu mỏ, kho dầu, thiệt hại hàng tỉ USD. Tuần trước, tên lửa của Houthi lại tấn công vào khu dầu mỏ Damman (miền Đông), thành phố Najran, Jazan (miền Nam) Arab Saudi.
Thỏa thuận hợp tác quân sự Nga-Arab Saudi được xem là một sự kiện khiến giới chuyên gia quân sự chú ý, bởi nó xảy ra vào thời điểm Mỹ đang rút toàn bộ binh sĩ khỏi Afghanistan (trước ngày 31/8). Hiện, sau 2 tuần kể từ khi Mỹ và NATO kết thúc sứ mệnh chống khủng bố, gìn giữ hòa bình ở Afghanistan, tình hình an ninh, chính trị của quốc gia Tây Nam Á này vẫn hỗn loạn. Taliban chưa thành lập được chính phủ do bất đồng nội bộ. Hàng triệu dân thường đang cần cứu trợ nhân đạo và nỗi lo nơm nớp bị trừng phạt, trả thù do đã hợp tác với Mỹ. Cuộc chiến chống khủng bố quốc tế do Mỹ phát động ở Afghanistan trong 20 năm qua (2001-2021) tiêu tốn hàng ngàn tỉ USD, gần 4.000 binh sĩ Mỹ và NATO tử nạn, không đem lại kết quả như Nhà Trắng mong muốn. Nhưng, điều bất ngờ là, các đồng minh của Mỹ mất niềm tin, có dấu hiệu tan rã.
Dưới thời Tổng thống D.Trump, Ông chủ Nhà Trắng chủ trương chính sách: “Nước Mỹ trên hết”, không chấp nhận việc người dân Mỹ bỏ tiền đóng thuế để bảo vệ an ninh cho châu Âu và các quốc gia đồng minh. Mỹ nhiều lần yêu cầu các thành viên NATO chi đủ 2% GDP/năm cho ngân sách quân sự. Các đồng minh: Nhật Bản, Hàn Quốc, vùng Vịnh phải chi trả hoạt động của binh sĩ Mỹ đồn trú, bảo đảm an ninh cho nước này, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách Mỹ. Điều đó, gây nỗi bất hòa trong nội bộ khối NATO và các đồng minh của Mỹ, trong đó có Arab Saudi.
Hợp tác quân sự Nga-Arab Saudi sẽ là đòn giáng mạnh vào quan hệ đồng minh, gợn nhiều sóng gió giữa Washington và Riyadh. Nhiều khả năng, Arab Saudi sẽ bị Mỹ áp lệnh trừng phạt khi mua vũ khí của Nga, giống như Mỹ đã từng làm với Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng thống Thổ T.Erdogan (29/8 vừa qua) tuyên bố, nước này đang xúc tiến mua sắm lô tên lửa phòng không S-400 thứ 2 của Nga. “Trong cuộc điện đàm mới nhất với Tổng thống Nga V.Putin, chúng tôi đã thảo luận về chủ đề này. Trong chuyến thăm Nga tới đây, chúng tôi sẽ đề cập đến chủ đề đặt mua S-400”-Ông T.Erdogan nói với báo chí trong chuyến thăm Bosnia-Herzegovina. Trước đó (năm 2017), Thổ ký hợp đồng mua gói vũ khí S-400 của Nga trị giá 2,5 tỉ USD. Việc chuyển giao đã được hoàn tất từ năm 2019, kèm theo cam kết Nga chuyển giao kỹ thuật sản xuất, lắp ráp S-400 cho Thổ.
Động thái này của Thổ đã vấp phải sự trừng phạt của Mỹ, bởi vi phạm Đạo luật Chống lại đối thủ của Mỹ (CAATSA). Tháng 12/2020, Mỹ áp lệnh trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ, loại nước này khỏi dây chuyền sản xuất máy bay tiêm kích F-35, không cho hệ thống phòng không của Thổ kết nối với NATO, dọa khai trừ Thổ khỏi khối NATO.
Trớ trêu thay, nối tiếp Thổ (năm 2019), Ấn Độ đã hoàn tất thương vụ thỏa thuận mua 5 hệ thống S-400 của Nga trị giá 5,5 tỉ USD, bất chấp cảnh báo của Tổng thống D.Trump, khiến Tổng thống J.Biden khó có thể bỏ qua. New Delhi nhấn mạnh, quyền tự do lựa chọn nhà sản xuất vũ khí và cho rằng, căng thẳng biên giới với Trung Quốc khu vực Himalaya (4/2020) thúc đẩy Ấn Độ sớm mua sắm S-400.
Tháng 8 vừa qua, Trung Quốc tuyên bố, đã hoàn tất thương vụ mua 5 trung đoàn phòng không S-400 của Nga, mặc dù nước này đã có hệ thống S-300 (Liên Xô), tên lửa Hồng Kỳ-9 nội địa.
Ngoài các nước đã mua S-400 của Nga, đang có hơn chục quốc gia để ý đến hệ thống phòng không hiện đại này như UAE, Ai Cập, Algeria, Iran, Syria, Iraq…
Trên thương trường xuất khẩu vũ khí toàn cầu, Mỹ đứng vị trí số 1 với khoảng 33-35% thị phần/năm; Nga xếp thứ 2 khoảng 25-29%; tiếp theo là Trung Quốc, Đức, Anh, Pháp, Italy, Israel.
Sau cuộc chiến chống khủng bố thành công ở Syria và công nghệ siêu thanh hoàn tất, vũ khí, thiết bị kỹ thuật quốc phòng Nga chiếm vị trí top đầu thế giới.
NHẬT MINH