Nga nỗ lực bảo vệ thành quả Cách mạng Tháng Mười!
QPTĐ-Ngày 9/5 hàng năm trở thành Ngày Chiến thắng của nước Nga. Năm nay, Liên bang Nga long trọng kỷ niệm 76 năm chiến thắng phát xít (9/5/1945-9/5/2021) trong bối cảnh căng thẳng với Mỹ và phương Tây đang leo thang.
Nga tổ chức lễ duyệt binh kỷ niệm 76 năm ngày chiến thắng phát xít Đức với sự tham gia của khoảng 12.000 quân nhân cùng 159 khí tài cơ giới và 76 máy bay. (Ảnh: Internet)
Tại Quảng trường Đỏ, Lễ diễu binh bắt đầu từ 10 giờ sáng (ngày 9/5 giờ Moskva, tức 14 giờ Việt Nam). Tổng thống V.Putin tham dự sự kiện và có bài phát biểu mở đầu cuộc duyệt binh. Khoảng 12.000 binh sĩ Nga đại diện cho các quân, binh chủng, thực thi mệnh lệnh của Đại tướng, Bộ trưởng Quốc phòng S.Shoigu tiến hành diễu binh, phô trương sức mạnh quân sự hùng hậu của một quốc gia hàng đầu thế giới bao gồm các binh chủng xe tăng, xe thiết giáp, hệ thống tên lửa, máy bay, trong đó có 35 loại vũ khí, khí tài mới.
Trên bầu trời Nga, xuất hiện 76 máy bay (53 máy bay quân sự, 23 trực thăng vận tải, chiến đấu) bao gồm Su-34, Su-30SM, Su-35S, Su-57, Ka-52, Il-76MD. Hơn 190 đơn vị xe cơ giới hành tiến qua lễ đài bao gồm đoàn xe tăng huyền thoại trong Thế chiến II gây kinh hoàng cho quân phát xít: T-34-85; các xe tăng chiến đấu chủ lực: T-72B3M, T-90M, T-14 Armanta; xe chiến đấu tự hành không người lái Uran-9; xe thiết giáp Typhon PVO, Typhon VDV; hệ thống tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, tên lửa phòng không: S-400, Tor-M2, Buk-M3…vv.
Cùng thời gian này, tại một số thành phố khác thuộc Nga như bán đảo Crimea, căn cứ Hmeymim (Syria) cũng diễn ra Lễ duyệt binh, diễu binh quy mô nhỏ. Hàng năm, Quân đội Liên bang Nga vẫn duy trì Lễ Duyệt binh kỷ niệm Ngày Chiến thắng 9/5 tại Thủ đô Moskva với sự tham dự của Tổng thống V.Putin, các nhà lãnh đạo Nga, các cựu chiến binh Liên Xô tham gia Thế chiến II nhằm khơi gợi lòng yêu nước của người Nga, tôn vinh công trạng của các thế hệ công dân Nga và Liên Xô đã làm nên chiến thắng lịch sử của dân tộc trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại.
Thế chiến II (1939-1945), bắt đầutừ trận chiến mở màn của phát xít Đức tấn công Ba lan, cho đến khi trùm phát xít-Quốc trưởng H.Hitle chết mất xác tại hầm ngầm cố thủ Berlin, Liên Xô tuyên chiến chống phát xít giai đoạn 1941-1945. Bằng tinh thần quả cảm, dám chấp nhận gian khổ hy sinh, quân và dân Liên Xô đã chiến thắng đội quân xâm lược của Đức quốc xã, bảo vệ đất nước, giải phóng châu Âu. Hồng quân Liên Xô đại phá Berlin, cắm cờ hồng chiến thắng trên Tòa nhà Quốc hội Đức (3/5/1945).
Đại diện phát xít Đức ký văn kiện đầu hàng Liên Xô và quân Đồng minh ngày 7/5 nhưng phải đến ngày 9/5 văn bản mới có hiệu lực (theo giờ Moskva). Thế chiến II kết thúc. Liên Xô (Nga và các nước Cộng đồng quốc gia độc lập-SNG) lấy ngày 9/5 là Ngày Chiến thắng.
Thế chiến II đã cuốn hơn 70 quốc gia với 1.700 triệu người vào cuộc chiến dài ngày, tàn phá khủng khiếp nền kinh tế châu Âu, thiệt hại lên đến 4.000 tỉ USD (gấp 10 lần Thế chiến I, bằng tất cả các cuộc chiến tranh trong 1.000 năm trước đó cộng lại). Thế giới gánh chịu sự mất mát khủng khiếp hơn 60 triệu người, 90 triệu người khác tàn phế; riêng Liên Xô mất đi hơn 26 triệu người, phần lớn các cơ sở hạ tầng công nghiệp của Xô Viết bị phá hủy.
Trong tình hình mới, bầu không khí chính trị thế giới có nhiều biến động bất thường trước các tham vọng của phương Tây, Nga đang phải một mình chống lại một nửa thế giới, ứng phó sự bao vây phong tỏa, chiến lược “hướng Đông” của Mỹ và khối quân sự NATO.
Sau sự kiện Crimea năm 2014, Mỹ và phương Tây áp lệnh trừng phạt kinh tế, cấm vận Nga. Trong năm 2020-2021, quan hệ Nga-Mỹ ngày càng xấu đi nghiêm trọng sau những diễn biến ở chính trường thế giới.
Đó là các sự kiện, Ukraine tố “Nga can thiệp” vào xung đột ở miền Đông Donbass, vụ chính trị gia đối lập Nga A.Navalny “bị đầu độc” và bị bắt giam, Moskva “can thiệp” vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ; Nga tập trận quy mô lớn trên Biển Đen, huy động hàng ngàn binh sĩ đến biên giới Ukraine; “cuộc chiến” trục xuất các quan chức ngoại giao.... Đáng lưu ý, một số nước Liên minh châu Âu (EU) và NATO, đồng minh của Mỹ lên tiếng cáo buộc “hành động khiêu khích của Moskva”. Bộ Ngoại giao Nga đưa ra con số thống kê, lấy cớ “vụ đầu độc S.Skripal” (5/12/2019), Mỹ đã ra đòn thù thứ 73-áp lệnh trừng phạt lên Nga kể từ năm 2011 (khủng hoảng chính trị ở Syria). Đại sứ Nga tại Mỹ A.Antonov (31/3/2021) phát biểu: “Điện Capiol không ngừng các hoạt động chống Nga. Trong những năm gần đây, Quốc hội Mỹ đã thông qua 10 đạo luật trừng phạt Nga. Ngoài ra, còn 15 đạo luật khác đang chờ xử lý”.
Phát biểu tại Viện Aspen (10/2020), Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ R.C.Obrien thừa nhận: “Ở Nga, thực tế không còn gì để trừng phạt!” Tuy nhiên, trong 2 tháng: 4-5/2021 vừa qua, Mỹ và một số nước thành viên EU, NATO lại dấy lên ngọn lửa trừng phạt, trục xuất các quan chức ngoại giao Nga.
Nga đã khôn khéo tự bảo vệ mình bằng sự trỗi dậy kinh ngạc về kinh tế và quân sự. Moskva chủ trương giảm lưu trữ đồng Euro, USD, bảng Anh để chuyển sang vàng, NDT. Năm 2020, tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) bằng vàng, ngoại tệ lên 588 tỉ USD. Thế giới dự trữ 34.900 tấn vàng thì Nga: 2.299,2 tấn, tương đương 22,6% dự trữ ngoại hối, vào Top 5 thế giới (sau Mỹ, Đức, Italy, Pháp)-Theo Hiệp hội Vàng thế giới (WGC-tháng 7/2020).
Nga đã thành công trong việc hiện đại hóa quân đội, cải tiến vũ khí, khí tài đứng Top đầu quân sự toàn cầu, đặc biệt là cơ bản hoàn thành hiện đại Bộ ba hạt nhân chiến lược, phát triển vũ khí siêu thanh trang bị cho tàu ngầm, tàu chiến, máy bay tiêm kích, máy bay tấn công chiến lược và hệ thống phòng không.
Nga mới đưa vào biên chế tàu ngầm hạt nhân Kazan trang bị tên lửa Kalibr-M (đầu đạn thường và hạt nhân) tầm bắn 4.000 km; tên lửa đạn đạo Sarmat (RS-28) mang đầu đạn hạt nhân 10 tấn, tốc độ siêu thanh Mach-27, đạt tầm bắn 17.000 km; tên lửa đạn đạo RS-24 siêu thanh, nếu muốn phá hủy 1 tên lửa này Mỹ phải phóng ít nhất 50 tên lửa đánh chặn…vv.
Giới bình luận nhận định, Nga đang nỗ lực bảo vệ thành quả của Cách mạng Tháng Mười năm 1917!
NHẬT KIỀU