Căng thẳng mối quan hệ giữa Nga và Mỹ, phương Tây
QPTĐ-Mối quan hệ ngoại giao Nga-Mỹ chưa bao giờ hạ nhiệt kể từ sau sự kiện mùa Xuân năm 2014, Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ, Mỹ và phương Tây áp hàng loạt các biện pháp cấm vận trừng phạt Moskva.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng các cộng sự tham gia điện đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin. (Ảnh: Internet)
Trong tháng 12/2021, Tổng thống Mỹ J.Biden và Tổng thống Nga V.Putin đã có 2 cuộc điện đàm vào ngày mồng 7 và 30 nhằm tháo gỡ leo thang căng thẳng giữa các bên, với nút thắt chính là tình hình Ukraine. Đây là cuộc hội đàm cấp cao lần thứ 3 tổ chức vào năm 2021 giữa hai nhà lãnh đạo Nga, Mỹ, trong đó lần gặp gỡ thứ nhất được tổ chức ở Geneva (tháng 6/2021).
Trong khoảng gần 1 giờ đồng hồ điện đàm (ngày 30/12), hai nhà lãnh đạo Nga, Mỹ tỏ ra căng thẳng, tập trung thảo luận xung quanh các vấn đề liên quan đến Ukraine và đưa ra các cảnh báo lẫn nhau. Tuy nhiên, sự kiện này đã thể hiện sự lạc quan nhất định về các cuộc đàm phán ngoại giao sắp tới-Giới báo chí nhận định về cuộc điện đàm trên được tổ chức theo đề xuất của Tổng thống Nga V.Putin.
Phát biểu với báo giới, Thư ký báo chí Nhà Trắng J.Psaki cho biết: Nhà lãnh đạo Mỹ yêu cầu Nga xuống thang căng thẳng gần Ukraine. Mỹ sẽ cùng các đồng minh và đối tác đáp trả quyết đoán nếu Nga tiếp tục có thêm các hành động gây hấn liên quan đến Ukraine. “Tổng thống J.Biden tái khẳng định tiến bộ đáng kể trong các cuộc đàm phán chỉ có thể đạt được trong môi trường xuống thang chứ không phải leo thang căng thẳng”. “Tổng thống J.Biden đề ra 2 lộ trình, trong đó có ngoại giao. Lộ trình còn lại tập trung vào khía cạnh răn đe, bao gồm hậu quả và cái giá đắt đỏ mà Nga phải trả nếu xâm lược Ukraine”-Ông J.Psaki nói.
Theo giới chức Mỹ, lệnh trừng phạt nghiêm ngặt nhất nhằm vào Nga có thể bao gồm các biện pháp tách Nga khỏi hệ thống tài chính và kinh tế toàn cầu.
Cố vấn chính sách đối ngoại Điện Kremlin Y.Ushako cho hay: Nhà lãnh đạo Nga hài lòng với cuộc điện đàm và đưa ra lời cảnh báo, Nga cần kết quả cụ thể từ các cuộc đàm phán an ninh sắp tới giữa Nga và Mỹ. Bất cứ lệnh trừng phạt nào của phương Tây chống lại Moskva sẽ khiến quan hệ giữa Nga và Mỹ tiếp tục rạn nứt, có thể sụp đổ hoàn toàn-Ông Y.Ushako khẳng định.
Hai bên Nga-Mỹ thống nhất đối thoại ngoại giao, tổ chức cuộc gặp an ninh Nga-Mỹ tại Geneva vào ngày 9-10/1/2022, sau đó là cuộc họp Nga-Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngày 12/1, tiếp theo là một hội nghị có quy mô lớn với sự tham gia của Nga, Mỹ và các quốc gia châu Âu (13/1).
Quan hệ giữa Nga và Mỹ, phương Tây, từ lâu đã trở thành đối địch, leo thang căng thẳng trong thời gian gần đây (11/2021) khi phương Tây cáo buộc Nga tập trung hàng trăm ngàn binh sĩ đến biên giới Ukraine, không loại trừ một cuộc tấn công xâm lược Ukraine diễn ra vào tháng 2/2022. Nga phủ nhận cáo buộc trên và cho rằng, Moskva có quyền điều động binh sĩ trong lãnh thổ theo ý muốn và những động thái quân sự, diễn tập trên nhằm đối phó với các mối đe dọa đến từ NATO.
Tại Moskva (ngày 27/12 vừa qua), Thứ trưởng Quốc phòng Nga A.Fomin chủ trì cuộc họp với 105 Tùy viên quân sự nước ngoài, bao gồm đại diện của 14 quốc gia thành viên NATO và đưa ra thông tin: NATO đang chuẩn bị cho một cuộc xung đột vũ trang quy mô lớn với Nga?
Vị Thứ trưởng Quốc phòng Nga cho biết: Khoảng 13.000 binh sĩ nước ngoài, hơn 600 xe tăng, xe bọc thép, ít nhất 30 máy bay cùng hàng trăm khẩu pháo hạng nặng đang đồn trú trên lãnh thổ các nước thành viên NATO ở Đông Âu, áp sát Nga.
Trong 2 năm 2020-2021, các chuyến bay do thám của NATO tăng 60% ở biển Đen, trong đó các máy bay ném bom chiến lược Mỹ (năm 2021) đã thực hiện 92 chuyến bay cách Crimea chỉ 15 km so với 78 lần năm 2020. NATO tổ chức 15 cuộc tập trận ở biển Đen, so với 8 cuộc năm 2020, trong đó có vụ tàu khu trục HMS Defender áp sát bán đảo Crimea dịp tháng 6/2021. Bình quân hàng năm, NATO tổ chức 30 cuộc tập trận với kịch bản mô phỏng các chiến dịch quân sự chống lại Nga.
Tại khu vực Baltic, máy bay NATO đã xuất kích hơn 1.200 lần, thực hiện hơn 50 nhiệm vụ trinh sát hải quân và tham gia hơn 20 đợt huấn luyện tác chiến. Nga phản đối chủ trương của Mỹ và NATO, xé bỏ cam kết với Liên Xô, theo đuổi chính sách NATO hướng Đông, gây ảnh hưởng ở các quốc gia trung lập như Thụy Điển, Phần Lan, có biên giới chung tiếp giáp hoặc gần lãnh thổ Nga.
Ông A.Fomin cảnh báo, những nỗ lực của NATO nhằm mở rộng và củng cố hạ tầng quân sự ở sườn phía Đông có tác động tiêu cực đến kiến trúc an ninh toàn lục địa châu Âu. Tháng 5-6/2021, NATO tập trận Defender Europe-21, điều chuyển 40.000 quân từ Mỹ và Tây Âu sang sườn phía Đông của liên minh này.
Ngày 29/12, Bộ Tư lệnh Mỹ ở châu Âu cho biết, Mỹ điều máy bay trinh sát E-8C đến Ukraine, bay qua khu vực phía Đông nước này trong ngày 27/12, nhằm giám sát các hoạt động quân sự của hai bên: Nga và Ukraine.
Tuần qua, cùng với việc đăng tin, video xe tăng, pháo hạng nặng Nga khạc lửa dữ dội trong cuộc tập trận ở khu vực Crimea, Nga công bố đã rút 10.000 binh sĩ khỏi vùng này sau khi đã hoàn thành các khoa mục diễn tập.
Ngày 17/12, Nga đưa ra đề xuất an ninh chung với Mỹ và NATO gồm 8 điểm: “Hiệp ước giữa Mỹ và Liên bang Nga về bảo đảm an ninh”, kêu gọi các cam kết ràng buộc về mặt pháp lý giữa hai quốc gia về việc không triển khai lực lượng và binh lính, khí tài quân sự ở những khu vực mà họ có thể được coi là mối đe dọa đối với nước khác. Hiệp ước kêu gọi Mỹ không tiếp tục mở rộng NATO về hướng Đông và dừng việc hợp tác quân sự với các nước hậu Liên Xô (trừ các nước đã là thành viên của NATO). Hiệp ước cũng kêu gọi NATO dừng việc mở rộng và ngăn việc kết nạp Ukraine vào khối.
Trả lời phỏng vấn báo chí phát trên Đài truyền hình quốc gia (26/12), Tổng Nga V.Putin cho rằng, Mỹ và đồng minh đang dồn Nga vào một vị trí mà Moskva không còn đường lùi. “Tôi đã nói rằng, họ (NATO) sẽ triển khai các hệ thống tên lửa ở Ukraine và chỉ mất 4-5 phút những tên lửa này có thể bay đến Moskva. Nếu phương Tây tiếp tục gây hấn, Nga sẽ thực hiện các biện pháp đáp trả quân sự-kỹ thuật tương xứng”-Tổng thống Nga khẳng định.
Ngày 27/12, Ngoại trưởng Nga S.Lavrov ra tuyên bố về đề xuất an ninh 8 điểm mà Nga gửi cho Mỹ và NATO.
NHẬT MINH