A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thành phố Hà Nội

Chăm lo thiết thực đến gia đình chính sách, người có công với cách mạng

QPTĐ-Là địa phương có số lượng đối tượng chính sách, người có công cao nhất cả nước. Thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hà Nội luôn quan tâm, chăm lo đối tượng chính sách, người có công với cách mạng. Bên cạnh việc thực hiện tốt các chính sách của Trung ương, Thành phố đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách phù hợp tình hình thực tiễn ở Thủ đô để nâng lên một mức đáng kể so với mặt bằng chung, khẳng định sự quan tâm đặc biệt của Thành phố đối với công tác tri ân, uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa.

Thiết thực những hoạt động tri ân

Có mặt tại phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy chúng tôi được chứng kiến những hoạt động tri ân rất thiết thực, hiệu quả của của Bệnh viện Quân y 354 (Tổng Cục Hậu cần) phối hợp với Ban CHQS quận tổ chức khám bệnh, tư vấn sức khỏe và cấp thuốc cho các đối tượng chính sách. Ông Ngô Quý Ba, ở phường Trung Hòa, thương binh hạng ¾ tâm sự: “Tôi thấy rằng, đây chính là thể hiện sự quan tâm, sự chăm lo rất chu đáo của các cấp lãnh đạo, các ban, ngành, đoàn thể từ quận đến phường và các đơn vị quân đội. Qua đó, phần nào động viên những thương binh như tôi vượt qua những khó khăn do di chứng chiến tranh để lại, tiếp tục có những đóng góp sức lực, trí tuệ, trở thành những tấm gương sáng trong lao động, sản xuất, học tập, gương mẫu chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước và sự chỉ đạo của địa phương”.

Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội phối hợp với các Bệnh viện Quân Dân y khám bệnh, cấp thuốc cho đối tượng chính sách trên địa bàn.

Đại tá Nguyễn Ngọc Du, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bệnh viện Quân y 354 cho biết: Thực hiện Chương trình “Tri ân tháng 7” năm 2023, Bệnh viện phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội và chính quyền 4 phường: Trung Hòa (quận Cầu Giấy); Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm) và Vĩnh Phúc, Cống Vị (quận Ba Đình) tổ chức khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc cho tổng số hơn 900 đối tượng chính sách. Ngoài ra, chúng tôi còn đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân viên, chiến sĩ, người lao động tham gia ủng hộ Chương trình nhắn tin “Tri ân liệt sĩ”, ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” với số tiền hàng chục triệu đồng.

Được biết, ngay từ cuối tháng 5, các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động khám bệnh, cấp thuốc, tặng quà gia đình chính sách. Hiện nay, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đang phối hợp với các bệnh viện quân đội, bệnh viện thuộc Sở Y tế Hà Nội tổ chức khám bệnh, tư vấn, cấp thuốc miễn phí cho đối tượng chính sách... Thượng tá Nguyễn Công Hải, Trưởng phòng Chính sách Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội cho biết: “Đợt này, chúng tôi sẽ tổ chức khám bệnh, tư vấn, cấp thuốc tại 62 điểm thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Tính đến nay, tổng số đối tượng khám 7.883 người. Trị giá số thuốc cấp tính bằng tiền là 1.568.260.000đ. Hoạt động này sẽ hoàn thành trước ngày 27-7”.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến trao quà tặng Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công số 2 Hà Nội.

Cùng với đó, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã chỉ đạo Ban CHQS các quận, huyện, thị xã tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai thực hiện Nghị định 131 của Chính phủ về thực hiện chế độ chính sách người có công đến xã, phường, thị trấn để giải quyết chế độ thương binh, liệt sĩ tồn đọng; xét duyệt hồ sơ trình thủ trưởng Bộ Tư lệnh ra quyết định thụ hưởng cho 522 đối tượng theo các quyết định: 49, 62, 142, 290. Bộ Tư lệnh còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chính sách đối với người có công với cách mạng; kết quả hoạt động "Đền ơn đáp nghĩa" của Thành phố và lực lượng vũ trang Thủ đô. Đồng thời, chỉ đạo tuổi trẻ các đơn vị phối hợp với Đoàn Thanh niên nơi đóng quân thực hiện các hoạt động vệ sinh, cải tạo khuôn viên nghĩa trang liệt sĩ, chuẩn bị chương trình thắp nến tri ân…

Nhiều chính sách đặc thù ưu đãi người có công

Đoàn đại biểu thành phố Hà Nội thắp hương phần mộ các liệt sĩ tại Nghĩa trang Trường Sơn.

Theo  báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm, Thành phố đã tiếp nhận và giải quyết trên 11.205 hồ sơ hưởng chế độ ưu đãi đối với người có công và thân nhân người có công với kinh phí khoảng 42 tỷ đồng. Thực hiện chế độ điều dưỡng tập trung đối với 5.691 lượt đối tượng, kinh phí trên 22,2 tỷ đồng. Tổng số kinh phí cho công tác ưu đãi người có công của Thành phố 1.061 tỷ đồng. Điều đặc biệt là từ năm nay người có công và thân nhân liệt sĩ được thụ hưởng chính sách đặc thù riêng có của thành phố Hà Nội được quy định tại Nghị quyết số 24/2022/NQ-HĐND ngày 8/12/2022 của HĐND Thành phố. Đó là, theo quy định của Trung ương tổ chức luân phiên 2 năm 1 lần đi điều dưỡng cho các đối tượng người có công và thân nhân liệt sĩ; thì từ năm 2023, thành phố Hà Nội bố trí kinh phí để người có công và thân nhân liệt sĩ được đi điều dưỡng mỗi năm 1 lần. Ngoài ra, đối tượng đi điều dưỡng được nhận hỗ trợ tiền khám sức khỏe 1.000.000 đồng/người/năm.

 

Nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, toàn Thành phố đã tặng 324.405 suất quà cho các đối tượng thuộc lĩnh vực người có công với kinh phí trên 264,7 tỷ đồng. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cho biết: Hướng tới kỉ niệm 76 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ, thành phố Hà Nội đặt mục tiêu sẽ vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa tặng 1.254 sổ tiết kiệm tình nghĩa; tu sửa, nâng cấp 53 công trình ghi công liệt sĩ; hỗ trợ tu sửa, nâng cấp nhà ở đối với 143 hộ gia đình người có công. Cùng với đó, Thành phố sẽ trao hơn 121 nghìn suất quà tới các đối tượng người có công và thân nhân với tổng kinh phí gần 193 tỷ đồng (từ nguồn ngân sách Thành phố). Hiện nay, các địa phương đang khẩn trương thực hiện rà soát, lập danh sách các trường hợp thụ hưởng theo quy định để thực hiện chi trả, đảm bảo kịp thời, chu đáo.

Tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Thành cổ Quảng Trị.

Cùng với triển khai nhiều hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, Thành phố còn tổ chức các Đoàn cán bộ đi dâng hương tại các nghĩa trang liệt sĩ Thành phố, một số địa danh di tích lịch sử cách mạng, nghĩa trang liệt sĩ quốc gia có nhiều phần mộ liệt sĩ Hà Nội tại các tỉnh: Hà Giang, Điện Biên, Tây Ninh, Kon Tum, Côn Đảo, Phú Quốc, Quảng Trị... Đây đều là nơi có nhiều liệt sĩ là những người con của Thủ đô Hà Nội, là một hoạt động có ý nghĩa thiết thực, thể hiện truyền thống tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn”, bày tỏ tấm lòng của Đảng bộ và nhân dân Thủ đô tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh xương máu cho độc lập, tự do của Tổ quốc.

Hữu Thu

 

 

 

 

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ