A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tự hào truyền thống Thanh niên xung phong Việt Nam

QPTĐ-Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) Việt Nam đã tham gia đảm bảo giao thông thông suốt trong mọi tình huống, mở đường mới, tránh đánh trọng điểm, làm cầu kè, đường ngầm dã chiến; rà phá mìn nổ chậm; vận chuyển, tiếp tế lương thực cho bộ đội. Đồng thời, cùng với lực lượng vũ trang chiến đấu, phục vụ chiến đấu, góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Thời bình, các cựu TNXP luôn đoàn kết, hỗ trợ nhau trong cuộc sống với các hoạt động nghĩa tình đồng đội.

Anh dũng trong chiến đấu

Đoàn đại biểu TNXP Việt Nam dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ A1.

Những ngày này, chúng tôi có dịp được cùng ông Vũ Trọng Kim, đại biểu Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Trung ương Hội Cựu TNXP Việt Nam và cũng là cựu TNXP ôn lại truyền thống lịch sử TNXP Việt Nam. Trong câu chuyện, ông Vũ Trọng Kim nhắc lại các dấu mốc lịch sử của TNXP, trong đó, ông đặc biệt nhấn mạnh sự kiện tháng 12/1953, ngay khi kế hoạch mở Chiến dịch Điện Biên Phủ được thông qua, đội TNXP mang tên Đoàn XP được huy động với 18.200 TNXP, biên chế thành 40 đại đội tham gia chiến dịch.

Ông tâm sự: Nhằm đánh lạc hướng địch, một số đơn vị TNXP đã hành quân đi Việt Bắc, còn bộ phận của Đội 34 và 40 đã cùng bộ đội Công binh khai thông 80km đường Tuần Giáo – Điện Biên. Để phục vụ chiến dịch, ta mở đường 1B dài 140km nối thị xã Thái Nguyên với cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn. Đội TNXP 38 mở đường trong điều kiện địch đánh phá ác liệt, bằng phương pháp hoàn thành từng đoạn, đường 1B đã được nối liền, đúng thời điểm chiến dịch bắt đầu. Đường lên Tây Bắc phải qua 2 phà Chợ Bờ và Suối Rút, cách nhau 12km, địch đánh phá ác liệt, nhưng TNXP luôn dũng cảm bám cầu, bám đường, đảm bảo mạch máu giao thông thông suốt. Đội 34, 40 được giao nhiệm vụ phá thác ghềnh trên sông Đà, sông Mã, sông Nậm Na để vận tải bằng thuyền trên sông thuận lợi. 40 Đại đội của 2 Đội 34, 40 với 14.000 người được bố trí cài răng lược, rải đều trên các tuyến đường dài 300 đến 400km từ phà Tạ Khoa, Nghĩa Lộ qua Đèo Chẹn; từ Cò Nòi đến Pha Đin, Tuần Giáo vào Điện Biên Phủ.

Ông Kim kể tiếp: “Tại trọng điểm Ngã ba Cò Nòi (Sơn La), điểm giao giữa Đường 41 (Thanh Hóa, Hòa Bình lên) và Đường 13 (Yên Bái, Phú Thọ, Việt Bắc) tiếp tế sang, là nơi địch đánh phá ác liệt nhất, có ngày Pháp đã huy động 69 máy bay, ném trên 300 quả bom. Do đó, Cò Nòi được mệnh danh là chảo lửa, túi bom, cửa tử. Đội 34 và 40 đã bám trụ ngoan cường bảo đảm giao thông thông suốt, dưới những cơn mưa bom của địch, có hàng trăm TNXP đã hy sinh. Tại đây xuất hiện những TNXP phá bom nổ chậm nổi tiếng, thông minh, gan dạ như Cao Xuân Thọ, Trần Văn Cam, Nguyễn Tiến Thụ, Trịnh Văn Huyền (Bốn đồng chí này được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ngày 23/7/2014).

Đèo Pha Đin là một trong những trọng điểm đánh phá của địch. Năm 1954, suốt 48 ngày đêm ròng rã máy bay Pháp oanh tạc đường số 6. Đây là một trong những tuyến huyết mạch quan trọng tiếp vận vũ khí đạn dược và lương thực cho chiến dịch Điện Biên Phủ của quân ta đi qua đèo này. Tháng 4/1954 có 10 xe chở hàng ra mặt trận bị địch đánh phá. TNXP Việt Nam đã dũng cảm dập lửa, cứu hàng, cứu được cả đoàn xe an toàn. Hành động dũng cảm ấy đã được Bác Hồ tặng áo lụa và thưởng Huân chương.

Tự hào về vai trò của TNXP trong kháng chiến, ông Trọng Kim cho biết: Kết thúc chiến dịch, 16.000 TNXP đã sửa chữa, mở rộng 3.300km đường, phá hàng nghìn quả bom nổ chậm, đảm bảo giao thông 60 bến phà… Cùng với dân công, gùi thồ hàng trăm ngàn tấn gạo, lương thực, thực phẩm, thuốc men, nhu yếu phẩm phục vụ chiến dịch.

Hội cựu TNXP Việt Nam tổ chức gặp mặt, giao lưu mừng Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Ngày 7/5/1954, chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Ngày 8/5/1954, Bác Hồ gửi thư khen Bộ đội, TNXP, dân công và đồng bào Tây Bắc, trong đó có đoạn: “Quân ta đã giải phóng Điện Biên Phủ, Chính phủ thân ái gửi lời khen ngợi cán bộ, chiến sĩ, dân công, TNXP và đồng bào các địa phương đã làm tròn nhiệm vụ một cách vẻ vang”. Lực lượng TNXP đã được tặng 1 Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, 60 huân chương các loại cho các tập thể và cá nhân, 120 huy hiệu Bác Hồ. Ngày 31/3/1955 Đại hội Chiến sĩ thi đua lần thứ 2 Đoàn TNXP họp tại Hà Nội đã bầu được 20 chiến sĩ thi đua và cá nhân xuất sắc, được tặng 10 Huy hiệu của Bác, 15 Huân chương Kháng chiến các loại và nhiều danh hiệu cao quý khác. Năm 2010 Lực lượng TNXP tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ đã được Nhà nước phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Khi đánh giá về Lực lượng TNXP tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Tư lệnh tối cao Quân đội nhân dân Việt Nam đã cho rằng: “Trong chiến dịch Điện Biên Phủ nếu không có TNXP thì bộ đội sẽ gặp nhiều khó khăn, TNXP thực sự đem tinh thần xung phong của thanh niên trên chiến trường Điện Biên Phủ, cùng quân đội, dân công, đồng bào Tây Bắc, góp phần cống hiến xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc...”, “Tôi luôn coi TNXP như Bộ đội vì trong phẩm chất của TNXP có phẩm chất của Bộ đội Cụ Hồ”.

Nhiều hoạt động ý nghĩa hướng về Điện Biên

Khám bệnh, cấp thuốc cho nhân dân  huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên.

Nếu như trong thời chiến, TNXP Việt Nam luôn có mặt ở những nơi ác liệt nhất phục vụ chiến đấu, thì trong thời bình, họ cũng luôn là những người đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước. Các thế hệ cựu TNXP Việt Nam tích cực giúp nhau xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống, thắt chặt nghĩa tình đồng đội. Trung ương Hội Cựu TNXP Việt Nam phát động nhiều phong trào đáp ứng nguyện vọng của các hội viên, trong đó phải kể đến Phong trào “Cựu Thanh niên xung phong làm kinh tế giỏi - Vì nghĩa tình đồng đội”, qua đó góp phần thiết thực vào công tác xã hội và cải thiện đời sống gia đình hội viên.

Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), Trung ương Hội Cựu TNXP Việt Nam tổ chức chương trình “Cựu thanh niên xung phong về nguồn” với nhiều hoạt động ý nghĩa với hơn 200 đại biểu cựu TNXP ở 63 tỉnh, thành phố trong cả nước tham gia, do Chủ tịch Trung ương Hội Cựu TNXP Việt Nam Vũ Trọng Kim làm trưởng đoàn. Tại Điện Biên, Đoàn đã đến dâng hương tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Nghĩa trang liệt sĩ A1; Đền thờ liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ. Đặc biệt, trong khuôn khổ chương trình đã diễn ra buổi giao lưu chào mừng Chiến thắng Điện Biên Phủ. Tại đây, các đại biểu là cựu thanh niên xung phong, những nhân chứng lịch sử tham gia kháng chiến chống Pháp và Chiến dịch Điện Biên Phủ đã chia sẻ ký ức, kỷ niệm đặc biệt khi tham gia chiến dịch, góp sức làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ và xây dựng phát triển tỉnh Điện Biên… Những ngày ở Điện Biên, Trung ương Hội Cựu TNXP Việt Nam, Hội Cựu TNXP tỉnh Điện Biên, Trung ương Đoàn và Tỉnh đoàn Điện Biên phối hợp với Phòng khám chữa bệnh Chữ thập đỏ Đông Anh, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam và Phòng khám đa khoa YKAO Hà Nội tổ chức chương trình tặng quà, khám bệnh và cấp thuốc cho 700 người nghèo, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, người nhiễm chất độc da cam, gia đình chính sách, người có công trên địa bàn xã Thanh Nưa (huyện Điện Biên).

Hội Cựu TNXP Việt Nam tổ chức nhiều hoạt động hướng đến kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Cùng với đó, Trung ương Hội Cựu TNXP Việt Nam còn trao kinh phí hỗ trợ xây dựng 4 “Nhà tình nghĩa” trị giá 50 triệu đồng/nhà cho cựu TNXP tỉnh Điện Biên có hoàn cảnh khó khăn; 100 triệu đồng cho Hội Cựu TNXP tỉnh Điện Biên, 100 triệu đồng cho Quỹ Vì người nghèo của tỉnh; tặng 50 chăn ấm và 50 xe đạp cho hộ nghèo, hội viên Hội cựu TNXP và học sinh có hoàn cảnh khó khăn… Tổng kinh phí hỗ trợ trong hoạt động này khoảng 1,4 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa.

Theo đồng chí Chủ tịch Hội Cựu TNXP Việt Nam, thời gian tới, Hội tiếp tục chung tay với cấp ủy, chính quyền, Hội Cựu TNXP các tỉnh Việt Bắc tiếp tục phát huy phẩm chất, truyền thống cách mạnh của TNXP Việt Nam, củng cố xây dựng tổ chức Hội, nâng cao vị thế tổ chức trong các hoạt động của Hội; đẩy mạnh Phong trào “Nghĩa tình đồng đội, đền ơn đáp nghĩa”; chăm lo, hỗ trợ giúp đỡ đối với hội viên nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cả về tinh thần và vật chất, góp phần tích cực vào việc thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước. Cùng với đó, các hội viên phối hợp thực hiện tốt việc giáo dục truyền thống đối với thế hệ trẻ để kế thừa và phát huy bản lĩnh, tinh thần xung kích, sáng tạo, tình nguyện trong tham gia mọi nhiệm vụ của đất nước.

Hữu Thu


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ