NATO lo ngại sự hợp tác Nga-Trung Quốc
QPTĐ-Trả lời phỏng vấn báo chí, Tổng Thư ký NATO J.Stoltenberg bày tỏ sự lo ngại về sự hợp tác ngày càng chặt chẽ giữa Nga với Trung Quốc-hai cường quốc lớn của thế giới, được dự đoán sẽ phá bỏ trật tự thế giới đơn cực của Mỹ, trở thành lãnh đạo các đơn cực khác đối chọi với Mỹ và phương Tây.
Hải quân Trung Quốc trong một cuộc tập trận chung với Nga năm 2019. (Ảnh: Internet)
Liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) chú ý đến quan hệ hợp tác ngày càng tích cực của Nga với Trung Quốc, bởi thực tế, nó đang là thách thức nghiêm trọng-Ông J.Stoltenberg tuyên bố trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh NATO sẽ diễn ra tại trụ sở của khối này ở Brussels (Bỉ) vào ngày 14/6 tới.
Theo đó, chương trình nghị sự của NATO sẽ phê duyệt “Sáng kiến NATO-2030” được xây dựng nhằm thay thế chiến lược năm 2010 đã lỗi thời bởi không tính đến “những mối đe dọa mới” từ Nga, Trung Quốc, về chủ nghĩa khủng bố, mối đe dọa mạng và chiến tranh lai cũng như hoạch định chương trình của khối trong khoảng mươi năm tới.
Để nhấn mạnh tầm quan trọng của hội nghị cấp cao NATO và sự cấp bách phải đưa ra sáng kiến mới, ông J.Stoltenberg cho rằng, gần đây, Nga và Trung Quốc ngày càng tăng cường sự hợp tác cả về chính trị và quân sự. Hai nước đang tiến hành những cuộc tập trận chung, huy động máy bay chiến đấu tầm xa và các chiến dịch hàng hải cũng như chia sẻ kinh nghiệm của họ trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí và internet.
Được biết, dịp trung tuần tháng 6 này, Tổng thống Mỹ J.Biden có chuyến công du châu Âu, dự Hội nghị Thượng đỉnh G-7 tại Vương quốc Anh (11-13/6) và Hội nghị cấp cao Nga-Mỹ tại Genneva (Thụy Sĩ) dự kiến ngày 16/6, diễn ra cuộc gặp lần đầu giữa Tổng thống Nga V.Putin và người đồng cấp Mỹ J.Biden.
Bình luận về tuyên bố của các quan chức Mỹ và NATO về “mối đe dọa từ Nga”, các nhà chính trị Moskva cho rằng, đó là nguyên cớ của Mỹ và phương Tây biện minh cho sự hiện diện của khối quân sự NATO bởi Liên Xô đã tan rã, Chiến tranh Lạnh đã kết thúc, không có lý do gì lại tồn tại một khối liên minh quân sự khổng lồ nằm giữa châu Âu? Và thực tế hơn, phải chăng Mỹ và NATO đang quảng bá cho chiến dịch gia tăng ngân sách quốc phòng?
Những năm gần đây, Mỹ kêu gọi các quốc gia thành viên NATO chi đủ 2% GDP/năm cho ngân sách quân sự, thậm chí Tổng thống Mỹ D.Trump (giai đoạn 2016-2020) đề nghị mức chi tăng lên 4% GDP/năm.
Tuần qua, Tổng thống J.Biden đưa ra khoản ngân sách quốc phòng Mỹ năm 2022 là 752,9 tỉ USD, trong đó có 715 tỉ USD phân bổ trực tiếp cho Lầu Năm Góc, số còn lại phân bổ cho các cơ quan khác nhằm hỗ trợ an ninh toàn cầu.
Trên thực tế, ngân sách quốc phòng Mỹ luôn tăng hàng năm, trong hàng thập kỷ qua, đứng đầu thế giới, luôn gấp 3-4 lần Trung Quốc, gấp 10-13 lần ngân sách quân sự/năm của Nga.
Trong chiến lược quốc phòng, an ninh của dưới thời Tổng thống J.Biden, Mỹ chú trọng đầu tư hiện đại hóa trang thiết bị quân đội, bộ ba vũ khí hạt nhân, hệ thống phòng thủ trên mặt đất và trên biển, phát triển trí tuệ nhân tạo, lực lượng vũ trụ. Lầu Năm Góc cam kết, không thể thua kém Nga, Trung Quốc về phát triển hệ thống tên lửa đạn đạo, vũ khí siêu thanh.
Giới bình luận quân sự nhận định, Mỹ vẫn giữ vị trí cường quốc quân sự số 1 toàn cầu; tuy nhiên, vị thế siêu cường thống trị quốc tế bằng sự chỉ huy đơn cực đang bị đe dọa bởi sự trỗi dậy mạnh mẽ từ hai cường quốc: Nga và Trung Quốc.
Trong tuần qua, Bộ Quốc phòng Nga cũng đang gấp rút chuẩn bị cho Hội nghị An ninh quốc tế lần thứ 9 tổ chức tại Moskva, diễn ra trong 2 ngày 22-24/6, đã có 49 quốc gia xác nhận tham dự họp.
Hội nghị quy tụ các quan chức quân sự và chuyên gia an ninh từ các quốc gia khác nhau, bất kể mối quan hệ hiện tại của họ đối với Nga như thế nào. Các cuộc thảo luận tại Diễn đàn Moskva đặc biệt quan trọng trong bối cảnh chính trị và an ninh thế giới, hiện đang trải qua những thay đổi lịch sử, với trật tự thế giới cũ đang sụp đổ-Thứ trưởng Quốc phòng Nga A.Fomin cho biết.
Sau Hội nghị Thượng đỉnh NATO, Hội nghị An ninh Moskva lan tỏa sức nóng, thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế trong bối cảnh quan hệ Nga-Mỹ, Mỹ-Trung đang xấu đi nghiêm trọng, các nước có xu hướng đang bị lôi kéo vào một cuộc chiến mới.
Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình RT, Thứ trưởng Quốc phòng Nga A.Fomin nhận định: “Ngày nay, chúng ta đang phải chứng kiến sự hình thành của một trật tự thế giới mới. Chúng tôi nhận thấy xu hướng các quốc gia đang bị lôi kéo vào một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, ở đó, các quốc gia được chia ra thành “chúng ta” và “họ”. “Họ” được định nghĩa rõ ràng trong các tài liệu học thuyết là kẻ thù”.
Theo đó, hệ thống quan hệ quốc tế cũng như khuôn khổ an ninh đang bị phá hủy một cách có hệ thống. Vai trò của các tổ chức quốc tế với tư cách là công cụ ra quyết định tập thể trong lĩnh vực an ninh đang bị giám sát. Sự xuất hiện của các hệ thống vũ khí mới cũng như nỗ lực của một số quốc gia nhằm đưa chiến tranh vào những khu vực chưa từng thấy trước đây, càng làm tăng tốc sự xuất hiện của một trật tự thế giới mới.
Cảnh báo về nguy cơ chiến tranh kiểu mới giữa các cường quốc thực sự hiện hữu, Nghị sĩ Đức G.Lindeman cho rằng: Sẽ bùng phát Chiến tranh Lạnh Nga-Mỹ sau các lệnh trừng phạt của Tổng thống J.Biden (3-4/2021) áp đặt vào Moskva, “gây tổn hại đến nền kinh tế châu Âu, trong đó có Đức”. Chính phủ Berlin nên chấm dứt các lệnh trừng phạt vô nghĩa nhằm tránh dẫn tới kịch bản leo thang một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.
Giới chuyên gia quốc tế cảnh báo, thế giới sẽ bị lôi kéo vào một cuộc chạy đua vũ trang mới vô ích, trong khi các định chế quốc tế giờ đây không còn ràng buộc. Nga và Mỹ đều đã rút khỏi các hiệp ước quốc tế về kiểm soát vũ khí. Việc thiếu đi các cơ chế kiểm soát đa phương, nguy cơ tạo ra khoảng trống phát triển vũ khí hạt nhân chiến lược tăng cao.
HÀ NGỌC