A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

LNA tuyên chiến với Thổ Nhĩ Kỳ?

 

QPTĐ-Phát biểu với báo chí về sự hiện diện của binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ tham chiến ở Libya, Tư lệnh Quân đội Quốc gia Libya (LNA) Kh.Haftar (1/8) cho biết: “Chúng tôi không chấp nhận chủ nghĩa thực dân. Người Thổ Nhĩ Kỳ đã ở Libya 300 năm và người Libya không thấy gì ngoài cái ác. Lực lượng của LNA và người dân Libya sẽ đối đầu và trục xuất chủ nghĩa thực dân. Đó là mục tiêu chính của chúng tôi”. Tuyên bố của lãnh đạo LNA được đưa ra, sau khi Thổ đưa thêm nhiều vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự cùng 400 tay súng đến đất nước này, nâng số binh sĩ đánh thuê huy động từ Syria, lên con số 16.500 người. 

Sau can thiệp của Mỹ và NATO, sát hại Đại tá-Tổng thống M.al-Gadadfi (2011), quốc gia Bắc Phi này lún sâu vào nội chiến kéo dài hàng chục năm. Hiện, Libya đang bị giằng xé bởi các lực lượng đối lập nhau, đại diện là 2 phe phái chính: Chính phủ Hiệp định Quốc gia Libya (GNA) do Thủ tướng đứng đầu, được LHQ công nhận, có trụ sở tại thủ đô Tripoli, kiểm soát một vùng đất đai miền Tây và Quân đội Quốc gia Libya (LNA) do Nguyên soái Kh.Haftar đứng đầu, quản lý vùng lãnh thổ miền Đông. LNA được Quốc hội Libya hậu thuẫn, có Quân đội thiện chiến, trong khi GNA sở hữu một lực lượng nhỏ dân quân tự vệ. 

Lực lượng quân đội Quốc gia Libya.                               Ảnh: Internet

 

Mười năm qua, Libya tồn tại song song 2 lực lượng quân sự, Chính phủ và Quốc hội đối lập nhau, mục đích đối ngoại riêng rẽ. GNA được sự hậu thuẫn về kinh tế, quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar, Algeria; trong khi LNA được sự ủng hộ của Ai Cập, Pháp, Nga, UAE và gần đây là Mỹ, Arab Saudi, Hy Lạp, Israel. 

Đã nhiều lần, Pháp, Ai Cập đứng ra làm trung gian hòa giải giữa LNA và GNA nhưng bất thành. Từ tháng 4/2019, LNA đưa binh sĩ bao vây thủ đô Tripoli, quyết tâm thôn tính GNA. Lập tức, Thổ đưa binh sĩ, vũ khí vào Libya can thiệp, khiến cuộc xung đột càng thêm đẫm máu. 
Tháng 7 vừa qua, Ai Cập đưa ra “Sáng kiến Cairo”, được quốc tế ủng hộ để giải quyết xung đột Libya. Theo đó, Tổng thống Ai Cập A.al-Sisi cho rằng, khôi phục an ninh và ổn định tình hình ở Libya là một phần và toàn bộ an ninh, ổn định của Ai Cập. Địa điểm Sirte và al-Jufra, căn cứ không quân lớn trên đất Libya là “lằn ranh đỏ” không được phép vượt qua. 

Cuộc chiến ở Libya ngày càng thêm hỗn loạn, ít nhất có 4 thành viên NATO (Thổ, Pháp, Italy, Hy Lạp) can thiệp nhưng không thống nhất với nhau; trong khi Mỹ tuyên bố vắng mặt trong các cuộc thảo luận về Libya, mặc dù năm 2011, Washington đẩy NATO cùng tham chiến ở Libya nhằm “chống chế độ độc tài gia đình trị, tài trợ khủng bố” M.al-Gadadfi. 

Thổ công khai ủng hộ GNA, bất chấp nhiều thành viên trong và ngoài NATO ủng hộ LNA bởi những cam kết về kinh tế, thương mại mà Chính phủ Libya hứa sẽ đem lại cho Thổ, nhất là hiệp định khai thác nguồn lợi dầu khí, vùng biển Libya ở Đại Trung Hải. Thổ toan tính, chiếm lấy địa điểm chiến lược Sirte và al-Jufra, thiết lập các căn cứ quân sự, sẽ tạo cho GNA lợi thế tham gia đàm phán chia sẻ quyền lợi, thành lập Chính phủ liên hợp hoặc Tổng tuyển cử ở Libya. Chính phủ Ankara có quan hệ sâu sắc với Tripoli và Nhóm anh em “Huynh đệ Hồi giáo” nổi lên ở khu vực Bắc Phi, hẳn có quyền lợi trong cuộc tái thiết quốc gia này sau chiến tranh. Thổ ủng hộ các nhóm phiến quân ở Syria, biến họ thành lính đánh thuê ở Libya; thúc đẩy tư tưởng, phe phái Hồi giáo cạnh tranh với Ai Cập ở Libya. Tuy nhiên, Thổ lại bị phản ứng của các thành viên NATO khác.

Pháp đạt được sự thống nhất với Italy, sẽ chống lại bất kỳ quốc gia nào vi phạm lệnh cấm vận vũ khí của LHQ đối với Libya. Bộ Ngoại giao Pháp lên án “hành động hung hăng” của Thổ, dịp tháng 6/2020, khi Hải quân Thổ sử dụng radar kiểm soát hỏa lực của mình chiếu một tàu chiến Pháp đang kiểm tra hàng hóa trên một con tàu của Thổ đang hướng đến Misrata (Libya). Pháp ủng hộ LNA, đứng về phía Nguyên soái Kh.Haftar. Paris muốn ổn định tình hình vì quyền lợi của mình khong chỉ đối với Libya mà còn có Chad, Nigeria và các nước châu Phi. Sau vụ Tổng thống E.Macron tuyên bố “NATO chết não”, Ngoại trưởng Pháp Le Drian kêu gọi EU thảo luận về triển vọng của mối quan hệ với Thổ, trong khi Ankara ngày càng có chính sách độc lập, không phù hợp với lợi ích của một số đồng minh NATO, trong đó tình hình Libya. Ankara tìm đến Moskva và các thành viên phương Tây cố gắng làm trung gian về tương lai cho Libya vì mục đích của họ.

Taly-một thành viên NATO, có vai trò quan trọng ở Địa Trung Hải, có quan điểm ngoại giao ủng hộ GNA và Thổ, trong việc hợp tác dầu khí, kiềm chế di cư tự do tràn vào châu Âu, qua lãnh thổ của mình. Trong khi Hy Lạp bất an về thỏa thuận giữa Ankara và Tripoli, bởi hai chính phủ này không công nhận quyền của Athens ngay tại thềm lục địa giữa Rhodes và Crete. 

Thực hiện chính sách “Nước Mỹ trên hết”, Tổng thống D.Trump giảm bớt sự can thiệp sâu vào Afghanistan, Iraq, Syria. Mỹ không sẵn sàng tham gia nhiều hơn vào Libya, dường như muốn nhường khu vực Trung Đông, Bắc Phi cho Thổ, Israel và đồng minh: Arab Saudi, UAE. Quan hệ Mỹ-Thổ có vẻ được cải thiện sau khi FBI mở cuộc điều tra về giáo sĩ F.Gulen, tị nạn ở Mỹ, trốn tránh chính quyền Thổ. Mỹ kỳ vọng Thổ không triển khai hệ thống S-400 mua của Nga và đảm nhận vai trò xung kích của NATO, đối phó với Nga, Iran. Dường như Mỹ và Thổ đã đạt được một số thỏa thuận phân chia lợi ích ở Libya. 

Sau khi Pháp tuyên bố rút khỏi nhiệm vụ của LHQ ngoài khơi bờ biển Libya, giảm an ninh hàng hải ở Địa Trung Hải, Thổ kịp thời ngăn chặn việc thực hiện một dự án quốc phòng quan trọng của Baltic để chống lại ảnh hưởng của Nga ở Đông Âu. Dư luận không khỏi quan ngại, NATO có nguy cơ bị chia rẽ. 
Trong mấy ngày qua, Thổ tổ chức tập trận quy mô lớn trên biển Địa Trung Hải, điều động đến 8 chiến hạm, 17 máy bay tiêm kích F-16 cùng máy bay cảnh báo sớm, UAV. “Một chiến dịch quân sự bằng hải quân và không quân vào lực lượng LNA có thể được thực hiện trong trường hợp quân đội của Nguyên soái Kh.Haftar không chịu rút lui khỏi Sirte”-Ngoại trưởng Thổ M.Cavusoglu tuyên bố. 
 Đáp lại, Quân đội LNA đưa đến khu vực thành phố biển Sirte hàng ngàn binh sĩ, xe bọc thép, lựu pháo, tên lửa đạn đạo R-17, Pantsir-S1, Tor-M2, hệ thống phòng không S-200, S-300. Đó là chưa kể sự hậu thuẫn của binh sĩ Ai Cập. 

HÀ NGỌC


Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ