Nông thôn Đông Anh khởi sắc
Sau 6 năm thực hiện Chương trình 02 của Thành uỷ Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nông dân”, bộ mặt nông thôn ở huyện Đông Anh có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao.
Nông dân Đông Anh trồng quất cảnh cho thu nhập cao.
Những ngày cuối năm, trong tiết trời se lạnh của mùa Đông, chúng tôi về xã Tiên Dương, huyện Đông Anh tham quan khu sản xuất rau an toàn của địa phương. Trên cánh đồng rộng lớn được quy hoạch khoa học là bắp cải, su hào căng tròn, xanh mơn mởn đang thì thu hoạch. Chị Nguyễn Thị Lý, người có thâm niên trồng rau nhiều năm phấn khởi cho biết: “Trước đây, khi chưa có chương trình xây dựng nông thôn mới, ruộng tuy nhiều song sản xuất manh mún, hiệu quả kinh tế đạt được không cao. Từ năm 2011 đến nay, theo chủ trương của xã, gia đình đã chuyển đổi cả 7 sào đất trồng lúa sang trồng rau an toàn đáp ứng tiêu chuẩn của VietGAP. Nhờ vậy, sản phẩm làm ra có thương lái về thu mua tận nơi, góp phần tăng thu nhập để chúng tôi ổn định cuộc sống”.
Rời cánh đồng xanh, theo con đường đổ bê tông rộng rãi, phong quang, chúng tôi dạo qua các thôn của xã Tiên Dương, đâu đâu cũng thấy những ngôi nhà cao tầng được xây dựng san sát. Đó chính là minh chứng rõ nhất cho thấy cuộc sống của người dân nơi đây đang “thay da đổi thịt” từng ngày. Được biết, từ năm 2011 đến nay, cùng với phát triển vùng sản xuất rau an toàn tại Tiên Dương, huyện còn quy hoạch ở các xã Nam Hồng, Bắc Hồng, Nguyên Khê, Cổ Loa, Vân Nội. Đồng thời, mở rộng nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao như: Trồng chuối tiêu hồng tại xã Kim Chung, Việt Hùng, Xuân Canh; hoa đào tại xã Hải Bối, Uy Nỗ; quất cảnh tại xã Trung Oai, Tàm Xá và nếp cái hoa vàng ở xã Thụy Lâm. Những mô hình được nhân rộng đó đã tạo ra thu nhập đáng kể cho người nông dân, là một trong những tiêu chí góp phần giúp huyện Đông Anh được Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 vào tháng 10/2016.
Đồng chí Nguyễn Văn Quang, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Đông Anh cho biết: Trong xây dựng nông thôn mới, công tác tuyên truyền phải đặt lên hàng đầu và phải làm thường xuyên, liên tục để mọi người, mọi nhà đều hiểu, coi đây không chỉ là việc của cấp ủy, chính quyền địa phương, mà còn là trách nhiệm của nhân dân-những người trực tiếp được thụ hưởng kết quả phong trào mang lại. Quá trình thực hiện, cán bộ chủ chốt các xã, thôn phải trang bị đầy đủ kiến thức về xây dựng nông thôn mới, chủ động, gương mẫu, say mê, sâu sát cơ sở, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, tạo ra sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị. Quan điểm của huyện là ưu tiên nội dung, công việc có tính bức xúc, liên quan thiết thực đến từng hộ dân, từng cộng đồng dân cư để làm trước theo phương châm “dễ làm trước, khó làm sau”. Từ đó, tạo sự đồng thuận của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới.
Thực tế cho thấy, công tác tuyên truyền được các địa phương của huyện Đông Anh hết sức coi trọng, tổ chức sâu rộng, có hiệu quả bằng nhiều hình thức. Huyện đã chỉ đạo tổ chức chuyên mục, tăng thời lượng phát tin trên đài truyền thanh; phát 90 nghìn tờ rơi, 1.500 cuốn tài liệu; treo, kẻ trên 300 băng rôn, pano, áp phích tại những nơi công cộng về xây dựng nông thôn mới. Từ năm 2010-2015, toàn huyện đã tổ chức 156 hội nghị với gần 22 nghìn lượt người tham gia ở các xã, thị trấn; phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới từ huyện tới xã; tiến hành tọa đàm Nhịp cầu nhà nông, nhằm giải đáp những thắc mắc, kiến nghị của nhân dân trong sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc sau dồn điền, đổi thửa. Nhờ vậy, nhân dân cơ bản phấn khởi, không ngại đóng góp sức người, sức của cùng Nhà nước xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh.
Chỉ tính riêng từ năm 2011 đến tháng 6/2016, nhân dân trên địa bàn huyện đã ủng hộ hơn 200 tỉ đồng bằng nhiều hình thức như: Đóng góp tiền, công trình, ngày công, hiến đất để làm đường giao thông, đường trục nội đồng, kênh mương và các công trình phúc lợi. Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, được nhân dân đồng tình ủng hộ, nên sau 6 năm xây dựng nông thôn mới, 21/23 xã của huyện Đông Anh đã về đích, đến tháng 10/2016, hai xã còn lại là Dục Tú và Kim Nỗ cũng đã đủ điều kiện công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, được đề nghị UBND Thành phố xem xét.
Có thể nói, Chương trình 02 của Thành uỷ Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nông dân” đã được huyện Đông Anh triển khai thực hiện nghiêm túc, tạo ra những bước chuyển căn bản, vững chắc trên mọi lĩnh vực, sản xuất nông nghiệp liên tục phát triển; tiểu thủ công nghiệp có bước phát triển mới; cơ sở vật chất kỹ thuật được tăng cường; sự nghiệp giáo dục, y tế phát triển mạnh; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện. Nổi bật là, từ chỗ thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn năm 2010 chỉ đạt 20 triệu đồng/người/năm, đến năm 2016 đã tăng lên 43 triệu đồng; tỉ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm từ 5,9% xuống còn 1,38%, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt 95%; 21/23 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế theo chuẩn mới...Thời gian tới, huyện tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng ngành công nghiệp và thương mại dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp. Trong đó, chuyển dịch mạnh cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng công nghiệp công nghệ cao, ngành dịch vụ theo hướng dịch vụ chất lượng cao, ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, phát triển nông nghiệp sạch.
Rời Tiên Dương, chúng tôi đến khu trồng quất cảnh ở xã Tàm Xá. Chứng kiến bà con nông dân đang tranh thủ từng ngày, tỉ mẩn cắt tỉa, chăm bón những cây quất sai trĩu quả, chúng tôi cảm nhận được một mùa Xuân no ấm đang đến gần. Đúng là có “ý Đảng, lòng dân”, năm mới, thời cơ và vận hội mới, cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương quyết tâm xây dựng Đông Anh trở thành một trong những huyện đi đầu về phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô Hà Nội.
Mạnh Quang