A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vì nhân dân quên mình

QPTĐ-Tại phiên khai mạc Đại hội XIII của Đảng, khi tổng kết nhiệm kỳ khóa XII và nhìn lại 35 năm đổi mới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay...”. Tất nhiên để có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế đó, đất nước ta đã được bồi đắp, xây dựng qua hàng ngàn năm lịch sử; trong đó có sự hy sinh can trường của lớp lớp thế hệ đi trước-để non sông mãi mãi trường tồn.

Thực binh trong diễn tập Sư đoàn Bộ binh 301 năm 2023.

Vì nhân dân quên mình

Việt Nam nằm ở rìa Biển Đông, vùng biển có vị trí địa lý kinh tế, chính trị đặc biệt quan trọng; ba phần tư đất nước ta là biển, Hoàng Sa, Trường Sa nằm trên tuyến hành lang đường biển thuận tiện, với 50% khối lượng hàng hóa luân chuyển của thế giới đi qua vùng biển này… Những đặc điểm đó khiến Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có vị trí địa chính trị quan trọng bậc nhất trong khu vực và trên thế giới.

Tuy nhiên cũng chính bởi địa lý chính trị đó, trong suốt chiều dài dựng nước và giữ nước của dân tộc, Việt Nam đã phải đương đầu với nhiều cuộc chiến tranh xâm lược từ Bắc tới Nam. Trước sự xâm lăng của nước ngoài, dân tộc ta đã không sợ hy sinh gian khổ, giữ vững độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, đồng thời, không ngừng phát huy trí sáng tạo chính sách, chiến lược hòa hiếu, “cân bằng” với các nước để có hòa bình xây dựng non sông.

Quay trở lại lịch sử, theo quy luật thông thường của chiến tranh “mạnh thắng, yếu tất thua”, trong khi hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược của dân tộc ta thế kỷ 20, thế của ta lúc đó được ví như “châu chấu đá voi” nhưng Việt Nam vẫn giành thắng lợi hoàn toàn, đưa non sông về một mối. Trước tiên phải khẳng định, có được thắng lợi đó, cuộc chiến đấu của chúng ta là chính nghĩa; tiếp đó là nhờ đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam; chúng ta phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; có tinh thần quốc tế cao cả… Và chúng ta có “Bộ đội Cụ Hồ”!

Trong kho tàng tri thức, văn hoá dân tộc Việt Nam, hình tượng “Bộ đội Cụ Hồ” là nét son độc đáo-di sản văn hoá đặc sắc, hàm chứa giá trị nhân văn, nhân đạo cao cả của dân tộc Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Thực tế đã cho thấy, trong mọi nếp nhà ở Việt Nam, đâu đâu cũng có bóng dáng “Bộ đội Cụ Hồ”. Đời con tiếp nối đời cha, người cha ra trận, con tiếp nối theo sau.

Nếu ai từng đọc tác phẩm “Những thiếu niên Thủ đô quyết tử”, hẳn sẽ còn nhớ những câu chuyện của những “vệ út” hôm nào. Các em tuổi còn rất nhỏ và có hoàn cảnh khác nhau, có người mới chỉ 11, 12 tuổi nhưng đã có “chí lớn”, không chịu tản cư, trốn ở lại Hà Nội làm liên lạc, dẫn đường, truyền tin, truyền lệnh, sát cánh chiến đấu cùng Trung đoàn Thủ đô ngay từ những ngày đầu toàn quốc kháng chiến. Bác Phùng Đệ là một trong những “vệ út” ngày ấy. Sinh ra tại thôn Trích Sài, Tây Hồ, Hà Nội, tuổi thơ sớm mồ côi cha mẹ, tự làm thuê nuôi sống bản thân. Chiều 19-12-1946, thay vì cùng người thân tản cư, thì bác chạy ngược dòng người vào nội thành gia nhập tự vệ chiến đấu.

Bác kể: “Khi Tiểu đoàn phó Vũ Lăng hỏi: Em có biết nhà Thuỷ Lâm không? Dạ thưa anh, em có biết ạ! Tôi trả lời. Anh nói tiếp: Em đến đó theo dõi tình hình địch, chúng đặt súng ở đâu về báo cho Tiểu đoàn biết. Em có sợ không? Em không ạ!

Chưa bao giờ đêm Hà Nội tối như mực thế này. Hồi mẹ còn sống, đi mua dầu cho mẹ, trời tối qua ao làng, tôi rất sợ ma chết đuối, giờ đi trong đêm để đánh Tây thì tôi không sợ nữa…”. Sau khi nắm tình hình, về Tiểu đội, bác Phùng Đệ đã báo cáo tỉ mỉ tình hình nhà Thuỷ Lâm với đơn vị, Đại đội vạch phương án đánh trận tập kích và thắng lợi”.

Không chỉ có những em bé sẵn sàng quyết tử để Tổ quốc quyết sinh, những “Bộ đội Cụ Hồ”-biểu trưng đặc sắc của nét đẹp văn hóa Việt Nam-cũng luôn tỏa sáng từ chính phẩm chất, nhân cách tốt đẹp-Từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu.

Ai đã từng đọc nhật ký “Mãi mãi tuổi hai mươi” của liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc, “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”…, hẳn chúng ta càng cảm thấy rõ nét và đầy tự hào về một thế hệ thanh niên-Bộ đội Cụ Hồ đầy nhiệt huyết, tinh thần yêu nước nồng nàn, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc. Liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc viết: “Paven là một người chân chính, một đảng viên chân chính. Dĩ nhiên rồi, đó phải là người con của giai cấp, suốt đời trung thành với Đảng, và cống hiến cả đời mình cho cách mạng” (nhật ký viết ngày 24-12-1971). Và anh rất tự hào về con đường mình đã lựa chọn là “Bộ đội Cụ Hồ”. Theo anh, đã cống hiến thì không thể cống hiến nửa vời, cầm chừng, mà phải cống hiến triệt để, hết mình; trong chiến đấu phải noi gương các anh hùng: “Tự dưng, mỗi người lính đều nghĩ đến anh hùng Nguyễn Chơn. Người chiến sĩ cộng sản triệt để-Người Sư trưởng dũng mãnh của Sư 304. Phải sống như thế và rèn luyện như thế” (nhật ký ngày 28-12-1971).

Cũng như mọi người dân đất Việt, Đặng Thùy Trâm cũng khát khao hòa bình, chị lên đường vào Nam chiến đấu để giành lại độc lập cho dân tộc, không tiếc máu xương. Nhật ký ghi ngày 14/7/1969, chị viết để tâm sự với mẹ mình thế này: “...Ngày mai trong tiếng ca khải hoàn sẽ không có con đâu. Con tự hào vì đã dâng trọn đời mình cho Tổ quốc…; hàng triệu người như con đã ngã xuống mà chưa hề được hưởng trọn lấy một ngày hạnh phúc, cho nên có ân hận gì đâu!”.

Một dân tộc mà không chỉ em nhỏ, thanh niên tuổi xuân thì mà cả người mẹ cũng sẵn sàng hy sinh những đứa con máu thịt của mình-đổi lại bình yên cho Tổ quốc. Chúng ta hẳn còn nhớ Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thứ (quê Quảng Nam) là hình tượng tiêu biểu của Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng với sự cống hiến, hy sinh vô bờ bến; là biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam. Mẹ Thứ 14 lần tiễn con, cháu ra chiến trường thì 12 người không về!

“Nước mắt mẹ không còn, để khóc những đứa con, lần lượt ra đi mãi mãi”… nhưng khi trả lời phỏng vấn một cựu binh Hàn Quốc: “Thưa bà, với quan niệm người Á Đông, con cái là phúc lộc, là tài sản. Khi người con thứ tư, thứ năm tử trận, tại sao bà vẫn tiếp tục động viên những người con khác ra mặt trận”? Mẹ điềm tĩnh trả lời thế này:  “Ở  nước tôi, Cụ Hồ đã dạy là “Không có gì quý hơn độc lập tự do” nên cứ là người Việt Nam, trong đó có các con, các cháu tôi đều sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để giành lấy độc lập, tự do. Nếu còn chiến tranh, các con tôi, rồi cháu tôi vẫn tiếp tục ra trận để giành độc lập, tự do, bình yên mà hôm nay chúng tôi đang hưởng”. Câu trả lời ấy của Mẹ khiến cựu binh Hàn Quốc sững người rưng rưng nước mắt, cúi thấp người cầm tay xin lỗi Mẹ.

Và quả thực, với đường lối lãnh đạo đúng đắn, tài tình của Đảng, Bác Hồ kính yêu, sự đồng sức, đồng lòng của mọi thế hệ Việt Nam, trong đó có “Bộ đội Cụ Hồ”, chúng ta không ngạc nhiên khi nước ta từng đứng trước vận mệnh “tí hon đối chọi với người khổng lồ” vẫn hiên ngang bách chiến, bách thắng trước mọi kẻ thù.

Tiếp nối truyền thống, phát huy phẩm chất “Bộ đội cụ Hồ”

80 năm đã trôi qua, không chỉ cùng nhân dân quyết chiến và quyết thắng trong chiến đấu giành lại tự do cho Tổ quốc, khi Đại dịch Covid-19 “ập đến”,  phẩm chất “vì dân” của “Bộ đội Cụ Hồ” lại bừng lên sáng ngời. Từ các khu cách ly, bệnh viện dã chiến, trên từng chốt tại con hẻm, đường phố, nơi “Gian hàng 0 đồng”, đến các nơi thu hoạch nông sản của bà con nông dân…, đâu đâu ta cũng thấy màu xanh áo lính. Chỉ tính riêng Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, thời điểm dịch đã huy động hàng ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ, DQTV phục vụ bà con, được Đảng, Nhà nước, nhân dân Thủ đô đánh giá cao.

 Rồi trong thiên tai, bão lũ, sự hiện diện của bóng dáng quen thuộc ấy lại như một nét đẹp không thể thiếu đối với người dân mọi miền Tổ quốc. Đã có rất nhiều người lính đã ngã xuống trong thời bình để bảo vệ sự bình an, giữ an toàn cho nhân dân…

Không chỉ là “lá chắn thép” của nhân dân trước kẻ thù, trước thiên tai, bão lũ, thực hiện phương châm đối ngoại của Đảng, phát huy truyền thống, đạo lý nhân đạo, tương thân tương ái của dân tộc, Bộ đội Cụ Hồ sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ quốc tế cao cả, tiêu biểu là việc hỗ trợ nhân đạo cứu trợ thảm họa tại Thổ Nhĩ Kỳ, để lại ấn tượng đẹp đối với nước sở tại và bạn bè quốc tế…

Một mùa Xuân mới đang gõ cửa trên từng con phố, những người lính Thủ đô nói riêng và toàn quân nói chung càng nỗ lực trên từng cương vị công tác, tích cực củng cố, giữ gìn và phát huy ngày càng tốt hơn phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, viết tiếp truyền thống vẻ vang của Quân đội trong chiến đấu, công tác và lao động sản xuất.

TRẦN HIỀN

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ