A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những người lặng thầm đi tìm đồng đội

QPTĐ-Trong các cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, đã có hàng vạn người con của Tổ quốc anh dũng hy sinh, trong số đó có không ít người còn đang nằm lại trên chiến trường xưa, để lại những day dứt khôn nguôi trong lòng người còn sống. Gần 15 năm qua, cựu chiến binh Hồ Đại Đồng cùng các đồng đội của mình vẫn miệt mài hành quân đến những nơi “rừng thiêng, nước độc” để tìm kiếm, cất bốc, đưa hài cốt các liệt sĩ về với đất mẹ yêu thương, góp phần xoa dịu đau thương, mất mát của gia đình liệt sĩ.

Cựu chiến binh Trung đoàn 209, Sư đoàn 312 ứng dụng công nghệ thông tin để tìm đồng đội.

Hành động từ trái tim

Năm nào cũng vậy, nhà ông Hồ Đại Đồng, Phó Ban liên lạc Trung đoàn 209, Sư đoàn 312, Quân đoàn 1 ở phường Liễu Giai, quận Ba Đình trở thành nơi gặp mặt, họp bàn của các cựu chiến binh về việc tìm đồng đội. Từng tham gia chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên, Quảng Trị trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cận kề sinh tử và biết bao lần rơi nước mắt, các ông đã quặn lòng khi chứng kiến đồng đội của mình ngã xuống. 

Câu chuyện bắt đầu từ năm 2008, khi những người lính năm xưa gặp nhau mới biết, nhiều đồng đội của mình hy sinh trên núi vẫn chưa được cất bốc, bởi không ai biết vị trí cụ thể ở đâu. Có gia đình liệt sỹ bị một số đối tượng lừa đảo, cất bốc hài cốt của người khác trở về. Đau nỗi đau mất đồng đội, giờ lại nhận tin thân nhân của họ bị lừa, lấy hài cốt của người khác, các cựu chiến binh Trung đoàn 209, Sư đoàn 312, Quân đoàn 1 quyết tâm trở lại chiến trường xưa để tìm đồng đội. 

Năm 2009, ông Hồ Đại Đồng cùng các đồng đội bắt đầu tự nguyện tham gia việc trợ giúp thân nhân liệt sỹ. Dù rất nóng lòng nhưng các ông không vội vàng mà liên hệ nhiều đơn vị để tìm kiếm các nguồn tin. Các ông kết nối với các cựu chiến binh cùng trong chiến đấu, vào các nghĩa trang địa phương, đi đến những vùng hy sinh ác liệt, ghi chép và lưu vào máy tính các trường hợp bộ đội hy sinh và chôn lấp chưa được biết. Ngoài ra, các ông cũng nhờ các bạn trẻ am hiểu ngoại ngữ, tìm thông tin từ những người lính bên kia chiến tuyến để hỗ trợ mình.

Quyết tâm trở lại chiến trường xưa

Mặc dù tuổi đã cao, công tác tìm kiếm hết sức khó khăn, nhưng các ông không hề nản lòng. Cựu chiến binh Hồ Đại Đồng năm nay đã ở tuổi 74, là thương binh hạng 3/4 sức khoẻ yếu, nhưng ông vẫn luôn đau đáu nỗi niềm về những đồng đội đã hy sinh trên chiến trường. Ông chia sẻ: “Quá trình tìm liệt sỹ khi có thông tin từ các nguồn tin rồi, không biết thì thôi, biết mà có sức, có thể đi được, có thể đến được mà không đi, không đến, không tìm thì lòng mình không yên”.

Do đó, sau mỗi lần có thông tin là cựu chiến binh Hồ Đại Đồng cùng các đồng đội của mình lại sắp xếp hành trang lên đường, quyết tâm tìm hài cốt liệt sỹ chưa được quy tập và tìm kiếm thân nhân cho những liệt sĩ đã được chôn cất tại nghĩa trang, lấy đó làm niềm vui cho những tháng ngày còn lại của cuộc đời mình. Kể cho chúng tôi nghe về những chuyến đi đầu tiên, ông cho biết, tuy đã chuẩn bị rất nhiều năm, với hành trang là tư liệu thu thập từ rất nhiều nguồn, trí nhớ và niềm tin gặp được đồng đội, song khi lên đường mới thấy gian nan, vất vả. Có những chuyến đi ngắn thì một tuần, dài thì gần 40 ngày và có khi đến hàng chục chuyến đi các ông mới tìm thấy đồng đội trở về. 

Với Thiếu tướng Lộ Khắc Tâm, nguyên Cục phó Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam, Trưởng ban liên lạc Sư đoàn 1 là một trong những thành viên trong nhóm tìm kiếm, thì mỗi chuyến đi là một kỷ niệm đáng nhớ và xúc động. Ở tuổi 80, đôi chân Thiếu tướng Lộ Khắc Tâm và đồng đội lại bước tiếp những bước chân trên đại ngàn Trường Sơn. Ăn cơm rừng, lội suối, trèo đèo, ngủ võng, đằm mình trong những cánh rừng…, những người lính già cùng chạy đua với thời gian, tìm những gì còn lại cho gia đình, quê hương đồng đội. “Ám ảnh nhất với tôi có lẽ là lần chứng kiến đồng đội hy sinh trong tư thế ngồi ôm cây súng trong hố bom. Tôi đã chỉ huy anh em chôn cất cậu ấy. Nhưng rồi hết trận đánh nọ đến trận đánh kia, anh em mình hy sinh nhiều quá. Cũng không thể nhớ nổi mình đã đặt đồng đội nằm tại đâu”-Thiếu tướng ngậm ngùi xúc động.

Hơn 100 hài cốt liệt sỹ được những người lính già tìm thấy cùng sự hỗ trợ của quân đội, chính quyền địa phương, trong đó có 5 liệt sỹ xác định được danh tính, còn lại phần lớn hài cốt trong các hố chôn tập thể.

Bằng kinh nghiệm thực tế tìm kiếm hài cốt liệt sỹ nhiều năm, các cựu chiến binh Ban Liên lạc Trung đoàn 209 đã tìm được phương pháp mới từ việc kết hợp nguồn tin từ Trích lục liệt sỹ của Cục Chính sách, Bộ Quốc phòng và báo cáo chiến trường của quân đội Mỹ, đồng thời sử dụng phương pháp chọn vật chuẩn theo thời gian, không gian để khử dung sai giữa toạ độ bản đồ quân sự và toạ độ thiết bị định vị GPS. Từ đó, đã giúp công tác tìm kiếm mang lại hiệu quả lớn. 

Đến nay, các ông cùng đồng đội đã tìm được nhiều hài cốt và di vật liệt sỹ để lại trên địa bàn khắp cả nước. Từng là người lính trải qua chiến tranh, hiểu và luôn trân trọng tình cảm thiêng liêng của đồng đội nên các ông luôn tâm niệm khi mình còn sức khoẻ thì  sẽ tiếp tục đưa các hài cốt liệt sỹ đồng đội trở về. Đó là niềm hạnh phúc lớn lao và cũng là sự tri ân của ông với các anh hùng liệt sĩ, với những đồng đội đã hi sinh.

Trần Đức-Phạm Luân

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ