A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trường Sa trong trái tim người Hà Nội

 

QPTĐ-Với chúng tôi thì chuyến hải trình dài gần một tháng qua các đảo chìm, đảo nổi trên Quần đảo Trường Sa những ngày giáp Tết Nguyên đán là một trải nghiệm đầy ý nghĩa. Những cái tên Song Tử Tây, Sinh Tồn Đông, Đá Nam, Đá Thị, Nam Yết, Sơn Ca đã trở nên thân thuộc mỗi khi nhớ tới. Hành trình đó, chúng tôi được chứng kiến những câu chuyện cảm động về tình cảm máu thịt giữa đất liền với huyện đảo Trường Sa; quân dân đảo với Hà Nội, nhất là tình cảm của Đảng bộ, nhân dân Thủ đô dành tặng quân dân các đảo. 

Ngày Xuân trên xã đảo Song Tử Tây.

Vừa tròn một năm kể từ ngày chúng tôi được ra thăm Quần đảo Trường Sa dịp giáp Tết Nguyên đán Canh Tý. Tôi còn nhớ như in khoảnh khắc rời boong Tàu kiểm ngư KN-490 để đặt chân xuống các đảo phía Bắc. Đó là cảm giác vừa hồi hộp, vừa phấn chấn, tự hào. Cảm giác ấy càng được nhân lên khi chúng tôi rảo bước dưới những tán bàng vuông xanh mướt, ngắm nhìn nụ cười rạng ngời niềm tin của lính đảo, niềm vui của những người dân bên mẻ cá tươi rói cuối chiều và chơi đùa với lũ trẻ xinh xắn. Sáu điểm đảo: Song Tử Tây, Sinh Tồn Đông, Đá Nam, Đá Thị, Nam Yết, Sơn Ca mà chúng tôi vinh dự có mặt, mỗi nơi để lại một cảm xúc riêng. Điều đặc biệt khi đặt chân đến các đảo là nơi đâu chúng tôi cũng thấy những món quà, công trình mang đậm dấu ấn nghĩa tình của Thủ đô Hà Nội dành tặng quân dân trên đảo. 

Tôi còn nhớ, chiều muộn ngày đầu tiên chúng tôi đến xã đảo Song Tử Tây, tôi gặp chị Lê Thị Mỹ Thắm một người dân trên đảo. Qua câu chuyện với chị Thắm, được biết, gia đình chị đã sinh sống nhiều năm nay trên đảo. Những năm trước cuộc sống các gia đình trên đảo còn nhiều khó khăn. Song những năm gần đây, cuộc sống của gia đình cũng đỡ vất vả hơn nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của đất liền. Tôi hỏi chị Thắm về sự quan tâm của quân dân Thủ đô Hà Nội. Chưa đợi tôi dứt lời, chỉ tay về phía tòa nhà rộng rãi qua ô cửa sổ nhà chị, chị Thắm khoe: “Với Thủ đô Hà Nội nhân dân trên đảo hàm ơn nhiều lắm. Chú nhìn tòa nhà to đẹp kia không?, là thành phố Hà Nội xây tặng quân dân trên đảo đấy chú ạ. Từ ngày có Nhà Văn hóa đa năng, đời sống văn hóa nhân dân trên đảo được nâng lên rõ rệt”. Dừng lời chị nhìn tôi, chị hỏi: “Thế chú là người Thủ đô ra à?”. “Vâng chị”- tôi trả lời. Biết vậy, chị Thắm cắt lời tôi: “Ôi thế thì may quá! Dù nhận được sự quan tâm nhiều nhưng chưa bao giờ được gửi lời cảm ơn rộng rãi đến cấp ủy, chính quyền, quân và dân Thủ đô. Nhân đây, thay mặt nhân dân trên đảo nhờ chú viết hộ một bài báo trong đó nói rõ giúp là nhân dân nơi đây cảm ơn sự quan tâm sâu sắc của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thủ đô với xã đảo Song Tử Tây. Chúng tôi hứa sẽ vững tâm, bền chí, sát cánh cùng cán bộ, chiến sĩ xây dựng đảo ngày càng xanh, sạch, đẹp hơn, xứng đáng với sự quan tâm của Thủ đô Hà Nội dành cho chúng tôi”. 

Chị Thắm còn khoe, mỗi gia đình trên đảo Song Tử Tây đều nhận được những món quà thiết thực cho cuộc sống hàng ngày từ thành phố Hà Nội, riêng nhà chị được tặng chiếc ti vi 40 inch. Chia tay với chị Thắm, dừng chân trước cửa Nhà Văn hóa đa năng thành phố Hà Nội xây tặng, ngắm nhìn những đứa trẻ nô đùa trên nền sân được cứng hóa sạch sẽ, chúng tôi mới hiểu sâu sắc ý nghĩa của các công trình. Và càng thấy được hiệu quả thiết thực của các cuộc vận động Quỹ “Vì Trường Sa thân yêu” nay là Quỹ “Vì biển đảo Việt Nam” mà thành phố Hà Nội phát động   suốt nhiều năm qua. 

Cũng trong hành trình ấy, tôi vui mừng gặp được nhiều người con Thủ đô đang công tác tại các điểm đảo. Có người bắt đầu ra đảo, có người đã công tác cả chục năm. Những chàng trai Hà Thành không còn thư sinh, trắng trẻo mà ai nấy đều rắn rỏi, gương mặt thể hiện rõ sự dày dạn. Thế nhưng vẫn rất dễ nhận ra qua giọng nói và nét thanh lịch vốn có của người Thủ đô. Nhận xét về những chiến sĩ là người Thủ đô đang công tác tại Quần đảo Trường Sa, Thượng tá Phạm Duy Hướng, Phó Chính ủy Lữ đoàn 146, vùng 4 Hải quân cho biết: “Hằng năm, đơn vị đều được biên chế số lượng lớn cán bộ, chiến sĩ là người Thủ đô. Quá trình học tập, công tác tại đơn vị, cán bộ, chiến sĩ luôn có bản lĩnh chính trị vững vàng, có động cơ phấn đấu rõ ràng, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Trong công tác và sinh hoạt hằng ngày, các cán bộ, chiến sĩ người Thủ đô luôn hòa đồng, nêu cao tinh thần đoàn kết, giúp đỡ đồng chí, đồng đội và gắn kết với nhân dân trên đảo”. 

Như lời Thượng tá Phạm Duy Hướng, đi đến điểm đảo nào, khi hỏi về cán bộ, chiến sĩ người Hà Nội, đồng đội luôn dành cho các anh những lời có cánh. Chúng tôi gặp Trung úy QNCN Nguyễn Văn Thành, quê Kim Bài, Thanh Oai đang công tác tại đảo chìm Đá Thị. Thành đã có quá trình công tác 7 năm tại các đảo: Sơn Ca, Nam Yết, Song Tử Tây. Thành cho biết: “Sau khi học xong Cao đẳng Công nghiệp Hà Nội, tôi đã viết đơn tình nguyện nhập ngũ để được ra công tác tại Trường Sa. Ngay những ngày đầu được trực tiếp làm nhiệm vụ ở nơi tiền tiêu của Tổ quốc, tôi đã cảm thấy vinh dự. Những tháng ngày sau đó, được ngắm biển cả bao la, rộng lớn; được bảo vệ ngư dân an toàn trước sóng to, gió lớn; được ngắm nhìn những nụ cười hạnh phúc của những đứa trẻ bên cha mẹ, tôi thấy mình thật hạnh phúc. Có lẽ vì vậy mà tôi quyết định ở lại nơi này”. Khi được hỏi về chuyện gia đình, Thành cho biết: “Tôi còn trẻ, mới 28 tuổi, tôi muốn cống hiến mấy năm nữa rồi về xây dựng gia đình cũng chưa muộn”.

Cũng giống Trung úy CN Nguyễn Văn Thành, Binh nhất Nguyễn Ngọc Dương-một người con Hà Nội chúng tôi gặp tại đảo Nam Yết. Dương quê Mai Đình, Sóc Sơn. Sau những ngày gắn bó trên đảo, giờ đây khát khao duy nhất của Dương là được đơn vị phê duyệt giữ lại phục vụ lâu dài trong quân đội để tiếp tục được cống hiến cho lực lượng Hải quân. Dẫn chúng tôi đi thăm cây bàng vuông tự tay ươm và trồng, Dương bộc bạch: “Với mỗi người lính Hải quân được ra điểm đảo công tác là một vinh dự. Thời gian trôi nhanh thật, vừa hôm nào em cầm lá đơn tình nguyện xin được nhập ngũ phục vụ quân đội và mong muốn được ra Quần đảo Trường Sa để cống hiến sức trẻ, vậy mà đã hết thời gian tại ngũ”. Bắt tay thật chặt trước khi chia tay tôi về đơn vị, Dương khoe: “Đây là cây bàng em kỳ công mới ươm thành công. Mong rằng nó sẽ lớn và trở thành cây đại thụ để che chắn cho đảo”. Nhìn theo bóng lưng của Dương khuất xa dần trong rặng cây bàng vuông lớn, chúng tôi thêm tự hào về những người con của Hà Nội công tác tại Quần đảo Trường Sa, đang cống hiến xây dựng, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Thuận Nhân


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ