A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

NATO tập trận hạt nhân ở châu Âu

 

QPTĐ-Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thực hiện các cuộc tập trận hạt nhân thường niên tại khu vực Tây Bắc châu Âu (từ 17-30/10). Đã có 14 trong số 30 quốc gia thành viên NATO điều động binh sĩ, gửi vũ khí, phương tiện kỹ thuật tham gia. Liên minh quân sự này thông báo, Mỹ giữ vai trò chủ lực, điều 60 máy bay chiến đấu, máy bay giám sát và hậu cần, tiếp nhiên liệu, trong đó máy bay ném bom chiến lược B-52 tham gia diễn tập Steadfast Noon. 

Cuộc tập trận răn đe hạt nhân Steadfast Noon của NATO có sự tham gia của 14 quốc gia và 60 máy bay quân sự. (Ảnh: Internet)

Các chuyến bay tập trận diễn ra trên lãnh thổ Bỉ-quốc gia đăng cai tập trận Steadfast Noon 2022 cũng như trên Biển Bắc và Vương quốc Anh, trong đó các máy bay chiến đấu được trang bị tên lửa mang đầu đạn hạt nhân nhưng không mang theo bom. NATO cho biết thêm, phần lớn các cuộc diễn tập được tổ chức cách biên giới Nga ít nhất 1.000 km để tránh các phản ứng của Nga. 

NATO và Nga đều tuyên bố, tránh những hành động gây thêm căng thẳng trong mối quan hệ giữa Nga và Mỹ, phương Tây vốn đã cơm không lành, canh không ngọt kể từ sự kiện Crimea năm 2014, nhất là cuộc xung đột Ukraine (từ tháng 2/2022) ngày càng dữ dội, khiến tình hình khu vực càng thêm phức tạp. Bên cạnh đó, Nga và Mỹ, NATO đã không ít lần đấu khẩu, tranh cãi nảy lửa trước tuyên bố của Tổng thống Nga V.Putin về việc Moskva có quyền sử dụng vũ khí hạt nhân để bảo vệ lãnh thổ. 

Cùng thời gian này (21/10), Lầu Năm Góc điều Sư đoàn Dù 101 Mỹ đến Romania tham gia diễn tập bắn đạn thật trên bộ, trên không. Được biết, Sư đoàn lính dù này biên chế 4.700 binh sĩ, là đơn vị cơ động tấn công đường không hạng nhẹ tinh nhuệ của Mỹ, được huấn luyện kỹ càng, trang bị vũ khí hiện đại nhằm triển khai các cuộc đột kích tại bất cứ chiến trường nào trên thế giới trong vòng vài giờ. 

Đây là lần đầu tiên Sư đoàn 101 nhận nhiệm vụ ở châu Âu kể từ Thế chiến II, được triển khai tại biên giới Romania, cách Ukraine chỉ khoảng 5 km. “Chúng tôi bảo vệ lãnh thổ của NATO”-Chuẩn tướng J.Lubas, Phó Tư lệnh Sư đoàn 101 nói. 

Trước đó, Tổng Thư ký NATO J.Stoltenberg cho biết: Liên minh đã và sẽ tăng quy mô báo động cao từ 30.000 lên 300.000 binh sĩ. Tổng thống Mỹ J.Biden cũng tuyên bố: “Mỹ luôn sẵn sàng bảo vệ từng tấc đất của các thành viên NATO”. Các quan chức NATO nhiều lần tuyên bố, liên minh này không phải là một bên tham gia xung đột và sẽ không gửi quân đến Ukraine nhưng đã không dưới một lần cảnh báo Nga, chớ có xâm phạm một tấc đất của liên minh. 

Kể từ khi xảy ra xung đột giữa Nga và Ukraine, Mỹ, NATO và phương Tây không giấu giếm sự ủng hộ đối với chính quyền Kiev, trong đó viện trợ các loại vũ khí, đạn dược, phương tiện chiến tranh và hậu cần lên đến hơn 80 tỉ USD, riêng Mỹ hơn 20 tỉ USD. Ukraine kỳ vọng, gia nhập liên minh NATO và Liên minh châu Âu (EU). 

Nhận định về sự hào phóng của phương Tây trong cuộc chiến “chống lại sự xâm lược của đế quốc Nga”, Thủ tướng Ukraine D.Shmyhal cho hay: Trên thực tế, chúng ta (Kiev) đã là đồng minh thân cận của NATO và EU. 

Đáp trả tương ứng, từ giữa tháng 10 vừa qua, Nga điều động đội hình máy bay ném bom chiến lược Tu-95MS, Tu-160 đến căn cứ không quân Olenya, vùng Murmansk trên lãnh thổ Nga. Sân bay chiến lược Olenya, nằm gần với Vòng cực Bắc, cách trụ sở Hạm đội Phương Bắc của Hải quân Nga khoảng 100 km, đóng vai trò vô cũng quan trọng trong các tuyến bay tuần tra liên lục địa của Nga. 

Việc các máy bay ném bom chiến lược tầm xa Tu-95MS, Tu-160 có khả năng mang vũ khí tấn công hạt nhân đến căn cứ không quân mới cũng góp phần gây sức ép lên sườn phía Bắc của NATO, trong khi liên minh quân sự này đang tập trận hạt nhân quy mô lớn, kéo dài 2 tuần lễ. 

Ngay sau đó, ngày 10-11/10, các máy bay ném bom chiến lược này đã xuất kích từ căn cứ Olenya, dội mưa tên lửa hành trình vào các mục tiêu quân sự, cơ sở năng lượng và hạ tầng thủ đô Kiev, trong đó có Cơ quan An ninh Ukraine, cũng như nhiều mục tiêu quan trọng khác ở Ukraine, như một hành động đáp lại việc Kiev đứng đằng sau vụ “đánh bom có tính chất khủng bố” cầu Crimea hôm 8/10. Việc Nga trở lại tấn công các mục tiêu ở thủ đô Kiev và các thành phố khác, cảnh báo những thảm họa có thể xảy ra khi các bên mở rộng trả đũa lẫn nhau.

Kiev và nhiều cơ sở năng lượng, trạm điện tại hơn 40 thành phố bị tấn công khiến một số vùng trên lãnh thổ Ukraine rơi vào cảnh mất điện và hệ thống sưởi ấm. Bộ Năng lượng Ukraine (11/10) buộc phải tạm ngừng xuất khẩu điện cho châu Âu.

Tuần qua, Tổng thống J.Biden lệnh xuất kho thêm 15 triệu thùng dầu nhằm bình ổn giá nhiên liệu trong nước, nâng tổng số xuất dầu từ kho dự trữ lên đến 180 triệu thùng trong nửa năm qua (từ tháng 3-10/2022). Theo hãng Reuters, kho dự trữ dầu mỏ chiến lược Mỹ (SPP) giảm ở mức thấp nhất trong ba thập kỷ qua từ 727 triệu thùng xuống còn 434,1 triệu thùng (9/2022). 

Động thái này của Ông chủ Nhà Trắng nhằm đối phó với quyết định của OPEC+ do Arab Saudi và Nga dẫn dắt, cắt giảm sản lượng khai thác dầu thêm 2 triệu thùng/ngày kể từ tháng 11 tới, dự báo giá dầu thế giới sẽ tăng đột biến. Điều này, gây bất lợi cho Đảng Dân chủ của Tổng thống J.Biden trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ, sẽ diễn ra ngày 8/11. 

Cùng với đó, nhóm G7-các nền công nghiệp hàng đầu thế giới đồng thuận áp trần giá dầu thô Nga từ ngày 5/12, có thể làm tê liệt thương mại toàn cầu-Giới chuyên gia dự báo. Hiện, châu Âu đã giảm nguồn nhập khẩu dầu, khí của Nga từ 40% xuống còn 9%. Moskva chủ động chuyển nguồn cung sang châu Á, chủ yếu là Ấn Độ, Trung Quốc với mức ưu đãi giá rẻ; thậm chí, các nước cùng Nga hợp tác đội tàu vận chuyển, tự bảo hiểm hoặc mua bảo hiểm của công ty Nga. Moskva tuyên bố, không bán dầu cho các nước áp giá trần dầu và các nước “không thân thiện”, nước không thanh toán mua dầu bằng đồng nội tệ ruble của Nga. 

Sắp tới “vẫn có khoảng 80-90% lượng dầu của Nga lưu thông bình thường”-Chuyên gia Bộ Tài chính Mỹ dự báo. Trong khi đó, giá dầu thế giới ở mức 90-100 USD/thùng khiến các nước OPEC+ thu nhập bộn tiền. 

MINH NGỌC


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ