A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Làm gì để bộ đội nói thật?

Bài 3: Tâm sự của những người trong cuộc

QPTĐ-Kinh nghiệm thực tế cho thấy, nếu cán bộ quản lý trực tiếp mà không thường xuyên quan tâm, lắng nghe chiến sĩ để hiểu suy nghĩ, đời sống tinh thần của họ, thì dù có đổi mới, đa dạng nội dung, hình thức đến đâu, việc đối thoại dân chủ giữa cán bộ và chiến sĩ đều trở thành hình thức, chiếu lệ. Do đó, phải quán triệt tốt tinh thần cán bộ là “người anh, người bạn” là nơi gửi gắm niềm tin, chỗ dựa vững chắc cho bộ đội. Để làm được điều đó, yêu cầu người cán bộ phải luôn chú trọng hai chữ “trực tiếp” với bộ đội trong mọi thời điểm, như thế mới tạo ra được môi trường dân chủ, đồng thuận, ý “cán” mới hợp lòng “binh”.

“Địa chỉ” để chiến sĩ trao gửi niềm tin

Tìm hiểu về “tiêu chí” của người cán bộ để chiến sĩ thực sự yên tâm trao gửi niềm tin, chia sẻ thật những tâm tư nguyện vọng của bản thân về công việc, cũng như cuộc sống hàng ngày, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện ngẫu nhiên với một số chiến sĩ của Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 692 bằng việc đặt một câu hỏi chung chung không gắn vào đơn vị để chiến sĩ mạnh dạn bày tỏ quan điểm của mình: “Trong cuộc sống, chúng ta có rất nhiều bạn bè, người mà mình thực sự yên tâm chia sẻ những nỗi niềm tâm sự, theo đồng chí cần những yêu cầu gì?”. Trả lời câu hỏi của chúng tôi, Binh nhất Nguyễn Văn Kiên, Chiến sĩ Trung đội 2, Đại đội 1, Tiểu đoàn 4 bộc bạch: “Theo em, người bạn đó phải thực sự hiểu và thông cảm cho mình”, không khí càng sôi nổi hơn khi rất nhiều chiến sĩ của Đại đội 1 bổ sung ý kiến “Người đó phải là bạn thân tri kỷ; bạn đó là người luôn hiểu mình; bạn đó phải là người chân thành, thật thà làm cho bản thân mình tin tưởng; bạn đó luôn dành cho mình nhiều lời khuyên bổ ích, giúp đỡ mình khi gặp khó khăn…”. Thấy chiến sĩ hăng hái phát biểu, chúng tôi chuyển chủ đề: “Vậy cán bộ tiểu đội, trung đội, đại đội phải là người như thế nào thì anh em mình mới tin tưởng để tâm sự”. Thoáng một chút bối rối, Binh nhất Chu Khắc Nam, Chiến sĩ Trung đội súng máy phòng không 12,7mm, Tiểu đoàn 4 cho biết: “Theo em, người cán bộ đó phải thật sự gương mẫu, quan tâm, gần gũi, sâu sát, hòa đồng với anh em chiến sĩ, tạo niềm tin với anh em, thì em sẵn sàng chia sẻ”. Binh nhất Nguyễn Đức Minh, Chiến sĩ Tiểu đội Hỏa lực, Đại đội 1 bổ sung thêm: “Cán bộ đó phải gương mẫu, công bằng trong cắt cử công việc, không được thiên vị, luôn hiểu tâm lý anh em và tạo không khí thoải mái trong sinh hoạt; đồng thời cán bộ đó cũng phải thường xuyên chia sẻ niềm vui, nỗi buồn của mình với anh em chiến sĩ, với tình cảm chân thành thì chúng em sẵn sàng chia sẻ, nói thật tất cả”.

Sinh hoạt đối thoại dân chủ giữa Chỉ huy Trung đoàn 692 với cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 5.

Cũng câu hỏi trên, khi khảo sát đối với chiến sĩ ở các tiểu đoàn: Thông tin 610, Đặc công 18, Trinh sát 20… chúng tôi đều nhận được câu trả lời cơ bản giống nhau, đó là người cán bộ phải “gương mẫu, công tâm, gần gũi, sâu sát, biết thương yêu chiến sĩ” thì bộ đội mới tin tưởng, yên tâm chia sẻ và nói thật. Để minh chứng điều này, Hạ sĩ Nguyễn Văn Đạt, Chiến sĩ Tiểu đội 2, Trung đội 1, Đại đội Đặc công, Tiểu đoàn Đặc công 18 còn kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về sự ân cần, gần gũi quan tâm của người cán bộ mà em nhớ mãi, Đạt cho biết: “Hôm nhập ngũ vào đơn vị, tôi nhớ mãi hình ảnh hai đồng chí cán bộ ra tận xe ca đón tôi. Về đến trung đội, Trung úy Nguyễn Xuân Nam, Trung đội trưởng, vừa trực tiếp trải chiếu, vừa hướng dẫn cách gấp chăn màn, rồi dẫn chúng tôi đi giới thiệu khu bếp, khu nhà ăn của đơn vị... Những gì tôi làm chưa được, anh lại hướng dẫn và nói: “Ngày xưa anh cũng thế” để động viên tôi. Anh khuyên tôi biết bao nhiêu điều hay, lẽ phải. Mà không phải riêng tôi, các chiến sĩ trong trung đội đều được anh quan tâm như vậy. Chính vì thế mà cánh lính trẻ chúng tôi coi anh như người anh của mình, có chuyện vui, buồn là đem kể hết với anh”.

Đó là những lời tâm sự ngắn gọn nhưng cũng đủ để thấy rằng, bộ đội chỉ tin tưởng, nói thẳng nói thật khi người cán bộ đó không chỉ nêu cao tinh thần trách nhiệm, tâm huyết trong quản lý, chỉ huy, giáo dục bộ đội, mà còn luôn chủ động xây dựng mối quan hệ gần gũi, sâu sát, tạo môi trường dân chủ cởi mở với chiến sĩ. Vậy nên, nếu chiến sĩ không nói thẳng, nói thật thì lỗi trước hết thuộc về trách nhiệm của cán bộ, vì chưa đủ độ tin, uy tín làm sợi dây kết nối tạo ra môi trường dân chủ thực sự, để bộ đội “mở lòng”.

Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Thông tin 610 vui vẻ cùng chơi cờ tướng trong giờ nghỉ.

Kinh nghiệm “càng gian khó càng phải gắn bó cán-binh”

Qua nắm bắt về chất lượng chính trị của đội ngũ cán bộ cấp trung đội và đại đội hiện nay cho thấy, tuổi quân và tuổi đời của cán bộ cơ bản rất trẻ, sự chênh lệch về tuổi tác đối với chiến sĩ không lớn. Vì vậy, trong quản lý, giáo dục, huấn luyện bộ đội đáng lẽ ra họ phải trở thành đối tượng để cho chiến sĩ gần gũi, trao đổi. Tuy nhiên, do một số cán bộ trẻ chưa kiên trì giáo dục, thuyết phục bộ đội, nên gặp rất nhiều khó khăn trong nắm tư tưởng chiến sĩ, nhất là phát huy quyền nói thẳng, nói thật của bộ đội. Bàn về vấn đề này, Thượng tá Nguyễn Tiến Dũng, Chính ủy Trung đoàn 692 cho biết: “Quan hệ giữa cán bộ trung đội, đại đội với chiến sĩ là quan hệ trực tiếp, qua đó có thể đánh giá ngay được khoảng cách cán binh “gần” hay “xa”. Vì vậy, đối với trung đoàn, chúng tôi đặt rõ yêu cầu, cán bộ trung đội, đại đội muốn gần gũi chiến sĩ thì không có cách nào khác ngoài việc thực hiện “tất cả đều cùng” với bộ đội. Ví dụ như “cùng ăn” sẽ biết được hôm nay bộ đội ăn uống thế nào? Đồng chí nào ăn ít hoặc không ăn, cán bộ phải biết để tìm lý do. Hay “cùng ở” là phải thường xuyên quan tâm đến các hoạt động của bộ đội, cùng vui chơi, cùng tham gia các hoạt động thể thao, giải trí với chiến sĩ; phải quan tâm đến nơi ăn, giấc ngủ của bộ đội. Muốn vậy, hằng ngày cán bộ phải ngủ sau, dậy trước để kiểm tra xem bộ đội ngủ thế nào, đã bỏ màn kín chưa, giày dép đã để đúng nơi quy định chưa, đồng chí nào khó ngủ… chứ không phải chỉ rêu rao khẩu hiệu “nhiều cùng” nhưng không thực hiện thì không thể nào hiểu được bộ đội, mà càng trong khó khăn thử thách càng phải gắn bó với bộ đội, giúp đỡ chiến sĩ họ vượt qua khó khăn, thì bộ đội mới tin tưởng cán bộ để nói thẳng, nói thật được”.

Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Trinh sát 20 hòa chung giai điệu bài hát quen thuộc “Vì nhân dân quên mình”.

Cái nắng cuối Hè gay gắt làm cho mùi xú uế dưới rãnh ngầm thoát nước trên đường Lĩnh Nam bốc mùi nồng nặc, để khắc phục sự cố đường dây hữu tuyến bị trục trặc, cán bộ, chiến sĩ Trung đội 2, Đại đội 1, Tiểu đoàn Thông tin 610 đã phải dùng quốc xẻng đào bới dưới rãnh nước đen ngòm, người nào người ấy quần áo ướt đẫm mồ hôi, lấm lem bùn đất, nhưng vẫn vui vẻ thực hiện nhiệm vụ. Lý giải yêu cầu “càng trong gian khó thì càng gắn bó cán binh”, Trung úy Nguyễn Ngọc Trung, Trung đội trưởng, cho biết: “Thứ nhất, chỉ có thông qua cùng lao động, huấn luyện với chiến sĩ, cán bộ mới hiểu bộ đội nhiều hơn và bộ đội cũng tin tưởng cán bộ. Vì thông qua lao động con người dễ gần gũi nhau, dễ sẻ chia những niềm vui, nỗi buồn, tâm tư tình cảm, những cảm xúc được thể hiện qua những câu chuyện, những việc làm. Đó chính là cơ sở để cán bộ nắm tâm tư, nguyện vọng của chiến sĩ kịp thời để động viên giúp đỡ. Thứ hai, cũng thông qua cùng lao động, huấn luyện, công tác, cán bộ trung đội có thể hiểu và biết được tình trạng sức khỏe, khả năng lao động, năng khiếu, nhất là trình độ của từng chiến sĩ, trên cơ sở đó bố trí công việc phù hợp hơn. Như thế bộ đội sẽ tin tưởng và không giấu giếm điều gì”. Còn theo Thượng úy Kiều Trí Phương, Chính trị viên Đại đội 2, Tiểu đoàn Thông tin 610 chia sẻ: “Cán bộ khi chỉ huy bộ đội lao động, tăng gia, ôn luyện ngoài trời nắng, mồ hôi nhễ nhại, nhưng cán bộ quần áo là lượt ngồi trong bóng mát nghe nhạc, nhắn tin hay làm việc riêng. Những hành động đó không chỉ làm cho chiến sĩ ức chế, mà còn tạo ra một khoảng cách nhất định giữa cán bộ và chiến sĩ; như thế thì không phải là dân chủ đoàn kết, thế thì sao nghe được bộ đội nói thật. Muốn nghe được bộ đội nói thẳng, nói thật thì mọi hoạt động của bộ đội, cán bộ luôn phải chú trọng hai chữ “trực tiếp” thực hiện cùng”. Khi nghe chúng tôi đặt câu hỏi “Để bộ đội nói thẳng, nói thật là dễ hay khó”, Trung sĩ Phạm Đức Anh, Tiểu đội trưởng, Tiểu đội 3, Đại đội Đặc công, Tiểu đoàn Đặc công 18 cho biết: “Thấm nhuần tư tưởng chỉ đạo “hành động gương mẫu của cán bộ là mệnh lệnh không lời với chiến sĩ”, hàng ngày tôi luôn cố gắng gương mẫu trong mọi công việc, chủ động nhận việc khó về mình để chiến sĩ trong tiểu đội làm theo. Khi chiến sĩ vi phạm khuyết điểm, tôi cùng với cấp trên luôn tạo cơ hội để chiến sĩ họ sửa chữa. Chính điều đó mà anh em chiến sĩ trong tiểu đội luôn tin tưởng và không giấu bất cứ điều gì cả. Theo tôi không khó”.

Phút giải lao trên thao trường của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 692.

Đến Tiểu đoàn Trinh sát 20 vào những ngày nghỉ cuối tuần, chúng tôi được hòa vào không khí vui chơi thể thao, giải trí với cán bộ, chiến sĩ nơi đây. Tại một góc khuôn viên đơn vị, chiến sĩ Đại đội 1 chăm chú thi đấu cờ tướng, người đăm chiêu suy tư, người chỉ tay hô hào “chiếu tướng, xuống xe…”. Ở một bộ phận khác của đơn vị, nhiều quân nhân đang tập chơi đàn guitar, hát karaoke. Những âm thanh từ doanh trại phát ra tạo nên không khí vui tươi nhộn nhịp. Trong giờ hành chính, mỗi người một việc, tùy theo chức trách, nhiệm vụ được giao, đến giờ nghỉ, ngày nghỉ, cán bộ, chiến sĩ của đơn vị lại cùng nhau vui chơi, thư giãn. Điều đó đã góp phần không chỉ làm vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ người thân, động viên bộ đội chuyên tâm vào công việc, mà còn tạo ra môi trường dân chủ đoàn kết, gắn bó giữa cán bộ và chiến sĩ đơn vị. Thiếu tá Nguyễn Bình Quân, Chính trị viên Tiểu đoàn Trinh sát 20 cho biết: “Đặc điểm nhiệm vụ huấn luyện chuyên ngành của đơn vị đòi hỏi tiêu tốn rất nhiều trí lực và thể lực của bộ đội. Với người chiến sĩ thời nào cũng vậy, đời sống tinh thần có ý nghĩa rất quan trọng, có tinh thần lạc quan, yêu đời thì nhiệm vụ có gian khổ, vất vả đến mấy cũng sẽ hoàn thành tốt. Vì vậy, Đảng ủy, chỉ huy tiểu đoàn chúng tôi luôn dành sự quan tâm đặc biệt, ngoài việc bảo đảm tốt nhất đời sống tinh thần cho bộ đội, cán bộ các cấp phải luôn gần gũi, tham gia tất cả các hoạt động cùng bộ đội, từ đó tạo môi trường dân chủ đoàn kết cán binh hòa đồng, gần gũi, thân thiết như anh em một nhà”.

Như vậy có thể khẳng định, quyền nói thẳng, nói thật của bộ đội chỉ là một mặt của vấn đề dân chủ và kỷ luật ở đơn vị cơ sở, nhưng là mặt chủ yếu, cốt lõi nhất, là yếu tố nền tảng xây dựng đơn vị “Vững mạnh mẫu mực tiêu biểu”. Để bộ đội nói thẳng nói thật sẽ không khó, nếu như cấp ủy, cán bộ chủ trì đơn vị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai nghiêm túc, đồng bộ, làm tốt vào hai nội dung là nâng cao nhận thức của chiến sĩ về quyền, nghĩa vụ của mình và xây dựng môi trường dân chủ thực sự, trong đó uy tín, niềm tin, sự gương mẫu đi đầu của đội ngũ cán bộ sẽ là yếu tố động lực căn bản quyết định đến quyền nói thật của chiến sĩ. Làm tốt điều đó, quyền làm chủ của chiến sĩ ở đơn vị mới được đề cao, tôn trọng và ngày càng được phát huy tốt hơn, sự đồng thuận, mối đoàn kết, kỷ luật trong nội bộ của đơn vị sẽ được tăng cường; niềm tin của bộ đội vào cấp ủy, lãnh đạo, chỉ huy các cấp được củng cố vững chắc, tạo không khí phấn khởi thi đua thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện.

Nguyễn Văn Tuân

 

 

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ