Nga nâng cấp Bộ Chỉ huy chống tấn công hạt nhân
QPTĐ-Các cơ quan truyền thông Nga đưa tin: Tổng thống V.Putin ra lệnh, nâng cấp Bộ Chỉ huy chống tấn công hạt nhân: “Tôi được thông báo rằng, việc xây dựng một cơ sở an toàn tuyệt đối để kiểm soát các lực lượng hạt nhân chiến lược đang ở giai đoạn hoàn thành cuối cùng. Biên độ an toàn của nó sẽ đặc biệt cao”-Đó là phát biểu của Tổng thống Nga tại cuộc họp về quân sự với sự có mặt của Đại tướng S.Shoigu, Bộ trưởng Quốc phòng; Đại tướng V.Gerasimov, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nga (ngày 11/11, Điện Kremlin).
Theo đó, Tổng thống V.Putin kêu gọi các quan chức Nga tiếp tục nâng cấp các hệ thống chỉ huy và kiểm soát hạt nhân “cho dù ngày mai chúng có hiện đại và tiên tiến đến đâu. Chúng ta cần nghĩ về những gì sẽ xảy ra vào ngày mai và ngày kia”-Ông V.Putin khẳng định.
Vũ khí hạt nhân của Nga. (Ảnh: Internet)
Hiện, Nga có 2 tổ hợp hầm ngầm (boong-ke) có quy mô rất lớn bên dưới những ngọn núi, được xây dựng từ những năm 1970 thời Liên Xô, đối phó với cuộc Chiến tranh Lạnh và đang được nâng cấp, hiện đại hóa, trong đó, có tổ hợp chứa hệ thống chỉ huy hạt nhân rất quan trọng trong “ngày tận thế”.
Tương tự, Mỹ cũng xây dựng nhiều boong-ke chỉ huy phức hợp chống vũ khí hạt nhân trong lòng đất, với khả năng phòng thủ tốt nhất. Tuy nhiên, sẽ không có cơ sở nào trên trái đất có thể sống sót hoàn toàn khi phải đối mặt với các cuộc tấn công vũ khí hạt nhân hiện đại?
Cũng tại buổi họp với các tướng lĩnh cấp cao Quân đội Nga (11/11), Tổng thống V.Putin cho biết, Nga đã gửi tới Mỹ đề xuất về một “Chương trình an ninh mới” với viễn cảnh thỏa thuận kiểm soát vũ khí lớn cuối cùng giữa Nga và Mỹ (START-3) sắp hết thời hạn vào tháng 2/2021. Moskva tuyên bố, sẵn sàng ký gia hạn 5 năm đối với “Chương trình an ninh mới” (New START) mà không cần điều kiện tiên quyết nào, trong khi Mỹ cố tình trì hoãn, nêu điều kiện, lôi kéo Trung Quốc vào đàm phán, khiến Bắc Kinh và Moscow cho là, “không thể chấp nhận được”.
Nga thiết lập một hệ thống kiểm soát vũ khí hạt nhân thời Chiến tranh Lạnh mang tên “Perimeter-Mertvaya Ruka” (bàn tay chết chóc) sẽ tự động kích hoạt các vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) trong trường hợp Nga bị tấn công hạt nhân.
Lý do Nga lại cảnh báo, mối đe dọa về một cuộc chiến tranh hạt nhân bởi Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược (START) Nga-Mỹ có nguy cơ bị hủy bỏ.
START-3 giữa Nga-Mỹ có hiệu lực từ ngày 5/2/2011, quy định mỗi bên sẽ cắt giảm kho vũ khí hạt nhân trong 7 năm và trong tương lai. Theo đó, tổng số vũ khí tấn công chiến lược mỗi bên không quá 700 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, tên lửa đạn đạo trên tàu ngầm và máy bay ném bom hạng nặng cũng như 1.550 đầu đạn và 800 bệ phóng đã triển khai và chưa triển khai.
START-3 là Hiệp ước duy nhất hạn chế vũ khí tấn công hạt nhân có hiệu lực giữa hai quốc gia Nga-Mỹ, sẽ hết hiệu lực vào ngày 5/2/2021. Nếu Nga, Mỹ không gia hạn, sẽ không có hiệp định nào trên thế giới hạn chế kho vũ khí của các siêu cường hạt nhân.
Hiện, Nga và Mỹ đang ở trạng thái cân bằng tương đối về bộ ba tấn công hạt nhân (tên lửa ICBM, trên tàu ngầm, máy bay ném bom chiến lược), số đầu đạn hạt nhân và bệ phóng. Tuy nhiên, mỗi bên có lợi thế vượt trội hơn về khả năng hiện đại hóa phương tiện quân sự (tàu ngầm, bệ phóng tên lửa cố định hay di động, tên lửa đẩy, máy bay hạng nặng cải tiến và tàng hình, hệ thống radar, lader, định vị toàn cầu, tên lửa siêu âm…).
Trong phạm vi nhất định, chúng ta cùng nghiên cứu về khả năng tấn công hạt nhân của Quân đội Nga thông qua bộ ba máy bay chiến lược: Tu-160M2 (Thiên Nga trắng), Tu-95MS (Gấu bay) và Tu-22M3M (Sát thủ tàu sân bay), đều là sản phẩm của nhà thầu lừng danh Tupolev.
Tu-160M2 là biến thể cải tiến hoàn thiện với hệ thống thiết bị tiên tiến, tính năng và sức mạnh vượt trội so với nguyên gốc Tu-160. Vũ khí của oanh tạc cơ siêu âm này bao gồm 12 tên lửa hành trình cận âm Kh-555, tên lửa tàng hình Kh-101 mang đầu đạn thông thường, tên lửa Kh-102 mang đầu đạn hạt nhân, tầm bắn xa 3.000-4.000 km (loại mới: 5.500 km). Kh-101 đã phát huy uy lực ở Syria, gây khiếp đảm cho phiến quân. Tu-160M2 mang được 40 tấn vũ khí trong khoang thân và treo trên cánh, có thể mang bom thường, bom hạt nhân. Tu-160M2 đã hoàn thành bài bay thử liên tục 25 giờ sau khi được tiếp nhiên liệu trên không.
Tu-95MS có trọng lượng cất cánh tối đa 188 tấn, tốc độ cận âm 925 km/h, trần bay 12 km, bay xa 15.000 km không phải tiếp nhiên liệu, có thể mang 20 tấn vũ khí gồm khoang bom (thường, hạt nhân) và treo dưới cánh: 6 tên lửa Kh-555, 8 tên lửa Kh-101/102.
Tu-22M3M là máy bay chiến đấu tầm trung siêu âm, có khả năng tấn công mặt đất, đánh chìm tàu sân bay bằng bom thông minh nặng 500 kg hoặc tên lửa Kh-22, tầm bắn 600-900 km Mach-4; tên lửa diệt hạm siêu thanh Kh-32, tầm bắn 1.000 km, Mach-5, độ chính xác gấp 10 lần phiên bản gốc do hệ thống dẫn đường kết hợp vệ tinh định vị toàn cầu và radar chủ động. Hiện, Tu-22 M3M có thể mang tên lửa siêu thanh Kinzhal (Dao găm) Mach-10, tầm bắn xa 2.000 km, mang đầu đạn hạt nhân và thông thường.
Ngoài ra, Tập đoàn Tupolev đang phát triển máy bay tấn công tàng hình PAK-DA hiện đại, tầm bay 12.000 km; trong khi Trung Quốc có máy bay ném bom chiến lược tầm xa H-20, Mỹ phát triển B-21.
Trong Thông điệp Liên bang năm mới, Tổng thống Nga V.Putin nhắc đến 5 vũ khí “độc nhất vô nhị” siêu âm và hạt nhân tương lai: Tổ hợp Kinzhal, tàu ngầm hạt nhân mang ngư lôi Poseidon, tên lửa liên lục địa Sarmat, các tên lửa hành trình với động cơ hạt nhân và các tàu ngầm không người lái lặn sâu dưới biển. Tên lửa siêu thanh có thể bay nhanh gấp 10-27 lần âm thanh sẽ biến hệ thống phòng không Mỹ: Patriot, THAAD, Aegis bày khắp thế giới “thành đống trò chơi”? Và loại tên lửa này có khả năng thâm nhập, đánh bại tất cả các hệ thống phòng không của đối phương.
NHẬT MINH