A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Triển vọng hợp tác năng lượng dầu khí Nga-Mỹ?

QPTĐ-Tuần qua, thế giới có những phản ứng trái chiều về nội dung cuộc điện đàm cấp cao giữa hai vị Tổng thống Nga-Mỹ. Đây là cuộc điện đàm thứ 2 (ngày 18/3) sau 2 tháng ông D.Trump tái xuất Nhà Trắng, trong khi cuộc điện đàm cấp cao thứ nhất diễn ra ngày 12/2. Cùng với đó, các quan chức Ngoại giao ở cấp cao nhất giữa hai nước tổ chức hội đàm lần 1 (ngày 18/2 tại thủ đô Riyadh, Arab Saudi), lần 2 tại Đại sứ quán Mỹ (ngày 27/2 ở thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ) và dự kiến cuộc gặp lần 3 (ngày 24/3 tại Riyadh, Arab Saudi).

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một buổi gặp mặt.

Kết thúc cuộc điện đàm với Tổng thống Nga V.Putin ngày 18/3, Tổng thống Mỹ D.Trump cho biết: Cuộc trao đổi kéo dài 90 phút, chúng tôi đã nhất trí “làm việc nhanh chóng để có lệnh ngừng bắn hoàn toàn và cuối cùng là chấm dứt xung đột” giữa Nga và Ukraine. “Chúng tôi đã nhất trí về một lệnh ngừng bắn ngay lập tức đối với tất cả các lĩnh vực năng lượng và cơ sở hạ tầng của hai bên trong 30 ngày”.

Đáp lại, Tổng thống V.Putin ủng hộ đề xuất của Tổng thống Mỹ về việc Nga và Ukraine dừng tấn công vào cơ sở năng lượng của nhau. Ông V.Putin đã ngay lập tức chỉ thị cho quân đội Nga chấp hành nghiêm mệnh lệnh của Tổng thống. Đồng thời, đưa ra một số điều kiện để chấm dứt hoàn toàn xung đột, bao gồm việc phương Tây chấm dứt viện trợ quân sự và chia sẻ thông tin tình báo với Ukraine.

Ngoài vấn đề Ukraine, hai nhà lãnh đạo Nga, Mỹ cũng thảo luận về các vấn đề quốc tế  mở rộng hơn bao gồm tình hình Trung Đông, khu vực Biển Đỏ; phối hợp các nỗ lực để ổn định các khu vực khủng hoảng và tăng cường hợp tác về không phổ biến vũ khí hạt nhân và an ninh toàn cầu. Hai vị Tổng thống bày tỏ mối quan tâm chung về việc bình thường hóa quan hệ song phương, công nhận trách nhiệm chung của Nga và Mỹ trong việc đảm bảo an ninh và ổn định toàn cầu.

Đàm phán trực tuyến cấp cao và trao đổi ngoại giao Nga, Mỹ sau hàng thập niên Chiến tranh Lạnh bao trùm lên mối quan hệ băng giá giữa hai cường quốc cho thấy, cơ hội hợp tác song phương và đa phương giữa Nga và Mỹ, phương Tây bắt đầu xuất hiện, ban đầu có thể là những động thái về ngoại giao, hợp tác kinh tế. 

Ngay sau cuộc điện đàm lần thứ nhất (12/2) giữa hai nhà lãnh đạo Nga, Mỹ; các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp hai nước đã nhanh chóng nhập cuộc. Chính phủ hai nước nhất trí bổ nhiệm Đại sứ ở mỗi nước, dỡ bỏ “các rào cản đối với các phái bộ ngoại giao”, tạo điều kiện để bắt đầu hợp tác song phương. Ngay sau đó, Tổng thống Nga bổ nhiệm ông A.Darchiev làm Đại sứ Nga tại Mỹ.

Chủ tịch Liên minh các nhà công nghiệp-doanh nhân Nga (RSPP) A.Shokhin (ngày 7/3) cho biết: Ông đã gặp Chủ tịch-Tổng giám đốc điều hành Phòng Thương mại Mỹ tại Nga (AmCham Russia) R.Agee thảo luận về các đề xuất dỡ bỏ trừng phạt kinh tế. RSPP công bố ý định soạn thảo Sách Trắng, trong đó có một số ưu tiên hàng đầu được phía Nga ủng hộ như hàng không dân dụng, phụ tùng, linh kiện, bảo dưỡng máy bay dân dụng. Hai bên “hoan nghênh sự trở lại của các ngân hàng Nga với hệ thống thanh toán quốc tế SWIST và quá trình bình thường hóa các mối quan hệ thanh toán”; đưa dự án môi trường ra khỏi danh sách trừng phạt, chẳng hạn như các thiết bị phục vụ lĩnh vực năng lượng, các hoạt động ở Bắc Cực hay biện pháp hạn chế đối với lĩnh vực dược phẩm đang cản trở các chương trình đầu tư phát triển của công ty nước ngoài tại Nga. Tuy nhiên, ông A.Shokhin cho rằng, các mục tiêu này “khó có thể thực hiện được” trong tương lai gần.

“Nếu hai nước đạt được thỏa thuận về Ukraine, điều này sẽ mở đường cho việc hợp tác trong các vấn đề địa chính trị khác có lợi ích chung cũng như một số mối quan hệ kinh tế độc đáo, thậm chí có thể mang tính lịch sử”-Ngoại trưởng Mỹ  M.Rubio phát biểu với báo giới sau cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Nga S.Lavrov (ngày 18/2). Đồng tình với nhận định này, Chủ tịch Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) K.Dmitriev-thành viên cuộc đàm phán Ngoại giao Nga-Mỹ cho biết: “Nga và Mỹ nên hợp tác trong tất cả các lĩnh vực kinh tế bao gồm cả các dự án ở khu vực chiến lược Bắc Cực. Đây là khu vực giàu tài nguyên khoáng sản và có tiềm năng trở thành tuyến vận chuyển quan trọng mới của thế giới. Điều đó có lợi cho hai nước”.

Phát biểu tại Diễn đàn Công nghệ tương lai (Moskva, ngày 21/2), Tổng thống Nga V.Putin khuyến khích các doanh nghiệp Nga hợp tác với tỷ phú Mỹ E.Musk trong lĩnh vực khoa học và kinh doanh. Trả lời kênh truyền hình Russia-1 (ngày 22/2) về việc Chính phủ Mỹ và các công ty tư nhân quan tâm đến việc khai thác khoáng sản của Nga, ông V.Putin cho biết: Nga là một trong những nước dẫn đầu thế giới về trữ lượng khoáng sản, đất hiếm. “Chúng tôi sẽ sẵn sàng đề nghị điều này với đối tác Mỹ nếu họ quan tâm đến việc hợp tác”.

Tiếp tục thể hiện thiện chí của Nga, thu hẹp sự khác biệt, mở ra triển vọng hợp tác kinh tế Nga-Mỹ, Tổng thống V.Putin (17/3) ký Sắc lệnh cho phép Quỹ đầu cơ 683 Capital Partners (Mỹ) mua chứng khoán của các công ty Nga từ một số tổ chức tài chính phương Tây. Đồng thời, cho phép 2 công ty Nga: Cepheus-2 và Moderm Real Estate Funds được mua chứng khoán thuộc sở hữu của 683 Capital Partners mà không cần sự phê duyệt của Tổng thống. Trước đó, mọi giao dịch liên quan đến lĩnh vực năng lượng và tài chính đều phải được Tổng thống V.Putin phê duyệt.

Gần đây, dư luận châu Âu xôn xao câu chuyện về dòng chảy năng lượng Nga tiếp tục đổ vào Lục địa già sau khi Nga, Mỹ bắt tay nhau, bình thường hóa quan hệ, hợp tác kinh tế. Nếu như trước năm 2022, Nga cung cấp cho châu Âu đến 40% sản lượng dầu mỏ, khí đốt thì tỉ trọng đó chỉ còn 14% vào năm 2024. Cùng với hơn 20.000 lệnh cấm vận của phương Tây áp đặt lên Nga, châu Âu kiên quyết loại bỏ nguồn năng lượng nhập khẩu từ Nga.

Hai tuyến đường ống dẫn khí Nord Stream từ Nga, công suất 35 tỉ m3/năm và 55 tỉ m3/năm đều bị phá hoại vào năm 2022, ngay sau cuộc xung đột Nga-Uktaine (2/2022). Một trong 2 nhánh của Nord Stream-2, hợp tác Nga-Đức đầu tư 11 tỉ euro, hoàn thành năm 2022, vẫn còn nguyên vẹn nhưng Đức không cấp phép vận hành. Đường ống Yamal-châu Âu chạy qua Ba Lan cũng bị dừng cùng năm 2022, trong khi tuyến đường ống truyền thống Nga-Ukriane-châu Âu, xây dựng từ thời Liên Xô, hết hạn hợp đồng năm 2024, không được chính phủ Kiev gia hạn hoạt động tiếp.

Hiện, Nga chỉ còn một tuyến đường ống duy nhất Turk Stream (Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ, công suất 33 tỉ m3 khí/năm) từ Nga vào Hungaria, Serbia, Slovakia qua Thổ Nhĩ Kỳ và dưới biển Đen hoạt động. Nhiều khách hàng lớn, lâu năm nhất của Tập đoàn Dầu khí Nga Gazprom bao gồm Uniper (Đức), OMV (Áo), Eni (Pháp), Naftogaz (Ukraine) đồng loạt hủy hợp đồng với đối tác Nga.

Sau các cuộc đàm thoại giữa hai Tổng thống Nga-Mỹ, dư luận hy vọng, có công ty Mỹ mua lại cổ phần đường ống Nord Stream-2 và dòng chảy dầu khí Nga tiếp tục chảy vào châu Âu thông qua đường ống Druzhba xây dựng từ thời Liên Xô.

                                     HÀ NGỌC


Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội