A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bùng nổ “cuộc chiến năng lượng” ở Kazakhstan

 

QPTĐ-Tháng qua, thị trường năng lượng khí đốt châu Âu nóng bỏng bởi mối đe dọa thiếu hụt nguồn cung khi mùa Đông giá lạnh đến gần, giá bán khí đốt tăng vọt. Thế giới chứng kiến sự bất ngờ khi điểm nổ không phải ở Tây Âu, Nam Âu mà chính là Kazakhstan, quốc gia Trung Á thuộc Liên bang Xô Viết cũ, đã từ lâu được xem như thành trì phát triển kinh tế khá ổn định. 

Biểu tình rúng động ở Kazakhstan. (Ảnh: Internet)

Trong tuần đầu năm mới 2022, hàng loạt các cuộc biểu tình nổ ra ở các thành phố, đô thị, phản đối Chính phủ Kazakhstan ban bố lệnh dừng trợ giá khí hóa lỏng (LNG), tăng giá bán lên gấp đôi. Người biểu tình hành động tự phát, đập phá cửa hàng kinh doanh, cướp bóc tài sản, phá các tòa nhà Chính phủ, tấn công các quan chức chính quyền và cảnh sát bằng gạch đá, gậy gộc, hơi cay, bom xăng, đốt phá xe máy. 

Từ ngày 2-5/1, hàng ngàn người biểu tình xuống đường, bao vây quảng trường, các tuyến phố ở Almaty, chiếm sân bay quốc tế, đòi Thủ tướng và Chính phủ nước này từ chức. 

Kazakhstan có 19 triệu dân, 20% dân số là người Nga. Nước này có nền kinh tế lớn nhất khu vực Trung Á, có chung 7.600 km đường biên giới trên bộ, dài nhất với Nga, là thành viên Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (CSTO, bao gồm 6 quốc gia: Nga, Armenia, Belarus, Kyrgystan, Kazakhstan và Tajikistan do Nga giữ vai trò dẫn dắt) và Tổ chức Kinh tế Á-Âu. 

Tại Kazakhstan, Nga thuê dài hạn căn cứ Baikonur và sân bay vũ trụ nổi tiếng Cosmodrome, cùng cơ sở không gian Vostochny duy trì các nhiệm vụ thiết bị bay không người lái. Sary Shagan là địa điểm đầu tiên và duy nhất ở khu vực Âu-Á thử nghiệm các hệ thống chống tên lửa đạn đạo (ABM), một minh chứng về hiệu quả và năng lực phòng thủ của Nga. Đó là chưa kể đến cộng đồng dân cư đông đảo người nói tiếng Nga. Vì vậy, sự ổn định chính trị của Kazakhstan có ý nghĩa quan trọng chiến lược, hàng đầu đối với Moskva cả về đối nội và đối ngoại.

Trước mối đe dọa an ninh, sự ổn định và toàn vẹn lãnh thổ, Tổng thống Kazakhstan K.J.Tokayev (4/1) ban bố tình trạng khẩn cấp, giới nghiêm trên phạm vi toàn quốc (từ 5-19/1) và kêu gọi sự hỗ trợ của Tổ chức CSTO nhằm đối phó với bạo loạn, có nguy cơ xảy ra khủng bố ở nước này. Ông K.J.Tokayev cho biết, những người biểu tình đã phá hoại “hệ thống Nhà nước”, “nhiều người trong số này đã được đào tạo quân sự ở nước ngoài”. 

Ứng phó, giảm nhẹ bùng phát bạo loạn, Tổng thống K.J.Tokayev chấp nhận đơn từ chức của Thủ tướng P.Nikol và nội các, bổ nhiệm Phó Thủ tướng A.Smailov làm Thủ tướng lâm thời. Đồng thời, áp dụng giá trần nhiên liệu, giữ giá bán ổn định 6 tháng, hạn chế thiệt hại đến với các nhà sản xuất khí đốt đang thua lỗ. Ngân hàng quốc gia tạm dừng hoạt động bảo đảm sự an toàn cho các thành viên. 

Trong 1 tuần bùng phát biểu tình, xung đột gây ra cái chết với hơn 30 người, hơn 400 người phải nhập viện, hơn 5.800 người bị bắt giữ; trong khi đó, cảnh sát, lính vệ binh quốc gia có 18 người tử nạn, 750 người bị thương.

Theo giới chuyên gia, làn sóng biểu tình của dân chúng phản ánh thực trạng kinh tế khó khăn, lạm phát gia tăng ở quốc gia này, trong đó có hậu quả của đại dịch Covid-19 kéo dài và đường lối chủ nghĩa dân tộc của nhà cầm quyền Kazakhstan. 

Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng thống Kazakhstan, Lực lượng gìn giữ hòa bình CSTO có trụ sở ở Moskva, cử 2.500 lính dù Nga và Belarus theo đường hàng không, đổ bộ đến quốc gia này ngày 6/1. Tướng S.Zas, Tổng Thư ký CSTO cho hay, sứ mệnh gìn giữ hòa bình ở Kazakhstan hoàn toàn phù hợp với Hiến chương CSTO, kể từ khi Tổng thống K.J.Tokayev kêu gọi CSTO giúp đỡ, chống lại làn sóng bạo lực, “đe dọa thực sự đối với an ninh đất nước, sự ổn định và toàn vẹn lãnh thổ”. 

Binh sĩ CSTO sẽ bảo vệ các “cơ sở chiến lược và cơ quan Chính phủ quan trọng” cũng như “giúp duy trì trật tự và bảo đảm an toàn cho người dân tại Kazakhstan”. Tuy nhiên, CSTO không có kế hoạch cử binh sĩ đối đầu trực tiếp với những kẻ bạo loạn. “Khi tình hình Kazakhstan đã ổn định và lực lượng của họ đã kiểm soát được tình hình mà không cần sự giúp đỡ của chúng tôi, chiến dịch sẽ kết thúc và toàn bộ lực lượng quân sự sẽ được rút đi”-Tướng S.Zas nói. 

Trước diễn biến căng thẳng ở Kazakhstan, CSTO đưa binh sĩ gìn giữ hòa bình đến quốc gia này, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ N.Price (6/1) cho biết, Mỹ và thế giới theo dõi sát các hoạt động của Nga và CSTO tại quốc gia Trung Á này; đồng thời, phản bác lại cáo buộc của Nga cho rằng, Mỹ đã kích động bạo loạn ở Kazakhstan. “CSTO và Kazakhstan cần tuân thủ các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế”-Ngoại trưởng Mỹ A.Blinken nói. Tuy nhiên, người Nga không dễ dàng tin ở lời tuyên bố của Nhà Trắng.

Cùng ngày 6/1, Liên minh châu Âu (EU) ra tuyên bố, kêu gọi các bên kiềm chế căng thẳng leo thang, cảnh báo Nga cần tôn trọng chủ quyền và độc lập của Kazakhstan sau khi đưa binh sĩ đến quốc gia này ứng phó với bạo loạn. 

Từ ngày 7/1, biểu tình ở Kazakhstan đã lắng xuống, Chính phủ và các cơ quan chính quyền địa phương đã làm chủ được tình hình. 

Ủy ban An ninh quốc gia Kazakhstan (KNB) cho biết, ngày 6/1, đã bắt giữ cựu Giám đốc KNB K.Masimov và một số người khác về tội “phản quốc”, kích động biểu tình. Được biết, ông K.Masimov là đồng minh thân cận của cựu Tổng thống N.Nazarbayev-người sáng lập Kazakhstan, hiện là Chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia. Tổng thống đương nhiệm K.J.Tokayev, 68 tuổi, được cựu Tổng thống N.Nazarbayev chuyển giao quyền lực vào năm 2019, trong hòa bình. 

Có nhiều nguồn tin khác cho rằng, Tổng thống K.J.Tokayev cải tổ nội các, sa thải một số bộ trưởng và quan chức cấp cao đã kích động làn sóng phản đối từ nội bộ. Ông M.Ablyazov, cựu Bộ trưởng Năng lượng, Công nghiệp, Thương mại kiêm Giám đốc Ngân hàng Kazakhstan, sống lưu vong ở nước ngoài, tự nhận là “lãnh đạo của các cuộc biểu tình”. 

Thế giới đang quan tâm theo dõi tình hình biến động ở Kazakhstan trong khi đang diễn ra các cuộc đàm phán về an ninh Nga-Mỹ, hội nghị Nga-NATO, cuộc gặp Nga và một số nước châu Âu diễn ra từ ngày 9 đến 13/1. 

 HÀ NGỌC


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ