A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nông nghiệp Thủ đô hoàn thành chỉ tiêu năm 2020

 

QPTĐ-Năm 2020, dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thủ đô hiện vẫn cao hơn khá nhiều so với bình quân chung của cả nước. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, Hà Nội đang tập trung quyết liệt các giải pháp phục hồi, tăng tốc phát triển kinh tế, trong đó, nông nghiệp được Thành phố xác định là lĩnh vực quan trọng. 

Mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Hà Nội, năm 2020, sản xuất nông nghiệp đã chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 khiến thị trường tiêu thụ bị hạn chế, nguồn thực phẩm chế biến gặp khó khăn do giãn cách xã hội. Trong khi đó, bệnh dịch tả lợn châu Phi, dịch cúm gia cầm vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây lan, diễn biến bất thường của thời tiết. Nhưng vượt qua khó khăn, ngành nông nghiệp Thủ đô vẫn đạt mức tăng trưởng 4,2%-cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ một số ngành kinh tế; tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn Thành phố ước đạt 38.093 tỷ đồng, tăng 4,5% so với năm 2019, giá trị sản xuất bình quân/ha canh tác đạt 280 triệu đồng/ha.

 Thực tế cho thấy, từ tăng trưởng âm 1,17% trong quý I, nông nghiệp Thủ đô đã bứt phá tăng trưởng cả năm ước đạt 4,2% là do Thành phố đã có sự điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với từng vụ sản xuất. Đóng góp vào kết quả ấn tượng này là vụ lúa Xuân thắng lợi với năng suất đạt 60 tạ/ha, tăng 1,25 tạ so với năm 2019. Trong chăn nuôi, do chịu ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, nhưng việc tái đàn được thực hiện hiệu quả, toàn Thành phố đã có trên 1,4 triệu con lợn. Điều đó đã chứng minh hiệu quả của việc nhân rộng các mô hình chăn nuôi, ứng dụng công nghệ cao, chăn nuôi an toàn sinh học. Tiêu biểu cho mô hình này có HTX chăn nuôi Hoàng Long ở huyện Thanh Oai, được xây dựng khép kín trên 5ha với đầy đủ các hạng mục của chăn nuôi lợn khép kín. Ông Nguyễn Trọng Long-Giám đốc HTX cho biết: Khi đã làm tốt an toàn sinh học thì về cơ bản số lợn chúng tôi nuôi giữ được từ cuối năm 2019 và 2020 chúng tôi đã tăng được tổng đàn lên 25% và trong thời gian tới, chúng tôi sẽ còn tiếp tục tăng.

Sau nhiều năm kiên trì triển khai, đến nay, Hà Nội đã phát triển được 160 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong các nhóm lĩnh vực từ trồng trọt, chăn nuôi đến thủy hải sản, nhất là các mô hình trồng lúa chất lượng cao. Ngoài ra, Thành phố cũng xây dựng được 141 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật, thực vật.

Để nâng cao giá trị trong sản xuất nông nghiệp, Thành phố đã quy hoạch 9 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và hệ thống các khu kinh tế hỗ trợ tại khu vực ngoại thành. Hà Nội cũng đang phát huy vị thế Thủ đô của đất nước khi liên tiếp tổ chức các hoạt động kết nối tiêu thụ nông sản thực phẩm để hỗ trợ nông dân các tỉnh, thành phố sau ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, đáp ứng nhu cầu của người dân thị trường Thủ đô và hướng tới xuất khẩu. 

Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN và PTNT Hà Nội cho biết: Nông nghiệp vẫn là lĩnh vực chịu nhiều rủi ro, dễ bị tổn thương bởi yếu tố thời tiết, dịch bệnh… Do đó, cần phải tiếp tục làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là với gia súc, gia cầm, trọng tâm là dịch tả lợn châu Phi để đảm bảo tăng trưởng đàn lợn. Thứ hai là, làm tốt công tác dự tính, dự báo các loại sâu hại trên cây trồng để đảm bảo cho cây trồng phát triển; mở rộng các vùng sản xuất chuyên canh tập trung và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, chăn nuôi cho năng suất, chất lượng cao.

Phát huy những kết quả đã đạt được, năm 2021, mục tiêu hướng tới của nông nghiệp Thủ đô là sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ… Hà Nội dự kiến gieo trồng 232.000ha; đặt mục tiêu phát triển đàn bò 145.000 con, đàn lợn 1,8 triệu con, giữ ổn định đàn gia cầm với khoảng 40 triệu con; nuôi trồng thủy sản 24.000ha. Ngành nông nghiệp phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng từ 4,2% trở lên; thu nhập bình quân của nông dân đạt 58 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên khu vực nông thôn đạt trên 95%.

Hà Anh


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ