A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mỹ rút quân, Afghanistan có bất ổn?

 

QPTĐ-Tuyên bố với báo giới, Tổng thống J.Biden khẳng định, Mỹ cam kết việc rút binh sĩ Mỹ khỏi Afghanistan vẫn diễn ra theo đúng kế hoạch, bất chấp những diễn biến chính trị, quân sự xảy ra ở nước này. 

Binh sỹ Mỹ rút khỏi Afghanistan. (Ảnh minh họa. Nguồn: Iran Press).

Theo đó (ngày 14/4), ông J.Biden tuyên bố, chiến dịch quân sự kéo dài hai thập niên qua của Quân đội Mỹ ở Afghanistan đã kết thúc, Lầu Năm Góc bắt đầu rút binh sĩ về nước từ tháng 5 và hoàn tất công việc này vào ngày 31/8, kết thúc sự hiện diện của Mỹ ở quốc gia Tây Nam Á này trong 20 năm, kể từ cuộc chiến chống khủng bố quốc tế sau vụ “Nước Mỹ bị tấn công” (11/9/2001).

Trước đó (2/2020), tại Doha-Qatar, Chính phủ của Tổng thống D.Trump ký với lực lượng Taliban, có sự chứng kiến của Chính phủ Afghanistan và một số nước, tổ chức quốc tế về một thỏa thuận hòa bình. Nhà Trắng cam kết sẽ rút hết quân đội của mình và đồng minh NATO về nước trước ngày 1/5/2021, kết thúc hai thập niên hiện diện quân sự ở đất nước này. 

Việc Mỹ đưa binh sĩ đến Iraq, Afghanistan chống khủng bố bắt nguồn từ cuộc chiến chống phiến quân Al-Qaeda sau vụ hai tòa tháp đôi ở New York bị đâm đổ (11/9/2001), Tổng thống Mỹ G.W.Bush phát động cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu. Tháng 10/2001, Mỹ đưa binh sĩ vào Afghanistan, lúc cao điểm lên đến hơn 100 ngàn quân. Sau đó, NATO  (năm 2002) cũng đưa quân tràn ngập đất nước này. 

Tuy Nhà nước Taliban bị lật đổ nhưng quân nổi dậy vẫn hoạt động ở nhiều vùng núi, nông thôn chiếm 20-30% lãnh thổ, tiếng súng chống Mỹ và NATO chưa khi nào chấm dứt, khiến hơn 3.000 binh sĩ nước ngoài thiệt mạng, hàng chục ngàn người khác bị thương, bình quân mỗi năm có 3.000-5.000 dân thường bỏ mạng. Mỹ đã đổ vào cuộc chiến 20 năm ở quốc gia này hơn 1.000 tỉ USD mà không đạt được mục tiêu nào đáng kể. 

 Việc Chính phủ Mỹ không thực hiện đúng kế hoạch rút hết binh sĩ về nước trước ngày 1/5 mà là 31/8/2021 (chậm lại 3-4 tháng) vẫn được Taliban chấp thuận và tôn trọng cam kết, không tấn công binh sĩ Mỹ và NATO, khiến Nhà Trắng yên tâm thực hiện thỏa thuận. Tuy vậy, Taliban cảnh báo, Mỹ sẽ phải gánh chịu hậu quả nếu không tuân thủ thỏa thuận.

Tại cuộc họp cấp Bộ trưởng NATO ở Brussels (14/4), Ngoại trưởng Mỹ A.Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng L.Austin tuyên bố: “Tổng thống J.Biden đã quyết định rút số lượng binh sĩ còn lại ở Afghanistan và cuối cùng chấm dứt cuộc chiến của Mỹ sau 20 năm”. 

Thật ra, sau khi trùm khủng bố Al-Qaeda là O.bin Laden bị tiêu diệt, Tổng thống Mỹ B.Obama đã tính toán đến chuyện đưa binh sĩ về nước, tránh một cuộc chiến hao người tốn của, nhưng với nhiều lý do khác nhau, sứ mệnh đó lại giao cho Tổng thống kế nhiệm D.Trump, J.Biden. 

Điều mà Mỹ và phương Tây lo ngại là khả năng đứng vững của chính quyền Afghanistan chống lại quân nổi dậy Taliban. 

Từ vài năm trước, Tổng thống Afghanisan A.Ghani đã tuyên bố, Mỹ đã hoàn thành sứ mệnh chống khủng bố ở đất nước này. Ông chỉ yêu cầu Mỹ và NATO hỗ trợ tài chính, hậu cần, huấn luyện mà không muốn duy trì lâu dài sự có mặt của quân đội nước ngoài trên lãnh thổ. 

Ngay sau khi Tổng thống J.Biden tuyên bố thời hạn chót rút binh sĩ về nước vào thời điểm nước Mỹ kỷ niệm 20 năm phát động cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu (9/2001-9/2021), Tổng thống A.Ghani tuyên bố: Mỹ rút khỏi Afghanistan không phải sự phản bội. Chính quyền Kabul có trong tay 300 ngàn quân có thể khống chế được 75 ngàn tay súng thánh chiến Taliban cực đoan. 

Tuy nhiên, tình hình ở Afghanistan, những ngày qua lại không diễn ra như vậy. Sau 104 chuyến máy bay vận tải cỡ lớn C-17 đưa binh sĩ khỏi Afghanistan, chở đầy trang thiết bị, phương tiện chiến đấu và phá hủy một phần còn lại, quân nổi dậy Taliban đã kiểm soát lại một nửa đất đai, lãnh thổ đất nước này. 

Một hãng thông tấn phương Tây (7/7) đưa tin: Hơn 100 tay súng nổi dậy đã gây hoảng loạn, khiến hơn 1.000 binh sĩ chính phủ chạy dạt sang nước láng giềng Tajikistan mà không hề tham chiến. Phần lớn các khu vực (chính xác là 23) ở tỉnh Badakhshan, bao gồm cả vùng Wakhan có đường biên giới chung với Tajikistan chiều dài 910 km, bị quân nổi dậy tái chiếm. Hiện, Taliban kiểm soát 162 trong số 398 khu vực của đất nước. 

 “Chính quyền Kabul chỉ kiểm soát được khu vực trung tâm hành chính của các tỉnh, tất cả vùng ngoại ô và các quận khác tại các tỉnh đều nằm dưới sự kiểm soát của chúng tôi”-A.Mansour, đại diện phong trào Taliban ở Doha, phát biểu với báo giới quốc tế trong cuộc hợp báo tuần qua ở Moskva (Nga). 

Trước quyết định của Mỹ chỉ để lại khoảng vài trăm cố vấn, đặc nhiệm làm nhiệm vụ huấn luyện, bảo vệ sân bay và các mục tiêu quan trọng, liên minh các nước NATO cũng chỉ duy trì nỗ lực “gìn giữ hòa bình” xuống còn 12.000 binh sĩ để hỗ trợ và huấn luyện lực lượng an ninh Afghanistan. 

Theo đó, Anh rút đi 750 binh lính. Đức: 1.000, trước tháng 9 tới. Những năm qua, Đức duy trì 160 ngàn binh sĩ luân phiên đến Afghanistan, tiêu tốn 12 tỉ euro, có 58 binh sĩ tử vong. Ngoại trưởng Đức H.Maas cảnh báo: “Nếu Mỹ rút lực lượng trong khi các đồng minh NATO chưa thể tiếp quản an ninh trong ngắn hạn, tình hình sẽ trở nên cực kỳ bất ổn”. 

Tổng Thư ký NATO J.Stoltenberg cho rằng: Afghanistan có nguy có trở thành căn cứ của Phiến quân Hồi giáo IS vốn đã bị đánh bại ở Iraq, Syria. 

Thật ra, Nhà Trắng muốn Chính phủ Kabul của Tổng thống A.Ghani và Taliban đạt được một số chia sẻ quyền lực, thành lập chính phủ liên minh. Taliban vừa bác đề xuất của Tổng thống A.Ghani về tổ chức bầu cử trong năm nay. 

Tuần qua, tờ báo Daily Beast, Mỹ đưa tin: Trung Quốc đang khởi động dự án “Vành đai-Con đường”, mở rộng hợp tác với Afghanistan, lấp vào khoảng trống mà Mỹ và NATO bỏ lại. Theo đó, Bắc Kinh đầu tư cơ sở hạ tầng, mở rộng Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC), đề nghị Kabul tham gia; thỏa thuận với Kabul xây dựng căn cứ huấn luyện cho Quân đội Afghanistan tại Wakhan. 

                                          HÀ NGỌC


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ