Tiếp nhận kỷ vật “Tình yêu qua chiến tranh”
QPTĐ-Sáng ngày 14-12, Câu lạc bộ “Tình yêu người lính”, phối hợp với Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức Hội nghị Giới thiệu cuốn nhật ký chiến trường “Lính chiến”; tiếp nhận kỷ vật “Tình yêu qua chiến tranh” và kỷ niệm 2 năm Câu lạc bộ “Trái tim người lính”.
Dự Hội nghị có Thượng tướng, Viện sĩ, Tiến sĩ Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Trung tướng Phùng Khắc Đăng, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng Cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Trung tướng Phí Quốc Tuấn, nguyên Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội...
Thời gian qua, Câu lạc bộ “Trái tim người lính” đã có nhiều hoạt động thiết thực, đã kết nối và chia sẻ, tôn vinh và tri ân góp phần tiếp lửa truyền thống chống ngoại xâm của những người lính nhiều thế hệ với tuổi trẻ hôm nay. Thông qua câu lạc bộ, nhiều hiện vật và hồi ký được trao tặng cho bảo tàng để hưởng ứng Cuộc vận động sưu tầm kỷ vật và thi viết với chủ đề “Tình yêu đi qua chiến tranh”, qua đó đã phát hiện thêm những câu chuyện hay, những mối tình đẹp, lãng mạn và cảm động trong các cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, chiến đấu bảo vệ lãnh thổ và chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã cùng chia sẻ cảm nhận của mình khi được đọc cuốn nhật ký chiến trường “Lính chiến” của Trung úy, cựu chiến binh Phạm Hữu Thậm, qua đó bày tỏ sự đồng cảm, ngưỡng mộ về những người lính chiến đấu tại chiến trường. Từng trang viết trong cuốn nhật ký đều phản ánh chân thực cuộc sống của những người lính chiến can trường, dũng cảm nhưng đầy lãng mạng. Dịp này, gia đình Đại úy, cựu chiến binh Nguyễn Đình Độ; gia đình cựu chiến binh Nguyễn Minh Vỹ đã trao tặng nhiều kỷ vật chiến tranh cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, như: Bộ quân phục, quân tư trang cá nhân đã theo các cựu chiến binh suốt năm tháng chiến trường ác liệt; những bức thư đã vượt qua mưa bom, bão đạn gửi về cho người yêu với những câu chuyện tình lãng mạng.
Theo đó, đại diện lãnh đạo Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam trao Giấy chứng nhận cho các gia đình đã gửi gắm niềm tin trao tặng kỷ vật chiến tranh của mình cho bảo tàng. Qua đó nhằm lưu giữ những giá trị tinh thần về một thời oanh liệt của các cựu chiến binh đã trải qua những năm tháng gian khổ, cống hiến tuổi thanh xuân và xương máu của mình cho Tổ quốc; giáo dục cho thế hệ trẻ hôm nay mà mai sau tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm của các thế hệ cha anh đi trước.
Trần Đông