A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chăm lo toàn diện cho đối tượng chính sách, người có công

QPTĐ-Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) ra đời chưa được bao lâu thì thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta một lần nữa. Với tinh thần “... thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, quân và dân ta đã anh dũng chiến đấu chống lại quân xâm lược. Trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhiều đồng bào, chiến sĩ đã ngã xuống, hy sinh một phần xương máu trên các chiến trường. Với truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa”, Đảng, Chính phủ, Bác Hồ và nhân dân ta đã dành tất cả tình thương yêu cho các chiến sĩ và đồng bào đã vì độc lập, tự do của Tổ quốc mà bị thương hoặc hy sinh.

Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội phối hợp với các bệnh viện Quân đội và Sở Y tế Hà Nội 

tổ chức 62 điểm khám bệnh, cấp thuốc cho các đối tượng chính sách trên địa bàn.

Ngày 16/2/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 20/SL, quy định chế độ hưu bổng, thương tật và tiền tuất tử sĩ. Đây là văn bản pháp quy đầu tiên khẳng định vị trí quan trọng của công tác thương binh, liệt sỹ đối với cuộc kháng chiến và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đến thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sỹ. Tháng 6-1947, đại biểu của Tổng bộ Việt Minh, Trung ương Hội phụ nữ Cứu quốc, Trung ương Đoàn thanh niên Cứu quốc, Cục Chính trị Quân đội quốc gia Việt Nam, Nha Thông tin Tuyên truyền và một số địa phương đã họp tại Đại Từ (Bắc Thái) để bàn về công tác thương binh, liệt sỹ và thực hiện Chỉ thị của Hồ Chủ tịch chọn một ngày nào đó làm ngày Thương binh-Liệt sỹ

Tại cuộc họp này các đại biểu đã nhất trí chọn ngày 27 tháng 7 là ngày “Thương binh toàn quốc”. Từ đó hàng năm cứ vào dịp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều gửi thư, quà thăm hỏi, động viên, nhắc nhở mọi người phải biết ơn và hết lòng giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sỹ. Đặc biệt, từ sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh càng quan tâm hơn đến công tác thương binh, liệt sỹ.

Tháng 7 năm 1955, Đảng và Nhà nước ta quyết định đổi “Ngày Thương binh toàn quốc” thành “Ngày Thương binh, Liệt sỹ” để ghi nhận những hy sinh lớn lao của đồng bào, chiến sĩ cả nước cho chiến thắng vẻ vang của toàn dân tộc. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, theo Chỉ thị 223 ngày 8/7/1975 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, từ năm 1975, ngày 27 tháng 7 hằng năm chính thức trở thành “Ngày Thương binh, Liệt sỹ” của cả nước. Mỗi năm cứ đến ngày này, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân lại tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, đầy tình nghĩa chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng.

Đối với thành phố Hà Nội, trải qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, trên địa bàn có hơn 800 nghìn đối tượng chính sách, người có công với cách mạng (chiếm 10% đối tượng người có công trong cả nước). Toàn Thành phố có 3.985 cán bộ lão thành cách mạng, 3.784 cán bộ tiền khởi nghĩa, 6.586 Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng (hiện nay có 68 Mẹ còn sống), 13.693 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, 86.056 liệt sĩ; 27.482 thương binh, 10.808 bệnh binh còn sống; trên 60.000 cán bộ quân đội nghỉ hưu hiện đang sinh sống (chiếm ¼ cán bộ Quân đội nghỉ hưu của cả nước), trong đó, có 680 cán bộ cấp tướng, gần 15.000 cán bộ cấp Đại tá và Thượng tá. Với đặc điểm số lượng đối tượng chính sách trên địa bàn đông, những năm qua, công tác chính sách đối với quân đội và hậu phương quân đội luôn được Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đẩy mạnh thực hiện bằng nhiều hoạt động thiết thực, góp phần xây dựng “thế trận lòng dân vững chắc”, coi đây là một biện pháp quan trọng để xây dựng LLVT Thủ đô vững mạnh toàn diện.

Kết quả nổi bật, chỉ tính riêng năm 2023, Bộ Tư lệnh đã phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu với UBND Thành phố tổ chức thăm hỏi, tặng gần 1,1 triệu suất quà đối với đối tượng người có công, gia đình chính sách trên địa bàn với số tiền hơn 552 tỷ đồng; tặng quà gia đình các quân nhân đang công tác tại quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1 và biên giới (nơi có phụ cấp đặc biệt 100%) đang cư trú trên địa bàn Thủ đô; tặng quà quân nhân tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (Đội Công binh số 2) với tổng số tiền 143 triệu đồng. 

Cùng với đó, Bộ Tư lệnh tổ chức thăm, tặng quà, chúc Tết Trung tâm nuôi dưỡng các cháu nhiễm chất độc da cam Trung ương (Vân Canh, Hoài Đức); Trung tâm điều dưỡng Thương binh Kim Bảng, Hà Nam và Trung tâm điều dưỡng Thương binh Thuận Thành, Bắc Ninh; tổ chức Chương trình “Xuân chung tay đoàn kết -Tết thắm tình quân dân” tại xã Phú Sơn, huyện Ba Vì, tặng 670 suất quà, mỗi suất trị giá 500 nghìn đồng, tặng quà bằng tiền mặt cho 391 đối tượng chính sách; tặng bò giống cho 10 gia đình; hỗ trợ kinh phí xây dựng 5 nhà Đại đoàn kết (trị giá 250.000.000 đồng). Đặc biệt, Bộ Tư lệnh phối hợp với các bệnh viện quân đội trên địa bàn và Sở Y tế Thành phố tổ chức 62 điểm khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc cho gần 12 nghìn đối tượng chính sách thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã với tổng số tiền gần 2,5 tỷ đồng…

Phát huy kết quả đạt được, 6 tháng đầu năm 2024, công tác chính sách đối với quân đội và hậu phương quân đội tiếp tục được Bộ Tư lệnh đẩy mạnh tổ chức thực hiện và đạt được nhiều kết quả thiết thực. Bộ Tư lệnh đã tổ chức Đoàn cán bộ đi thăm, trao đổi kinh nghiệm công tác quân sự, quốc phòng tại Bộ CHQS tỉnh Điện Biên và tỉnh Sơn La nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954-07/5/2024); phối hợp với Kiểm toán Nhà nước tổ chức tặng nhà tình nghĩa, nhà đồng đội, nhà đại đoàn kết, tặng quà các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh Điện Biên và tỉnh Sơn La (tổng trị giá 710 triệu đồng). Cùng với đó, tiếp nhận, giải quyết 765 hồ sơ trợ cấp một lần theo các Quyết định 62, 142, 49 của Thủ tướng Chính phủ với số tiền gần 2,6 tỷ đồng. 

Phối hợp Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thành phố rà soát giải quyết chế độ chính sách đối với thân nhân liệt sĩ trước đây đang hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sĩ và quà nhân dịp lễ, tết nhưng đã dừng chi trả. Đến nay, đã tiếp nhận 28 hồ sơ, trong đó, báo cáo đề nghị Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị giải quyết được 15 hồ sơ, 13 hồ sơ đang bổ sung hoàn thiện. Đặc biệt, Bộ Tư lệnh tích cực phối hợp với Hội Cựu chiến binh, Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam và các tổ chức hoàn thiện hồ sơ, kết luận địa bàn, tìm kiếm, quy tập, cất bốc hài cốt liệt sĩ. Đồng thời, tham mưu với Thành ủy Hà Nội tổ chức Đoàn công tác Thành phố thăm, động viên, tặng quà quân, dân các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa, Nhà giàn DK-I…

Với tinh thần, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”, những năm tới, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội tiếp tục dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác chính sách hậu phương Quân đội, chăm lo chu đáo đời sống vật chất và tinh thần cho các đối tượng chính sách và gia đình quân nhân, tạo nên sức mạnh tổng hợp, xây dựng LLVT Thủ đô vững mạnh, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

ĐỨC TRỌNG

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ