A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vũ khí trừng phạt của Mỹ, liệu có hiệu quả?

 

QPTĐ-Phát biểu với báo chí (ngày 3/5), Đại sứ Ấn Độ tại Nga B.Varma cho biết: New Delhi sẽ chính thức nhận những hệ thống phòng không hiện đại S-400 của Nga trước khi kết thúc năm 2021. “Những hệ thống phòng thủ tầm cao S-400 đầu tiên sẽ đến Ấn Độ vào cuối năm nay. Hợp đồng đang được các nhà xản xuất Nga thực hiện theo đúng cam kết”-Đại sứ B.Varma nói. 

Hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga. (Ảnh: Internet)

Đáp lại, Đại sứ Nga tại Ấn Độ N.Kudashev cũng khẳng định: Moskva và New Delhi cam kết tuân thủ nghiêm chỉnh các nghĩa vụ trong thỏa thuận mua bán hệ thống phòng không S-400 giữa hai bên. “Cùng với Ấn Độ, chúng tôi không công nhận các biện pháp trừng phạt song phương, bởi đó là công cụ cạnh tranh, gây sức ép bất hợp pháp, không công bằng. Đối với S-400 và các thỏa thuận rộng hơn, cả hai bên cam kết tuân thủ thời hạn đã nhất trí và các nghĩa vụ khác”-Đại sứ N.Kudashev nhấn mạnh. 

Vậy là, sau Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, đến lượt Ấn Độ sở hữu hệ thống vũ khí phòng thủ hiện đại Nga S-400 bất chấp sự đe dọa của Mỹ: Bất kỳ quốc gia nào mua vũ khí của Nga sẽ bị Mỹ trừng phạt theo Đạo luật Chống lại kẻ thù của nước Mỹ (CAATSA). 

Trước đó, dưới thời Tổng thống D.Trump, Nhà Trắng đã nhiều lần cảnh báo, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bị trừng phạt theo Đạo luật CAATSA bởi mua hệ thống S-400 của Nga, bỏ ngoài tai các lời cảnh báo, đe dọa của Mỹ và khối quân sự NATO; trong khi Thổ là đồng minh thân cận của Mỹ, thành viên tin cậy của NATO. 

Nhất quán với quan điểm của mình, ngày 28/4 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ A.Blinken tuyên bố: “Thổ Nhĩ Kỳ và tất cả các đồng minh cũng như đối tác của Mỹ cần tránh mua vũ khí của Nga, bao gồm cả hệ thống S-400”, nếu không muốn bị áp lệnh trừng phạt theo Đạo luật CAATSA. 

Lời cảnh báo trên được đưa ra sau khi các quan chức Thổ (tháng 1/2021) đã đàm phán thành công, ký hợp đồng mua gói vũ khí S-400 thứ 2 của Nga, trang bị cho ít nhất một trung đoàn, kèm theo điều kiện chuyển giao công nghệ. Lập tức, Ngoại trưởng Mỹ A.Bliken tuyên bố, thương vụ tiếp tục mua vũ khí Nga của Thổ là “không thể chấp nhận được”! 

Động thái trên của Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy, lập trường của Chính phủ Ankara không hề thay đổi; đồng thời, gây phản ứng dây chuyền đến Ấn Độ. 

Hiện, Nga đã nhận được đơn đặt hàng mua hệ thống S-400 của hơn 10 quốc gia, có nhiều đồng minh của Mỹ như Arab Saudi, Qatar, UAE, Ai Cập, Algeria… Mỹ cũng đã liệt Nga, Iran, Triều Tiên, Venezuela…vào “danh sách đen” bị áp lệnh trừng phạt. 

Xem ra, lợi ích dân tộc đã khiến nhiều quốc gia phải lựa chọn giữa mối quan hệ hợp tác, đồng minh và quyền lợi, chủ quyền quốc gia? 

Nếu nói về sự cạnh tranh, đối đầu quốc tế thì phải nhắc đến hai đối thủ truyền kiếp Mỹ-Nga (trước kia là Liên Xô). Chiến tranh Lạnh kết thúc nhưng Mỹ chưa bao giờ từ bỏ ý định bao vây, triệt hạ nước Nga, hòng nắm quyền lãnh đạo thế giới. 

Từ sau sự kiện Crimea năm 2014, Mỹ và phương Tây gia tăng các biện pháp cấm vận áp đặt lên Nga, hòng bắt Moskva phải khuất phục. Tuy nhiên, ý chí, bản lĩnh của người Nga đã chiến thắng! Chính quyền Moskva không những tự lực vượt khó, một mình chống lại một nửa thế giới và đã thành công. 

Mấy năm qua, Nga đã điều chỉnh thành công ngoạn mục một nền kinh tế đa năng, đa dạng, không còn phụ thuộc vào nguồn thu ngân sách từ dầu mỏ. Sản xuất ngũ cốc, lúa mì đứng đầu thế giới, vượt Mỹ. Dự trữ vàng tăng mạnh, chỉ đứng sau Mỹ, Trung Quốc. Thanh toán ngoại tệ không còn phụ thuộc vào đồng euro, USD. Xuất khẩu vũ khí đứng thứ 2 toàn cầu, sau Mỹ. Đáng ngạc nhiên, chỉ với khoảng hơn 60 tỉ USD chi ngân sách quốc phòng/năm (trong khoảng 10 năm gần đây), Moskva đã có trong tay vũ khí siêu thanh (đứng đầu thế giới), Bộ ba hạt nhân chiến lược được hiện đại hóa 88%, quân đội được hiện đại hóa 76% vào năm 2024 (kế hoạch là 80% và dừng lại ở tỉ lệ này vào năm 2025). 

Nói như vậy, không có nghĩa là, cấm vận của Mỹ không phát huy tác dụng. Nếu như mấy năm qua, Nga thiệt hại hơn 50 tỉ USD thì châu Âu mất hơn 100 tỉ USD. Chuyên gia Nga đưa ra cảnh báo, Mỹ trừng phạt Nga, Trung Quốc thì chính nền kinh tế Mỹ bị mất đi 715 tỉ USD?

Những thành tựu này của Nga đã chứng minh, lệnh cấm vận của Mỹ đã thất bại!

Trở lại với các thương vụ S-400 giữa Nga và các đối tác cho thấy, sức hấp dẫn của hệ thống phòng thủ này đối với cuộc chiến tranh hiện đại, đối phương sử dụng vũ khí thông thường, vũ khí hạt nhân tấn công hủy diệt thông qua tên lửa tầm xa, tên lửa đạn đạo liên lục địa, thiết bị bay không người lái. 

 S-400 được mệnh danh là “rồng lửa”, hệ thống phòng không tầm xa tiên tiến nhất, hiện đại nhất thế giới (tính đến thời điểm hiện tại), có thể tiêu diệt tất cả các vật thể bay xuất hiện trên không trung trong phạm vị trên 400 km, bao gồm các loại máy bay, tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo, phương tiện bay không người lái.

Bộ Quốc phòng Nga đưa ra tuyên bố, đưa vào biên chế hệ thống phòng không hiện đại S-350V, S-500 trong năm nay. Vậy là, với ba loại tên lửa phòng không: S-400, S-350V và S-500, bầu trời Moskva và cả nước Nga được bảo vệ an toàn trước mọi mối đe dọa tấn công từ bên ngoài. 

Bị Mỹ áp lệnh trừng phạt, loại Thổ ra khỏi chường trình sản xuất máy bay tàng hình F-35 và mua 100 tiêm kích thế hệ 5: F-35; Thổ thương thảo mua chiến đấu cơ Su-35 của Nga, kể cả tiêm kích tàng hình Su-57. Chủ tịch Đảng Rodina (Thổ) tuyên bố: Mỹ sẽ phải rời căn cứ không quân Incirlik khỏi Thổ trong vòng 15 ngày. Iraq-đồng minh thân thiết của Mỹ đã hoàn tất giai đoạn chuyển giao xe tăng T-90 của Nga cho nước này. 

Bất chấp cấm vận, xuất khẩu vũ khí của Nga vẫn đứng thứ 2, sau Mỹ, với doanh số hợp đồng 50-60 tỉ USD/năm; thực hiện (USD) 6,4 tỉ (năm 2019), hơn 10 tỉ (năm 2020, Mỹ xuất 10,5 tỉ), dự kiến 13,5-13,7 tỉ (năm 2021). Xuất khẩu dầu mỏ tăng từ 155,1 tỉ USD (năm 2019) lên 161,3 tỉ USD (năm 2020). Các chính khách phương Tây nhận định: Thiếu Nga, châu Âu không thể tiến xa hơn! 

NHẬT MINH


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ