A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nguyên vẹn ký ức của người cựu chiến binh năm xưa

 

QPTĐ-Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đã trở thành mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc. 46 năm đã trôi qua, nhưng ký ức của những ngày tháng chiến đấu gian khổ, hào hùng đó vẫn còn nguyên vẹn trong mỗi người lính vinh dự làm nên chiến thắng năm xưa này.

Cựu chiến binh Nguyễn Đức Hoạt kể lại những năm tháng hào hùng đánh Mỹ.

Chúng tôi có mặt tại nhà CCB Nguyễn Đức Hoạt, ở phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông đúng thời điểm những người lính của Sư đoàn 320 năm xưa đang cùng nhau trò chuyện, ổn lại những kỷ niệm của một thời cùng đội mưa bom bão đạn. Bên tách trà nóng, cùng những kỷ vật chiến trường xưa, những câu chuyện cứ thế ùa về.

Tháng 3/1967, khi vừa tròn 19 tuổi, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, thanh niên Nguyễn Đức Hoạt đã cùng với nhiều thanh niên của quê hương Mỹ Đức hăng hái lên đường nhập ngũ, đem trí tuệ và lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ cống hiến cho cách mạng. Sau khi nhập ngũ, ông được huấn luyện 6 tháng ở Hà Tây, sau đó vào Lạc Sơn, Hòa Bình. Ông được biên chế vào Tiểu đoàn Thông tin 18, sau được chuyển về Trung đoàn 52, Sư đoàn 320. Đơn vị được lệnh vào Nam chiến đấu. Đơn vị ông hành quân đúng 1 tháng thì vào đến vĩ tuyến 17 (sông Bến Hải). 

Đầu tháng 3/1968, Trung đoàn 52 được lệnh xuống hoạt động ở vùng đồng bằng, khu vực các xã giáp biển Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Ông Hoạt nhớ lại: Bộ đội và nhân dân ở đây đi lại, sinh hoạt đều theo giao thông hào và hầm hố sâu dưới lòng đất, phía trên mặt đất, bom đạn cày xới suốt ngày đêm. Cuộc sống sinh hoạt vô cùng khó khăn, vất vả. Anh em thì đang quen sống trong rừng, nay xuống hoạt động ở các xã giáp biển, thấy nó trống trải, cứ phơi mình dưới đồng bãi. Nên cùng với chuẩn bị hầm, hào, bộ đội được huấn luyện một số chiến thuật đánh địch ở đồng bằng, nhất là cách đánh và bố phòng trên cát và vượt sông. Trong thời gian này, Trung đoàn tham gia chiến đấu ở Cửa Việt. Đó cũng là lần đầu tiên tôi được xuất trận và cũng là lần đầu tiên Đại đội 5 và Đại đội 6 chúng tôi đã loại khỏi vòng chiến đấu gần 200 tiên địch và bắt sống 20 tên, bắn cháy 2 xe tăng… Kết thúc Mậu Thân 1968, tôi được kết nạp vào Đảng (4/1968). Đến tháng 4/1970 tôi được đi học ở Trường Sỹ quan Lục quân. Năm 1971 học xong, tôi lại tiếp tục về đơn vị (đi B). Anh em chúng tôi lúc đó có khẩu hiệu: “Đi sâu, đi lâu, đi đến thắng lợi hoàn toàn”, xác định theo Đảng đến cùng. 

Ông Hoạt cho biết thêm: Thời điểm Hiệp định Paris 1973 được ký kết, đơn vị tôi được phân công nhiệm vụ cắm cờ giữ đất ở huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai; làm nhiệm vụ trao trả tù binh ở Gia Lai. Sau khi Mỹ tự ý phá vỡ Hiệp định Paris, chúng tôi lại được lệnh tiếp tục chiến đấu.

Ngày 24/4/1975, sau khi đánh thắng trận Cheo Reo-Phú Bổn, đơn vị được lệnh hành quân về Buôn Mê Thuột, vào Lộc Ninh, sang Chơn Thành, vượt sông Sài Gòn để sang đất Củ Chi, tập kết tham gia đánh Căn cứ Đồng Dù (29/4). Lúc đó, ông Hoạt là cán bộ thuộc phòng Chính trị nên đơn vị làm nhiệm vụ quân quản, không trực tiếp chiến đấu. Khi các đơn vị đánh thắng trận Đồng Dù, đơn vị ông làm nhiệm vụ tập trung dân lại, xem còn ai là người theo địch thì bắt ra trình diện (vì thời điểm đó, địch chạy ra dân rất nhiều). Đơn vị ở đây thêm 1 ngày, nên không hề biết là Sài Gòn đã giải phóng.

Ông Hoạt nhớ lại: Đến 2 giờ chiều ngày 30/4, chúng tôi mới nhận được tin giải phóng Sài Gòn. Đơn vị được lệnh chuẩn bị xe và vật chất tiến vào hướng Sài Gòn (từ Củ Chi về Sài Gòn lúc đó khoảng 28km). 5 giờ chiều ngày 30/4, đơn vị tôi xuất phát từ Củ Chi, đi ra đến xã Tân Phú Trung thì xe bị thủng két nước. Anh em phải vào nhà dân xin xà phòng để trát vào lỗ thủng của két nước. Dân phấn khởi và quý bộ đội lắm, họ ra chào đón và mang nhiều đồ mời bộ đội. Chúng tôi tiếp tục đi qua Hóc Môn, vào đến ngã tư Bảy Hiền (giờ là đường Cách mạng Tháng Tám), đến đây thì không biết đường để đến Dinh Độc Lập nữa nên anh em được lệnh quay ra, về đóng quân ở gần sân bay Tân Sơn Nhất (lúc đó là khoảng 1-2 giờ sáng ngày 30/4). Chờ đến sáng 1/5 thì đơn vị tiếp tục quay vào Sài Gòn, toàn đơn vị tập kết ở Trường Trung học Lê Quý Đôn (gần Dinh Độc Lập). Không khí lúc đó rất náo nhiệt, dân tràn ra đường đông lắm, các đơn vị bộ đội của ta từ các hướng cũng đổ về Sài Gòn rất đông. Anh em chúng tôi thì sướng vô cùng, vui sướng vì đã giải phóng được Sài Gòn, những cũng vẫn lo nhỡ còn tên địch nào đâu đó, nó nã đạn vào dân thì sao. Nên là vừa mừng vừa lo, đan xen cảm xúc... Đơn vị tôi ở đó 1 tuần để làm nhiệm vụ bảo vệ. Sau đó được lệnh rút quân về Củ Chi, ở đó hơn 1 năm thì chuyển ra Nha Trang. Đến năm 1976, đơn vị được giải trừ quân bị (số chiến sĩ thì được giải ngũ về, còn cán bộ thì được chuyển ngành). Tháng 10/1976, tôi chuyển ngành về Công ty ăn uống tỉnh Hà Tây. Làm đến 1991 thì tôi nghỉ hưu.

46 năm đã đi qua kể từ chiến thắng mùa Xuân năm 1975, những người lính như ông Hoạt trở về quê hương tiếp tục phát huy tinh thần “thép” của người lính Cụ Hồ trong phát triển kinh tế gia đình, tích cực tham gia công tác xã hội ở địa phương và không quên kể về quá khứ hào hùng cho con cháu nghe. Bác Hoạt có 12 năm làm Chi hội trưởng CCB tổ dân phố 8, phường Nguyễn Trãi (2008-2020). Với họ, những ngày tháng lịch sử làm nên đại thắng 30/4/1975 sẽ mãi là hồi ức không thể nào quên, là niềm tự hào không chỉ của thế hệ những người cầm súng chiến đấu, mà còn là niềm tự hào của cả dân tộc Việt Nam.

Hà Anh-Văn Thể


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ