A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đưa công tác huấn luyện Kỹ thuật Xe-Máy đi vào chiều sâu thực chất

QPTĐ-Thời gian qua, ngành Xe-máy Bộ Tư lệnh (BTL) Thủ đô Hà Nội đã quán triệt và triển khai có hiệu quả các nghị quyết của Quân uỷ Trung ương về lãnh đạo công tác kỹ thuật (CTKT) trong tình hình mới; chấp hành nghiêm Điều lệ CTKT xe-máy Quân đội nhân dân Việt Nam, thực hiện nghiêm chỉ thị của Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, nghị quyết lãnh đạo của Đảng uỷ Cục Kỹ thuật và sự chỉ đạo của cơ quan nghiệp vụ cấp trên thường xuyên làm tốt chức năng tham mưu với Đảng ủy, Bộ Tư lệnh, Cục Kỹ thuật về công tác kỹ thuật xe-máy. 

Đồng thời chủ động chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện nhiệm vụ CTKT xe-máy trong toàn BTL một cách toàn diện, đồng bộ, hiệu quả. Làm tốt công tác tiếp nhận phương tiện xe-máy theo đúng kế hoạch, bảo đảm an toàn tuyệt đối, hoàn chỉnh thủ tục đăng ký cho các đơn vị đưa xe vào sử dụng. Duy trì hệ số kỹ thuật cho xe-máy làm nhiệm vụ SSCĐ Kt=1; đồng thời nâng cao hệ số kỹ thuật cho các xe-máy làm nhiệm vụ bảo đảm, huấn luyện đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ. Hàng năm, tổ chức bảo quản 100% với xe SSCĐ, xe xích, xe niêm cất theo đúng kế hoạch năm; sửa chữa tại các trạm, xưởng của BTL đều đạt 100% kế hoạch. Thường xuyên kiểm tra, cập nhật số liệu thống kê, nắm chắc số lượng, chất lượng trang bị xe-máy, đội ngũ nhân viên kỹ thuật (NVKT) của ngành, chỉ đạo các đơn vị tổ chức kiểm tra, rà soát 100% biển số, chứng nhận đăng ký xe quân sự. Chất lượng công tác bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa, đồng bộ từng bước được nâng lên, góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện và khả năng SSCĐ của LLVT Thủ đô Hà Nội.

Thiếu tướng Nguyễn Đình Lưu, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội kiểm tra công tác kỹ thuật xe-máy tại Trường Quân sự.
 

Tuy nhiên, đặc thù địa bàn BTL Thủ đô Hà Nội đóng quân có dân số đông, mật độ phương tiện tham gia giao thông lớn. Mặc dù BTL được trang bị nhiều chủng loại xe-máy khác nhau, nhưng nhiều phương tiện có niên hạn sản xuất, sử dụng lâu năm nên đã xuống cấp; một số phụ tùng, linh kiện cũ, lạc hậu khó tìm nguồn thay thế. Cụ thể như xe hệ 1 và một số xe hệ 2 nên rất khó khăn cho công tác bảo đảm kỹ thuật, cũng như thực hiện nhiệm vụ bảo đảm huấn luyện, SSCĐ. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ, NVKT của ngành có mặt chưa cân đối, thiếu tính kế thừa ở một số đơn vị, trình độ chuyên môn có mặt còn hạn chế. Vì vậy, trước yêu cầu thực tiễn đặt ra, ngành xe-máy của BTL Thủ đô Hà Nội cần thực hiện tốt một số nội dung, biện pháp cơ bản sau:

Một là: Đảng uỷ, chỉ huy các đơn vị cần chú trọng giáo dục cho cán bộ các cấp và lực lượng NVKT có nhận thức đúng về công tác HLKT. Đây là vấn đề rất quan trọng, vì thời gian vừa qua vẫn còn một bộ phận cán bộ, chiến sĩ có nhận thức chưa đầy đủ về HLKT, chưa thấy được tầm quan trọng của công tác này, cho rằng, lực lượng NVKT đã được đào tạo cơ bản tại các trường kỹ thuật với đầy đủ giáo trình, trang thiết bị hiện đại là đủ, nên không cần thiết phải huấn luyện nhiều tại đơn vị. Còn đối với lực lượng NVKT thường có thái độ chủ quan, không chịu cập nhật kiến thức và rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp. Do đó, để đưa công tác HLKT vào nền nếp, đạt hiệu quả thiết thực, trước hết phải coi trọng yếu tố con người. Bởi, con người là chủ thể mọi hoạt động, quyết định chất lượng huấn luyện, khai thác hiệu quả VKTBKT. Do đó, cấp ủy, chỉ huy đơn vị phải giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức đúng về nhiệm vụ huấn luyện; từ đó, xây dựng quyết tâm, trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ đơn vị có bản lĩnh chính trị vững vàng, có niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, tự giác huấn luyện, rèn luyện để họ có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện.

Hai là: Quá trình HLKT phải tuân thủ nghiêm mọi quy định về nguyên tắc bảo đảm an toàn, đồng thời phải làm tốt mọi công tác chuẩn bị cho huấn luyện, như: Giáo viên, giáo án, sổ theo dõi huấn luyện và sổ học tập của từng đối tượng...Trong quá trình huấn luyện, tổ chức huấn luyện theo phân cấp để tránh chồng chéo. Phương pháp HLKT cần được đa dạng hoá, phù hợp với điều kiện, khả năng của từng cơ quan, đơn vị và từng đối tượng. Cần coi trọng hình thức huấn luyện tại chỗ, lấy các đồng chí lái xe có nhiều kinh nghiệm làm trợ giáo hướng dẫn, kèm cặp lái xe mới trong huấn luyện thực hành, đây là hình thức huấn luyện tiết kiệm được thời gian, đem lại hiệu quả cao và rất có ý nghĩa trong điều kiện kinh phí dành cho huấn luyện còn hạn hẹp. Bố trí thời gian để huấn luyện bù, bổ túc thêm cho các đối tượng tham gia công tác dài ngày tại các đơn vị khác và các lớp huấn luyện (lớp huấn luyện tiếp nhận phương tiện mới, hội thi, hội thao, diễn tập, tập huấn, kiểm tra kỹ năng nghề, các lớp lái xe tác chiến, lái xe mới, kéo pháo, lái xe ô tô trên địa hình thành phố, lớp bồi dưỡng kỹ năng xử lý các tình huống khi tham gia giao thông; lái xe thiết giáp trên cạn, địa hình rừng núi, thành phố, lái bơi nước xe thiết giáp...). Thực hiện tốt công tác kiểm tra huấn luyện, đánh giá kết quả HLKT chặt chẽ, nghiêm túc ở tất cả các cấp, phải đánh giá đúng thực chất về công tác huấn luyện và coi đó là tiêu chí bình xét hằng năm của cá nhân và tập thể từng cơ quan, đơn vị.

Tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ nhân viên kỹ thuật.
 

Ba là: Hàng năm, tổ chức tốt hội thi kỹ thuật, vì đây vừa là hình thức kiểm tra đánh giá kết quả, vừa tạo ra không khí thi đua học tập sôi nổi, lực lượng NVKT sẽ tự giác học tập, chủ động tìm mọi biện pháp để tích lũy kiến thức, nâng cao kỹ năng, kỹ xảo. Mặt khác, xét ở khía cạnh là hình thức kiểm tra đánh giá kết quả huấn luyện, thì đây chính là hình thức kiểm tra trung thực nhất. Bởi vì, cùng một lúc có nhiều cá nhân hoặc tập thể tham dự, sẽ tạo ra bầu không khí thi đua sôi nổi, học tập lẫn nhau ngay trong quá trình hội thi; đồng thời, trước sự chứng kiến của các đơn vị, giám khảo cũng sẽ phải chấm điểm khách quan hơn, khó thiên vị hơn. Vấn đề đặt ra là, cơ quan Kỹ thuật phải tham mưu thật đúng, trúng cho lãnh đạo, chỉ huy đơn vị trong việc tổ chức hội thi, hội thao. Mỗi hội thi, hội thao phải đề ra mục đích, yêu cầu và quy chế riêng, nhằm thúc đẩy sự tự hoàn thiện và chuyên sâu của mỗi người hoặc sự phối hợp nhịp nhàng trong thực hiện nhiệm vụ. Hội thi, hội thao nên tổ chức vào cuối mỗi giai đoạn huấn luyện hoặc trước các cuộc hội thi, hội thao của trên để chọn ra cá nhân hoặc đội tuyển tiêu biểu. Tùy theo nội dung hội thi, hội thao mà lựa chọn địa điểm cho phù hợp, tránh gây lãng phí, phô trương hình thức. Kịp thời động viên, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xây dựng ngành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm, tính sáng tạo khi thực hiện nhiệm vụ; thực hiện tốt Cuộc vận động 50; rút kinh nghiệm cho việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện HLKT của những năm tiếp theo.

Bốn là: Hoàn thiện nội dung, chương trình HLKT phù hợp với nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, sát với từng đối tượng. Việc hoàn thiện nội dung, chương trình HLKT góp phần quan trọng trong công tác bảo đảm chất lượng các hoạt động kỹ thuật của NVKT, bởi vì, dù có kiểm tra nghiêm ngặt đến đâu mà người trực tiếp quản lý và người trực tiếp bảo dưỡng, sửa chữa, niêm cất, khai thác sử dụng trang bị, không đáp ứng được yêu cầu đề ra theo quy định thì cũng không hoàn thành nhiệm vụ. Nội dung, chương trình HLKT đối với cán bộ kỹ thuật là kỹ năng quản lý quá trình bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa nhỏ, niêm cất, khai thác làm chủ các loại phương tiện có trong biên chế. Đối với NVKT là kỹ năng khai thác sử dụng trang thiết bị, tài liệu hướng dẫn cấu tạo, cách sửa chữa trang thiết bị, kỹ thuật an toàn và vệ sinh lao động; huấn luyện thi nâng bậc thợ.

Năm là: Hằng năm, có kế hoạch mở các lớp bồi dưỡng cho cán bộ, NVKT về công tác quản lý, thống kê, bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa, niêm cất, khai thác sử dụng các phương tiện, lớp bổ túc lái xe cho các đồng chí lái xe tác chiến, lái xe mới ra trường, nội dung huấn luyện về quản lý, khai thác sử dụng phương tiện hiện có trong biên chế, thực hành lái xe trong địa hình đồi núi, lái xe đường dốc, khúc cua, lái trong thành phố, thị xã, lái đêm hạn chế ánh sáng, lái cứu kéo, lái xe điều khiển hộp phân phối để gài ngắt dẫn động cầu trước, vận hành cơ cấu tời; huấn luyện luật giao thông đường bộ, xử lý các tình huống hư hỏng khi tham gia giao thông trong thành phố thị xã; các lớp lái xe đặc chủng chuyên dùng, xe mới biên chế.

Với những biện pháp cơ bản trên, ngành xe-máy Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã và đang tích cực nâng cao chất lượng huấn luyện, rèn luyện kỹ năng thực hành, từng bước đưa công tác huấn luyện kỹ thuật xe-máy của cán bộ, NVKT đơn vị đi vào chiều sâu thực chất, góp phần thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Đại tá Chu Văn An

Trưởng phòng Xe-máy, Cục Kỹ thuật

Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ