A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

10 năm thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo trong Quân đội-Bài 2: Đổi mới toàn diện, liên kết đào tạo chặt chẽ

 

QPTĐ-Để có được “quả ngọt” sau 10 năm triển khai thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo trong Quân đội giai đoạn 2011-2020, cùng với tập trung chuẩn hóa trình độ đội ngũ cán bộ các cấp, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã lãnh đạo, chỉ đạo, đề ra các nhóm giải pháp đổi mới toàn diện công tác giáo dục và đào tạo. 

 

 

Giới thiệu sáng kiến bình chữa cháy phục vụ huấn luyện, giáo dục và đào tạo.

 

Đổi mới, hoàn thiện quy trình, chương trình, nội dung, tổ chức phương pháp dạy học, hằng năm căn cứ vào đối tượng, chỉ tiêu được giao và nhu cầu thực tế, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội lãnh đạo, chỉ đạo các nhà trường xây dựng kế hoạch chiêu sinh đào tạo, tổ chức biên chế lớp học phù hợp với đặc thù của từng trường. Từ thực tiễn công tác giảng dạy của các nhà trường và qua thực tế khảo sát chất lượng học viên sau khi tốt nghiệp về công tác tại cơ quan, đơn vị, hàng năm chỉ đạo các nhà trường nghiên cứu rà soát, điều chỉnh nội dung, đổi mới chương trình phù hợp với từng đối tượng theo phương châm đào tạo: “Cơ bản, hệ thống, thống nhất, chuyên sâu”, gắn với thực hiện đúng phương châm huấn luyện “Cơ bản, thiết thực, vững chắc” và thực hiện tốt “3 quan điểm, 8 nguyên tắc, 6 mối kết hợp” trong quá trình huấn luyện, giáo dục, đào tạo; tăng cường đổi mới phương pháp dạy học từ phương pháp dạy học truyền thống sang phương pháp dạy học tích cực, nhằm phát huy tính tự giác, chủ động, sáng tạo của người học.

 

 

Học viên lớp Tiểu đội trưởng Thông tin, Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội trong giờ huấn luyện.

 

Trong đổi mới phương pháp thi, kiểm tra, Bộ Tư lệnh đã chỉ đạo Đảng uỷ các nhà trường ra Nghị quyết chuyên đề về tăng cường lãnh đạo thực hiện “Chống tiêu cực và bệnh thành tích trong dạy học”; tích cực đổi mới phương pháp thi, kiểm tra, phúc tra, bảo đảm chất lượng giáo dục và đào tạo. Trong đó, triển khai cho trường Quân sự Bộ Tư lệnh xây dựng, quản lý ngân hàng đề thi tập trung; tổ chức kiểm tra, thi tốt nghiệp chặt chẽ, đúng quy chế. Trường Trung cấp Nghề số 10 (khi chưa giải thể) đã thường xuyên tổ chức tốt việc đào tạo tay nghề cho bộ đội sau xuất ngũ sát với nhu cầu sử dụng lao động của các đơn vị tuyển dụng trên từng khu vực, địa bàn.


Cùng với các giải pháp trên, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác nghiên cứu khoa học trong LLVT. Kết quả, đã triển khai nghiên cứu 3 đề tài, nhiệm vụ khoa học cấp Bộ Quốc phòng và cấp Thành phố; 46 đề tài cấp Bộ Tư lệnh và cấp cơ sở; tổ chức 10 hội thi, đợt xét, công nhận, khen thưởng sáng kiến trong Bộ Tư lệnh; đã biên soạn, sửa chữa, nâng cấp 126 giáo trình, tài liệu, sách chuyên khảo. Ngoài ra, đã thu thập được đầu sách, đề tài, luận án, tạp chí; cập nhật 54.000 trang tư liệu cơ sở dữ liệu toàn văn, 40 số thông tin khoa học quân sự; 230 chuyên đề bản tin tháng, 528 bản tin tuần phục vụ lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ nghiên cứu; đáp ứng kịp thời nhu cầu thông tin phục vụ nghiên cứu, dạy và học cho các đối tượng. Chuẩn hóa, hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, thao trường, bãi tập, trong 10 năm qua, bằng các nguồn ngân sách được đầu tư Bộ Tư lệnh đã chỉ đạo Trường Quân sự đưa vào xây dựng, củng cố, nâng cấp hệ thống giảng đường, phòng học, thao trường, bãi tập, mô hình, học cụ, đồ dùng huấn luyện, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.


 Đẩy mạnh, tăng cường liên kết đào tạo giữa các trường trong và ngoài Quân đội, Bộ Tư lệnh đã chỉ đạo Trường Quân sự phối hợp chặt chẽ với Trường Sĩ quan Lục quân 1 xây dựng kế hoạch, nội dung, chương trình đào tạo cho các đối tượng cao đẳng chỉ huy tham mưu lục quân, cao đẳng ngành quân sự cơ sở, liên thông từ trung cấp lên cao đẳng ngành quân sự cơ sở, liên thông từ cao đẳng lên đại học ngành quân sự cơ sở...Công tác tổ chức, quản lý, điều hành được tiến hành chặt chẽ từ khâu tiếp nhận, đào tạo, diễn tập, thực tập, thi tốt nghiệp.

 

Đặc biệt, thực hiện nhiệm vụ đào tạo Trung cấp chuyên nghiệp ngành quân sự cơ sở và cao đẳng ngành quân sự cơ sở, Bộ Tư lệnh đã chỉ đạo Trường Quân sự phối hợp với Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong xây dựng Chương trình Đào tạo Trung cấp lý luận chính trị-hành chính, học viên vừa đào tạo chương trình quân sự, vừa học tập chương trình lý luận chính trị-hành chính theo chương trình khung của Bộ Quốc phòng (từ năm 2011 đến nay, đã phối hợp đào tạo được 9 khóa đào tạo Trung cấp lý luận chính trị-hành chính với tổng số 1.201 học viên)… 


Với những giải pháp đồng bộ, quyết liệt, kết quả thực hiện các mục tiêu của Chiến lược phát triển giáo dục, đào tạo trong Quân đội giai đoạn 2011-2020, Đảng ủy Bộ Tư lệnh đã lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện tốt công tác đào tạo cán bộ cấp chiến lược, chiến dịch, gắn với công tác quy hoạch đội ngũ cán bộ chủ trì ở các cấp, tạo nguồn cấp chiến dịch, chiến lược đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đối với đào tạo cán bộ cấp chiến thuật, quân sự địa phương, trên cơ sở quy hoạch cán bộ chỉ huy, quản lý của các cơ quan, đơn vị, Bộ Tư lệnh chủ động tạo nguồn từ xa nhằm bảo đảm đủ tiêu chí, đúng đối tượng, tiêu chuẩn, tăng tỉ lệ nguồn cán bộ trẻ dưới 35 tuổi, đảm nhiệm được các chức vụ, cương vị theo đúng mục tiêu, yêu cầu đào tạo.

 

Bộ Tư lệnh đã đề nghị và cử đi đào tạo thạc sĩ 23 đồng chí, bác sỹ chuyên khoa 01 đồng chí; tuyển chọn, đưa đi đào tạo  và đào tạo 3.700 hạ sĩ quan chỉ huy, nhân viên chuyên môn kỹ thuật cho các cơ quan, đơn vị, đạt 100% chỉ tiêu. Ngoài ra, Bộ Tư lệnh đã cử đi đào tạo và đào tạo được gần 4.300 sĩ quan dự bị  các chuyên ngành theo chỉ tiêu hằng năm. Đặc biệt, Hội đồng Giáo dục Quốc phòng và An ninh các cấp đã chỉ đạo tổ chức bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho hơn 730 nghìn lượt người theo đúng chương trình, nội dung quy định.


Về phương hướng nâng cao chất lượng công tác giáo dục và đào tạo trong thời gian tới, Thiếu tướng Nguyễn Đăng Bảo, Phó cục trưởng Cục Nhà trường, Bộ Tổng Tham mưu đề nghị Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội tiếp tục quán triệt sâu sắc, tổ chức thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, tập trung phát triển giáo dục, đào tạo; lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới toàn diện công tác giáo dục, đào tạo và xây dựng nhà trường theo hướng chính quy, với phương châm “Cơ bản-hệ thống-thống nhất-chuyên sâu” gắn với thực hiện tốt phương châm huấn luyện “Cơ bản-thiết thực-vững chắc”; từng bước chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên có phẩm chất đạo đức, có trình độ, năng lực lãnh đạo, chỉ huy, quản lý tốt. Cùng với đó, đổi mới phương pháp dạy và học, phù hợp với đối tượng, mục tiêu đào tạo, kết hợp tốt công tác bảo đảm, nâng cao chất lượng công tác giáo dục, đào tạo trong tình hình mới. 


Mạnh Quang

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ