A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mỹ nêu sáng kiến cắt giảm kho vũ khí hạt nhân?

 

QPTĐ-Hãng Sputnik đưa tin, Cố vấn An ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ R.OBrien cho biết: Mỹ có kế hoạch thỏa thuận với Nga và Trung Quốc về việc cắt giảm toàn bộ vũ khí hạt nhân. Ông R.OBiren không nói rõ, nội dung kế hoạch trên của Mỹ được triển khai như thế nào nhưng dư luận có quyền hy vọng về một sáng kiến mới trong tương lai, bất chấp mối quan hệ giữa Nhà Trắng với Điện Kremlin và Trung Nam Hải đang gia tăng căng thẳng. 
Cuối tháng 6 vừa qua, đàm phán về gia hạn Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược mới (START-3) cấp Thứ trưởng Ngoại giao giữa Nga và Mỹ diễn ra ở Thủ đô Vienna (Áo) không đạt kết quả. START được ký giữa Nga và Mỹ năm 2010 sẽ hết hiệu lực vào tháng 3/2021. Đây là hiệp ước về giới hạn vũ khí duy nhất còn có hiệu lực giữa Nga và Mỹ.

 

Dàn tên lửa chiến lược dòng Đông Phong của Trung Quốc có thể mang đầu đạn hạt nhân. (Ảnh: Internet)

 

Nga nêu quan điểm, tiếp tục gia hạn START-3 thêm 5 năm hoặc 3 năm mà không phải thông qua Quốc hội mỗi nước. Mỹ tuyên bố, cân nhắc việc gia hạn SATRT-3; đề xuất mở rộng phạm vi áp dụng của Hiệp ước sang một số loại vũ khí mới và đưa Trung Quốc tham gia Hiệp ước; đồng thời, không cấm triển khai tên lửa tầm trung, tầm ngắn ở châu Âu.  

Tổng thống Nga V.Putin đưa ra sáng kiến, cần có một Hiệp ước về kiểm soát vũ khí hạt nhân giữa 5 nước Thường trực Hội đồng Bảo an LHQ (Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc) cũng là 5 nước được phép sử dụng vũ khí hạt nhân theo Hiệp ước quốc tế đã ký năm 1968; Nga sẵn sàng đưa một số loại vũ khí hạt nhân mới, kể cả vũ khí siêu thanh ra thảo luận. Mỹ bị bất ngờ, tỏ ra e ngại việc ký kết START-3, trong thời điểm này, sẽ có lợi cho Nga và thật bất lợi, nếu Trung Quốc không bị ràng buộc về kiểm soát vũ khí hạt nhân. 

Cùng thời điểm này, tại Tokyo, một hội nghị quốc tế do Tổ chức người dân Nhật Bản phản đối bom nguyên tử và bom khinh khí nhóm họp (4/8); tiếp theo là Hội nghị thường niên của Hội đồng Nhật Bản chống bom nguyên tử và bom khinh khí (giữa tháng 8), vào dịp 75 năm trước, Mỹ thả 2 quả bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima và Nagasaki (8-1945) khiến nửa triệu người tử vong. Hơn bảy thập kỷ qua, thảm họa chiến tranh hạt nhân luôn là mối đe dọa loài người. 

Tuần qua (3/8), Thượng nghị sĩ Mỹ D.Feinstein gửi thư đến Tổng thống D.Trump kêu gọi Chính phủ Mỹ “ngay lập tức thông qua việc gia hạn Hiệp ước START mới” với Nga. Hiệp ước START-3 “có ý nghĩa quan trọng sống còn đối với việc kiểm soát vũ khí hạt nhân”. Nhóm Nghị sĩ Mỹ ủng hộ việc đưa Trung Quốc tham gia các cuộc đàm phán về kiểm soát vũ khí và vũ khí hạt nhân trong tương lai-Tờ New York Times trích dẫn bức thư của bà D.Feinstein nêu rõ. 

Theo báo cáo mới công bố của Viện SIPRI (trụ sở ở London), 9 cường quốc vũ khí hạt nhân gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Isreal, Triều Tiên sở hữu tổng cộng 13.400 đơn vị vũ khí hạt nhân (6/2020); trong đó, Nga và Mỹ sở hữu 90% số vũ khí hạt nhân toàn cầu. Năm 2019, có 465 đơn vị vũ khí bị cắt giảm, phần lớn được tháo dỡ do quá thời hạn sử dụng (Nga giảm 125 đầu đạn, Mỹ giảm 385). Nhưng con số 500 đầu đạn đã giảm này không thể bù lại con số hàng trăm đầu đạn mới được phát triển của Trung Quốc, Anh, Ấn Độ, Triều Tiên và Israel. 

Năm 2019, châu Âu bất an sau khi Mỹ, Nga hủy bỏ Hiệp ước Các tên lửa tầm trung (INF) ký năm 1987, cấm phát triển tên lửa tầm trung, tầm ngắn mặt đất tầm bắn từ 500-5.500 km. Hai bên đều cáo buộc lẫn nhau vi phạm INF. Sau đó, Mỹ tuyên bố rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở (OST) ký với 32 nước, trong đó có Mỹ, Nga, Canada và một số nước châu Âu. Việc Mỹ, Nga hủy bỏ một số hiệp ước kiểm soát vũ khí, phát triển tên lửa và vũ khí hạt nhân chiến lược khiến thế giới lâm vào nguy cơ mất kiểm soát, thiếu cơ chế bảo đảm an ninh, an toàn. 

Không dưới một lần, Mỹ quan ngại việc Trung Quốc không công khai chương trình phát triển tên lửa và vũ khí hạt nhân của nước này; trong khi, Nga-Mỹ bị ràng buộc bởi Hiệp ước INF và START thì Bắc Kinh tự do phát triển. Hiện, Trung Quốc sở hữu khoảng 300 vũ khí hạt nhân, tên lửa đạn đạo DF-41 của Trung Quốc có tầm bắn 15.000 km vươn đến tận lục địa Mỹ. 

Ấn Độ và Pakistan đang tăng dần quy mô và tính đa dạng của lực lượng hạt nhân; trong khi Triều Tiên đã thành công trong việc thử tên lửa tầm xa và thu nhỏ đầu đạn hạt nhân-một yếu tố trung tâm trong chiến lược an ninh quốc gia của Bình Nhưỡng. Israel cũng rất kín tiếng với chương trình phát triển tên lửa, vũ khí hạt nhân và vũ khí siêu thanh. 

Tháng 6 vừa qua, Điện Kremlin tuyên bố, Tổng thống V.Putin đã ký Sắc lệnh phê chuẩn các nguyên tắc cơ bản của chính sách răn đe hạt nhân quốc gia Liên bang. Đây là lần đầu tiên Nga công bố công khai văn bản dạng này, một sự minh bạch cần thiết hàm chứa nhiều thông điệp đối với các đối thủ tiềm tàng của Nga. Moskva muốn duy trì vai trò của vũ khí hạt nhân như một công cụ để giảm leo thang bằng cách duy trì tiềm năng răn đe thay vì sử dụng vũ khí hạt nhân. Bởi chỉ cần sử dụng một số lượng nhỏ kho vũ khí hạt nhân của Nga, Mỹ cũng đủ hủy diệt cả trái đất này. 

Phát biểu trên truyền hình Nga (14/6/), Tổng thống V.Putin nói: “Chúng ta đang phát triển hệ thống vũ khí mới và tự tin nói rằng, chúng ta là số 1 hiện nay. Đó là vũ khí siêu thanh (Avangard và Kinzhal). Từ năm 2018 đến nay, ngoài Nga, không có nước nào có loại vũ khí hiện đại như vậy. Tuy nhiên, các nước khác có thể sớm phát triển vũ khí siêu thanh”. Trước đó (12/2019), Bộ trưởng Quốc phòng Nga S.Shoigu cho biết: “Trung đoàn tên lửa Avangard mang thiết bị phóng siêu thanh Mach-27 đầu tiên chính thức đi vào trực chiến, có khả năng đánh bại mọi lá chắn tên lửa phòng vệ”. 

Đô đốc Hải quân Mỹ Ch.Richard (2/2020) thừa nhận, Mỹ đi chậm hơn Nga ít nhất 5 năm về vũ khí siêu thanh; hiện, hệ thống phòng thủ Mỹ chưa đủ sức đánh chặn tên lửa siêu thanh của Nga, Trung Quốc. Lầu Năm Góc kỳ vọng ở hợp đồng 4,442 triệu USD với Tập đoàn Lockheed Martin phát triển hệ thống phòng thủ đánh chặn siêu thanh Valkyrie và Công ty Raytheon xây dựng hệ thống phòng thủ siêu thanh SM-3 HAWK (4,445 triệu USD) sớm đối phó lại Nga, Trung Quốc.

LINH AN

 


Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ