Bất đồng sâu sắc, chia rẽ nội bộ khối NATO
QPTĐ-Sau hơn 2 tháng tái nhậm chức Ông chủ Nhà Trắng (kể từ ngày 20/1), Tổng thống thứ 47 nước Mỹ D.Trump có nhiều động thái gây sốc với các phát ngôn mạnh mẽ cùng hàng loạt những quyết định bất ngờ về đối nội, đối ngoại, trong đó có chính sách thuế quan, chính sách nhập cư, mở rộng lãnh thổ, mối quan hệ với đồng minh châu Âu trong khối quân sự NATO.

Trung thành với tuyên ngôn vận động tranh cử: “Nước Mỹ trên hết!”, “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”, Ngài Tổng thống có thành phần xuất thân doanh nhân tỉ phú tiếp tục điều tiết nền kinh tế Liên bang bằng chính sách thuế quan, đánh thuế nhập khẩu cao với nhiều hàng hóa tràn vào Mỹ, bất kể đó là đối tác nào, quốc gia đồng minh hay nước không thân thiện.
Sau 1 ngày tại vị (21/1), Tổng thống D.Trump tuyên bố, sẽ áp thuế hàng hóa nhập từ Liên minh châu Âu (EU); tăng thêm 10% thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc (từ 6/3) và 25% nhôm, thép từ Canada, Mexico (từ 2/4). Từ ngày 2/4, áp mức thuế 25% đối với tất cả ô tô nhập khẩu; trong đó, năm 2023, những nước xuất khẩu số lượng lớn như Mexico, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada (từ 1,98 triệu-1,24 triệu xe, mỗi nước), Đức, Trung Quốc, Italy, Thụy Điển, Anh (từ 394.000-77.000 xe, mỗi nước). Năm 2024, Mỹ nhập khẩu 474 tỉ USD các sản phẩm liên quan đến ô tô.
Về đối ngoại, Tổng thống D.Trump tuyên bố, sẽ “chấm dứt xung đột tại Ukraine sau 24 giờ nhậm chức Tổng thống”. Ông D.Trump gây chấn động thế giới với tuyên bố, mở rộng biên giới Mỹ liên quan đến lãnh thổ các quốc gia: Canada, Panama, Đan Mạch. Và ai cũng biết, Tổng thống D.Trump không hề nói đùa.
Trong diễn văn nhậm chức (20/1), ông D.Trump cáo buộc Panama đã vi phạm những lời hứa về việc chuyển giao tuyến đường thủy chiến lược cho nước khác. “Chúng tôi đã trao kênh đào cho Panama và chúng tôi sẽ lấy lại nó”. Theo đó, kênh đào Panama được xây dựng năm 1914 dưới sự chỉ đạo của Mỹ. Năm 1999, Mỹ chuyển giao toàn quyền kiểm soát kênh đào cho Panama theo một hiệp ước giữa hai nước ký kết năm 1977. Đây là tuyến vận tải thủy quan trọng nối Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, 70% hàng hóa đi qua kênh này có nguồn gốc từ Mỹ hoặc đến Mỹ. Gần đây, Washington cho rằng, Panama đã bán cổ phần kênh đảo cho Trung Quốc. Đáp lại, Tổng thống Panama J.Mulino tuyên bố, “chúng tôi sẽ chống lại kế hoạch của ông D.Trump”.
Tại cuộc họp báo ở Bắc Carolina (24/1), ông D.Trump cho biết: “Nếu Canada trở thành bang thứ 51 của Mỹ, người dân sẽ được giảm thuế vì họ đang phải chịu mức thuế rất cao. Họ không phải lo lắng về quân sự hoặc nhiều vấn đề khác. Chúng ta đang mất 200 tỉ USD mỗi năm vào tay Canada”.
Canada là quốc gia Bắc Mỹ, nước láng giềng có chung đường biên giới với Hoa Kỳ; là thành viên Liên hiệp quốc, thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), thành viên Nhóm nước G-7 và G-20; có số dân hơn 40 triệu người, diện tích 9,985 triệu km2 (lớn thứ 2 thế giới, sau Nga), đường bờ biển dài nhất thế giới: 243.042 km. Canada giàu tài nguyên khoáng sản, có sức lao động lớn, là quốc gia phát triển ở châu Mỹ và thế giới. Tuyên bố của Tổng thống Mỹ đã gặp phải sự phản ứng mạnh mẽ của các nhà lãnh đạo Canada.
Trong phiên họp nội các (ngày 24/3), Tổng thống D.Trump lại một lần nữa cho hay: “Chúng ta cần Greeland vì an toàn và an ninh quốc tế. Đây là một hòn đảo mà từ vị thế phòng thủ, thậm chí là từ vị thế tấn công, là điều chúng ta cần, đặc biệt là với thế giới như hiện tại. Và chúng ta phải có nó. Chúng ta sẽ phải sở hữu nó”. Ông D.Trump không giấu giếm tham vọng, biến đảo Greenland thành một phần lãnh thổ Mỹ.
Đảo Greenland (vùng Bắc Cực thuộc Đan Mạch), được trao quyền tự trị năm 2009, bao gồm cả quyền tuyên bố độc lập. Hòn đảo có diện tích 2,2 triệu km2, 80% bề mặt đảo phủ băng tuyết quanh năm với 57.000 người bản địa Inuit, Bắc Cực. Đây là vùng đất giàu tài nguyên, có trữ lượng dầu mỏ, khí đốt khổng lồ, đa dạng khoáng sản như vàng, bạc, đồng, uranium.
Hiện, Mỹ có căn cứ không quân Pituffik ở phía Tây hòn đảo cùng một vị trí chiến lược quan trọng cho hệ thống cảnh báo sớm tên lửa đạn đạo. Đây cũng là tuyến đường biển Bắc Cực ngắn nhất từ châu Âu đến Bắc Mỹ chạy qua hòn đảo này. Tuy nhiên, quan chức Đan Mạch giận dữ cảnh báo, sẽ xảy ra chiến tranh nếu Mỹ sáp nhập Greenland vào lãnh thổ.
Một trong các ưu tiên của Chính phủ D.Trump là chương trình cải cách chính phủ, cắt giảm nhân viên, tiết kiệm cả nhiệm kỳ 4 năm đến 2.000 tỉ USD, cắt giảm mạnh chi tiêu ngân sách quốc phòng. Lầu Năm Góc chủ động cắt giảm 8% ngân sách mỗi năm, tương đương 290 tỉ USD, nhằm giảm tổng chi xuống 560 tỉ USD/năm vào 5 năm tới, trong khi dự chi ngân sách quân sự năm 2025 là 850 tỉ USD. Kế hoạch của Tổng thống D.Trump sẽ ảnh hưởng lớn đến nguồn bảo trợ cho NATO.
Hiện, Mỹ đóng góp 15,8% kinh phí vào tổng ngân sách khoảng 3,5 tỉ USD hoạt động hằng năm của NATO. Lầu Năm Góc đang triển khai 80.000-100.000 binh sĩ đồn trú trên khắp châu Âu với dàn vũ khí khủng, khí tài hiện đại. Đó là chưa kể đến 28.500 binh sĩ Mỹ đóng ở Hàn Quốc, 35.000 binh lính đóng ở Nhật Bản. Vì thế, Mỹ đang sắm vai “cảnh sát toàn cầu”, “chiếc ô an ninh” không thể thiếu đối với các đồng minh châu Âu và Hàn, Nhật.
Gần đây nhất (ngày 6/3), tại Phòng Bầu dục, Tổng thống D.Trump tuyên bố: “Nếu họ không trả tiền, tôi sẽ không bảo vệ họ”, khiến châu Âu sững sờ. Nhà Trắng không dưới một lần yêu cầu các thành viên NATO nâng mức chi ngân sách quốc phòng đạt 2% GDP/năm nhưng chỉ 2/3 số nước thực hiện. Theo kế hoạch hiện đại hóa quân đội những năm tới, mức chi sẽ tăng lên 3-5% GDP/năm, là một khó khăn không hề nhỏ. Tổng thống D.Trump tuyên bố, Mỹ có thể rút khỏi NATO và không thể đem tiền đóng thuế của người dân Mỹ để bảo đảm an ninh cho nước khác. Nhà Trắng đang xem xét kế hoạch cải tổ sâu rộng cấu trúc chỉ huy quân sự Mỹ, bao gồm cả việc nước này từ bỏ vai trò Tổng Tư lệnh Tối cao NATO-chức vụ mà Mỹ đảm nhiệm hơn 75 năm qua, từ khi thành lập khối (năm 1949).
Giữa tháng 3 vừa qua, hội nghị 34 Tham mưu trưởng NATO và EU cùng Nhật Bản, Australia nhóm họp tại Paris (không có Mỹ) bàn về khả năng thành lập Lực lượng gìn giữ hòa bình châu Âu, ủng hộ Ukraine. EC lên kế hoạch, dự lập một gói tài chính 800 tỉ euro (870 tỉ USD) hỗ trợ năng lực quốc phòng trong 4 năm tới, tuy nhiên, không được sự thống nhất giữa các quốc gia thành viên.
Châu Âu thực sự hoảng loạn nếu Mỹ chính thức rút khỏi NATO, bất chấp việc Anh, Pháp, Đức, Ba Lan lớn tiếng chứng tỏ vai trò đầu tàu Lục địa già, họ cũng khó có thể thay thế được vị trí hiện thời của Mỹ.
NHẬT MINH