A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương

 

QPTĐ-Trong những năm qua, phong trào cựu chiến binh (CCB) gương mẫu làm kinh tế giỏi trên địa bàn huyện Quốc Oai luôn được nhân rộng và lan tỏa những tấm gương điển hình tiên tiến. Trong đó, Cựu chiến binh Lê Đình Bình, thôn Việt Yên, xã Đông Yên là một trong những tấm gương sáng, từng bước vươn lên phát triển kinh tế nâng cao đời sống.

Cựu chiến binh Lê Đình Bình làm giàu từ mô hình nuôi gà H’mông.

Tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, sau đó, trở về địa phương, tuy sức khỏe có phần suy giảm do ảnh hưởng của chất độc hóa học, song CCB Lê Đình Bình vẫn không chùn bước trước hoàn cảnh, quyết tâm vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, được người dân địa phương khâm phục. Ông bỏ công sức, tiền bạc chủ động tìm hiểu, học hỏi các mô hình sản xuất kinh doanh, làm kinh tế ở nhiều địa phương khác nhau. Từ thực tế, ông nhận thấy, giống gà H’mông đang được Trung tâm Nghiên cứu sản xuất con giống thuộc Viện Chăn nuôi Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn nhân giống, bảo tồn giống gà quý hiếm này và có thể phát triển phù hợp với địa phương của mình. Đây là một giống gà của đồng bào dân tộc H’mông chủ yếu được nuôi ở các tỉnh vùng núi phía Bắc, có lượng mỡ ít, thịt ăn dai, chắc, ngọt, ngon, có nhiều chất đạm như: Axít amin, can xi, phốt pho, protein. Ngoài ra, thịt xương có thể hấp cách thủy với ngải cứu có tác dụng bồi bổ cơ thể, xương sấy khô tán thành bột dùng cho trẻ em thiếu can xi, chậm lớn, chậm biết đi. Ông liền bắt tay ngay vào công việc, tiến hành xây dựng chuồng trại và nuôi thử nghiệm 1.000 con, sau thời gian 5 tháng, lứa gà H’mông thương phẩm đầu tiên của ông cho kết quả khá khả quan. Trung bình mỗi con gà trưởng thành 8 tuần tuổi, nặng từ 0,8 đến 1kg; gà nuôi 5 tháng tuổi gà mái có trọng lượng từ 1,5 đến 1,8kg và bắt đầu đẻ trứng; gà trống có trọng lượng 2-2,5kg.

Ông chia sẻ: “Thời điểm đó, Đảng và Nhà nước ta đang có chủ trương đưa chăn nuôi thành ngành sản xuất chính trong sản xuất nông nghiệp, đó là điều kiện thuận lợi để tôi mở rộng quy mô sản xuất chăn nuôi, tuy nhiên tôi cũng gặp khó khăn về kinh nghiệm, vốn để đầu tư xây dựng chuồng trại, thức ăn, thuốc phòng bệnh cho gà”. Từ thực tiễn đó, trong đầu ông liền nảy ra ý tưởng tuyên truyền vận động các hộ gia đình trên địa bàn dân cư cùng lo vốn xây dựng chuồng trại, vốn mua thức ăn, công chăm sóc. Ông là người chịu trách nhiệm cung ứng con giống, tư vấn kỹ thuật chăn nuôi, cách phòng trừ bệnh tật cho gà, cuối cùng là bao tiêu sản phẩm theo một giá cố định. Ban đầu, nhiều hộ gia đình còn e dè chưa dám mạnh dạn đầu tư sản xuất nhưng bằng những việc làm cụ thể, ông cố gắng kiên trì, tự tìm tòi học hỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất, cơ sở chăn nuôi của ông ngày càng đạt hiệu quả kinh tế cao, đến nay, ông đã vận động được 27 hộ gia đình nuôi gà đặc sản, giống gà bản địa đen H’mông thương phẩm. Trong đó, 16 hộ gia đình là con em gia đình cựu chiến binh, 6 hộ là gia đình thương binh liệt sĩ, số còn lại là hội viên hội nông dân. Số lượng đàn gà thường xuyên trong chuỗi liên kết của ông thường xuyên có từ 20-25 nghìn con.

Khi đã thành công với việc chăn nuôi số lượng lớn, ông lại tiếp tục lặn lội, xuôi ngược từ các tỉnh phía Bắc tới các thành phố lớn, vào tận miền Trung để giới thiệu quảng bá sản phẩm, được các cơ sở tin dùng ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm; tham gia hội chợ giới thiệu sản phẩm do Hội Cựu chiến binh Thủ đô tổ chức...

Từ mô hình nuôi gà H’mông của ông đã tạo ra công ăn việc làm cho khoảng từ 50-70 lao động địa phương, với mức thu nhập từ 5-7 triệu đồng/người/tháng. Không chỉ dừng lại ở đó, năm 2015, ông còn vận động nhiều hộ gia đình trên địa bàn hai xã Đông Yên và Hòa Thạch có cùng chí hướng xây dựng Hợp tác xã chăn nuôi Yên Hòa Phú, do ông là Chủ tịch Hội đồng quản trị-Giám đốc Hợp tác xã, với 42 trang trại. Sản lượng trứng 2 triệu quả/ngày, giải quyết việc làm cho hơn 50 lao động chính tại địa phương.

Dù công việc bận rộn song ông vẫn tham gia Chủ nhiệm Câu lạc bộ cựu chiến binh, cựu quân nhân sản xuất kinh doanh giỏi của Hội CCB huyện Quốc Oai. Hội thu hút được 52 hội viên CCB của các tổ chức cơ sở hội, từ đó, nhằm trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ, giúp đỡ nhau trong lĩnh vực chăn nuôi sản xuất kinh doanh, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, CCB Lê Đình Bình còn đầu tư mua sắm trang thiết bị, phương tiện kĩ thuật, máy móc tham gia xây dựng các công trình tại địa phương. Hàng năm, gia đình ông dành dụm từ 100-200 triệu đồng để thực hiện công tác nghĩa tình đồng đội, giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, thiếu vốn sản xuất hay gặp hoạn nạn trong cuộc sống.

Những việc làm có sức lan tỏa của ông được các cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong xã ghi nhận, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế tại vùng quê nghèo Đông Yên. Năm 2018, CCB Lê Đình Bình được Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam cấp giấy chứng nhận hộ sản xuất kinh doanh giỏi, UBND thành phố Hà Nội vinh danh Người tốt, việc tốt Cựu chiến binh Thủ đô…

Trần Đức-Hải Yến
 


Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ