A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chủ động tham mưu thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội.

QPTĐ-Trong những năm qua, Phòng Chính sách đã chủ động tham mưu với Cục Chính trị Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội nhiều giải pháp thực hiện tốt công tác chính sách quân đội, hướng tới kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ, phóng viên (PV) Báo Quốc phòng Thủ đô có cuộc trao đổi với Đại tá Chử Văn Tính, Trưởng phòng Chính sách về nội dung này.

PV: Xin đồng chí cho biết những kết quả tiêu biểu trong công tác chính sách hậu phương quân đội trong thời gian qua mà Phòng Chính sách cùng với các cơ quan chức năng đã tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp?

Đại tá Chử Văn Tính: Hiện nay, Hà Nội có trên 800.000 đối tượng chính sách và người có công với cách mạng, chiếm khoảng 10% đối tượng người có công trong cả nước. Trong đó, đối tượng đang hưởng trợ cấp hàng tháng là 94.741 đối tượng. Với số lượng người có công lớn như vậy, việc hướng dẫn, phối hợp với các Ban CHQS quận, huyện, thị xã tham mưu với cấp ủy, chính quyền quan tâm làm tốt công tác chính sách là việc làm thường xuyên để bảo đảm chặt chẽ, đúng chế độ, đối tượng, chăm lo cho gia đình các quân nhân đang làm nhiệm vụ, đặc biệt là những gia đình khó khăn, neo đơn, tạo điều kiện cho các đồng chí yên tâm làm nhiệm vụ. Các cơ quan, đơn vị tham gia tích cực vào công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc người có công với cách mạng, cán bộ hưu trí, gia đình liệt sỹ, thương binh nặng, hỗ trợ cho các cơ sở bảo trợ xã hội, trường khuyết tật, trẻ em bị chất độc da cam… Đến nay, lực lượng vũ trang Thủ đô chăm sóc, phụng dưỡng 100 Mẹ Việt Nam Anh hùng. Các đơn vị hỗ trợ mỗi mẹ hằng tháng từ 300.000-500.000 đồng, ngoài ra các dịp lễ, tết đều thăm, động viên các mẹ. Bộ Tư lệnh và các cơ quan, đơn vị hỗ trợ xây dựng và bàn giao hàng trăm nhà tình nghĩa, nhà đồng đội, trao sổ tiết kiệm cho các đối tượng chính sách. Từ năm 2012 đến nay, đã tham mưu giải quyết chính sách theo Quyết định 290, 142 và 62 của Chính phủ; đề nghị và ra quyết định hưởng trợ cấp một lần cho hơn 230.000 người, với số tiền gần 1.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, đã tích cực, chủ động tham mưu, đề xuất, triển khai tổ chức thực hiện kịp thời, công tác chính sách. Trong đó, tích cực chỉ đạo, hướng dẫn các Ban CHQS quận, huyện, thị xã thực hiện kết luận địa bàn, lập bản đồ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Các cơ quan chức năng Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã hoàn thiện hồ sơ liệt sĩ cho các đơn vị toàn quân 30.000 liệt sĩ.

Làm tốt công tác chính sách đã góp phần quan trọng vào bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt trong đợt bùng phát lần thứ 4 của đại dịch Covid-19, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội và các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh đã hỗ trợ 25.144 suất quà các đối tượng khó khăn, người lao động mất việc làm trên địa bàn trong và ngoài thành phố Hà Nội với số tiền gần 11 tỷ đồng; lập danh sách quân nhân, công nhân, viên chức quốc phòng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 báo cáo về Cục Chính sách, Tổng Cục Chính trị.

Đại tá Chử Văn Tính hướng dẫn nhân viên thuộc quyền xử lý công tác chính sách.

 

PV: Đồng chí cho biết những yêu cầu, những thuận lợi, khó khăn trong tham mưu các giải pháp thực hiện chính sách hậu phương quân đội cho các đối tượng chính sách trên địa bàn Hà Nội?

Đại tá Chử Văn Tính: Để làm tốt công tác này phải nắm vững chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như chính sách của quân đội với người có công. Trong những năm qua, trong giải quyết chính sách hậu phương quân đội luôn được các cấp ủy, chỉ huy các cấp quan tâm lãnh đạo, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, các ngành để tháo gỡ khó khăn; những người làm công tác chính sách có kinh nghiệm và tâm huyết, tận tụy, cụ thể, tỉ mỉ, sâu sát; hàng năm, các cơ quan chức năng Bộ Tư lệnh tập trung vào việc đối thoại trực tiếp với người có công với cách mạng ở cơ sở, từ cấp quận, huyện, thị xã cho đến từng thôn, xóm, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa. Qua đó, vừa giảm tải đơn thư vượt cấp, vừa giải quyết được vấn đề tận gốc ở cơ sở, thông qua đó, người có công, nhân dân địa phương vừa biết, giám sát việc thực hiện, cùng với nhà nước chăm lo tốt hơn đời sống người có công.

Bên cạnh những thuận lợi, cũng còn nhiều khó khăn đó là việc huy động, bố trí các nguồn lực để thực hiện chính sách hậu phương quân đội, chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng còn có hạn; số lượng đối tượng chính sách tồn đọng sau chiến tranh cần xác nhận, giải quyết vẫn còn rất lớn, tính chất ngày càng khó khăn, phức tạp. Trong quá trình giải quyết những tồn đọng sau chiến tranh, số có hồ sơ gốc là rất ít, nếu như những trường hợp không có hồ sơ ở tại địa phương thì cơ sở sẽ có trách nhiệm khẳng định, nhưng với những trường hợp ở khu vực khác đến Thủ đô sinh sống hay ngược lại thì rất khó khăn trong xác định có đúng đối tượng được hưởng chế độ không. Quan điểm là đúng thì phải làm, nếu không làm thì chúng ta có tội. Ngoài ra, chúng tôi còn gặp khó khăn khi sàng lọc những trường hợp lợi dụng chính sách để vụ lợi cá nhân.

Bên cạnh đó, hiện nay và trước đây công tác quản lý của chúng ta đối với liệt sĩ, do chiến tranh kéo dài, nên trong hồ sơ mộ chí, quy tập… cũng rất khó khăn và tốn kém. Một điểm vướng mắc có thể kể đến là việc thay đổi từ chứng minh thư nhân dân sang thẻ căn cước công dân của các đối tượng chính sách dẫn đến việc cần đính chính, thay đổi ngày tháng năm sinh, tên đệm khi làm bảo hiểm y tế cho các đối tượng…

PV: Trong thời gian tới, Phòng Chính sách tham mưu với Cục Chính trị, với Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội có những giải pháp như thế nào để nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác này?

Đại tá Chử Văn Tính: Hiện nay, nhiệm vụ xây dựng quân đội, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới đặt ra cho công tác chính sách quân đội và hậu phương quân đội những yêu cầu cao hơn, khó khăn, phức tạp hơn. Vì vậy, để hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô, Đảng ủy Cục Chính trị giao, ngành Chính sách Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội cần tiếp tục phát huy truyền thống, thi đua bằng những hành động, việc làm cụ thể, thiết thực. Trong đó tích cực, chủ động tham mưu với cấp ủy, chỉ huy các cấp lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao nhận thức, trách nhiệm về công tác chính sách đối với quân đội và hậu phương quân đội để bảo đảm các chế độ, chính sách ban hành luôn được quán triệt, triển khai tổ chức thực hiện đồng bộ, thống nhất, hiệu quả, đáp ứng thực tiễn xây dựng quân đội và yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đồng thời, phát huy trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị phối hợp chặt chẽ với các địa phương, thường xuyên quan tâm, chăm lo, thực hiện ngày càng tốt hơn chính sách hậu phương quân đội. Kịp thời hỗ trợ, thăm hỏi, động viên gia đình quân nhân, công nhân và viên chức quốc phòng làm nhiệm vụ nơi khó khăn, gian khổ và những trường hợp hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn... Đẩy mạnh Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”; huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong hoạt động chính sách, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội, góp phần chăm lo đời sống vật chất, tinh thần các đối tượng chính sách và người có công. Tăng cường phối hợp, chủ động rà soát, xác minh, hoàn thành cơ bản việc giải quyết chế độ, chính sách đối với người tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế; thực hiện Quyết định số 1515/QĐ-TTg ngày 14/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin đến năm 2030 và những năm tiếp theo. Thường xuyên sơ, tổng kết, rút kinh nghiệm; kịp thời khắc phục những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện. Ngoài ra, một trong những giải pháp đặc biệt cần chú trọng là quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác chính sách ở các cấp có phẩm chất, năng lực, trình độ chuyên sâu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, trọng tâm là ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động công tác chính sách.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!

Cán bộ Ban CHQS quận Đống Đa trao Quyết định và Thẻ thương binh cho đối tượng chính sách trên địa bàn. 

Hải Yến (thực hiện)

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ