A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

“Hành quân dã ngoại làm công tác dân vận” - Điểm sáng về mô hình dân vận khéo của Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội

QPTĐ-Những năm qua, quán triệt và thực hiện nghiêm các kế hoạch, hướng dẫn của Ban Dân vận Trung ương và Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Thành ủy Hà Nội về thực hiện Phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tích cực đẩy mạnh Phong trào thi đua “Dân vận khéo” và xây dựng “Đơn vị dân vận tốt” gắn thực hiện “Chương trình giảm nghèo của thành phố Hà Nội” và Phong trào “Bộ đội và dân quân tự vệ Thủ đô Hà Nội chung sức xây dựng nông thôn mới - Đô thị văn minh”, làm cơ sở và tiền đề để các đơn vị nâng cao chất lượng thực hiện công tác dân vận, góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ quân sự, quốc phòng.

Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn Bộ binh 301 giúp nhân dân xã An Phú, huyện Mỹ Đức thu hoạch lúa chạy lũ.

Để đạt mục tiêu, yêu cầu đó, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã triển khai xây dựng mô hình “Hành quân dã ngoại làm công tác dân vận” được tổ chức tại thôn, xóm thuộc các xã trên địa bàn Thành phố, trong đó mô hình xác định rõ cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị là đối tượng thực hiện vận động; nhân dân trên địa bàn đơn vị trú quân là đối tượng được vận động. Để mô hình được thực hiện khoa học, đồng bộ, thống nhất, toàn diện, vừa có trọng tâm, trọng điểm, vừa bảo đảm cả bề rộng lẫn chiều sâu. Đối với các đơn vị được giao nhiệm vụ, Bộ Tư lệnh yêu cầu phải chủ động liên hệ với Ban CHQS quận, huyện trên địa bàn được phân công, tiến hành khảo sát, thống nhất với địa phương về nội dung, thời gian tổ chức đưa bộ đội về dã ngoại làm công tác dân vận, xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể, trong đó phải gắn kết chặt chẽ giữa Phong trào Thi đua Quyết thắng của đơn vị với các cuộc vận động, phong trào hành động cách mạng của địa phương. Trong quá trình thực hiện, các đơn vị phải phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội địa phương để vận dụng thực hiện các nội dung, hình thức công tác dân vận cho phù hợp, tập trung vào các hình thức như: Thông qua tiếp xúc, nói chuyện với nhân dân, tuyên truyền và giải thích cho nhân dân hiểu và tích cực thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, các tiêu chí xây dựng nông thôn mới - Đô thị văn minh, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh ở địa phương. Thông qua hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao, tọa đàm, trao đổi với các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể địa phương để tuyên truyền, vận động nhân dân. Tổ chức chiếu phim, nói chuyện thời sự, phối hợp với các bệnh viện Quân đội trên địa bàn, tổ chức khám bệnh, tư vấn sức khỏe và cấp thuốc, tặng quà các gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo, cận nghèo và học sinh nghèo vượt khó, thắp nến tri ân, thăm viếng tu sửa nghĩa trang liệt sĩ, các di tích lịch sử văn hóa. Đối với các xã có đơn vị Quân đội về thực hiện nhiệm vụ hành quân dã ngoại làm công tác dân vận đều rất quan tâm, làm tốt việc tuyên truyền, vận động nhân dân trên địa bàn tạo mọi điều kiện thuận lợi để bố trí nơi ăn nghỉ, sinh hoạt cho bộ đội. Chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp với các đơn vị Quân đội tổ chức các hoạt động tham gia giúp đỡ nhân dân.

Vì vậy, trước những khó khăn, tình huống phức tạp, nhưng cán bộ, chiến sĩ đều quán triệt tốt tinh thần “Ở đâu dân khó là ở đó có cán bộ, chiến sĩ LLVT Thủ đô Hà Nội”, nên chỉ tính riêng năm 2022 và 9 tháng năm 2023, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội về thực hiện mô hình “Hành quân dã ngoại làm công tác dân vận”, hơn 620 cán bộ, chiến sĩ thuộc các đơn vị chủ lực như Sư đoàn Bộ binh 301, các Tiểu đoàn trực thuộc Bộ Tư lệnh đã không quản ngại thời tiết nắng mưa khắc nghiệt, huy động 12 xe ô tô, 72 máy cắt cỏ và các loại dụng cụ lao động khác, tham gia làm công tác dân vận tại 34 xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố Hà Nội. Cụ thể: Làm mới 190 băng zôn, 208 biển cổ động phục vụ công tác tuyên truyền; đóng góp trên 6.000 ngày công lao động giúp đỡ nhân dân làm sạch cảnh quan môi trường; tu sửa trường học, nhà văn hóa, khu di tích lịch sử, trạm y tế, sân vận động; nâng cấp 46km đường liên thôn, liên xã, nạo vét khơi thông trên 77.000m2 diện tích mặt nước ao hồ, 34,2km kênh mương nội đồng. Tổ chức 12 tổ cắt tóc miễn phí, phục vụ gần 1.200 lượt nhân dân và đoàn viên thanh niên; xóa bỏ nhiều tin rác quảng cáo rao vặt dán ở tường nhà, cột điện, khu vực công cộng. Trao tặng 3 “Nhà đồng đội” cho quân nhân có hoàn cảnh khó khăn; 08 Nhà tình nghĩa cho các đối tượng chính sách, trị giá 880 triệu đồng (80 triệu/nhà). Tu bổ và tổ chức viếng 5 nghĩa trang liệt sỹ tại 5 xã thuộc các huyện: Hoài Đức, Quốc Oai, Ba Vì, Mê Linh, Thanh Trì, nơi địa bàn bộ đội trực tiếp tiến hành công tác dân vận. Đối với thời gian cao điểm kỷ niệm 75 năm và 76 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ, Bộ Tư lệnh đã tham mưu với UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo Ban Quân dân y triển khai cho các Bệnh viện dân y trên địa bàn Thành phố phối hợp với Ban CHQS các quận, huyện, thị xã tổ chức khám bệnh, cấp thuốc tại 228 xã, phường, thị trấn, cho 31.435 đối tượng chính sách với tổng số tiền trị giá 7,2 tỷ đồng. Chủ trì, phối hợp với các bệnh viện quân y và các bệnh viện dân y trên địa bàn tổ chức khám bệnh, tư vấn chăm sóc sức khỏe, cấp thuốc, tặng quà tại 75 điểm xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội. Số người được khám bệnh tư vấn chăm sóc sức khỏe là 13.750 đối tượng chính sách, trị giá tiền thuốc trên 2,2 tỷ đồng. Trong đó Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội tặng 620 suất quà, tổng số tiền 393 triệu đồng; các địa phương tặng 1.258 suất quà, tổng số tiền trên 220 triệu đồng. Thăm, tặng quà 02 Trung tâm Điều dưỡng thương binh nặng Thuận Thành, Bắc Ninh và Kim Bảng, Hà Nam; thăm, tặng quà 18 đồng chí thương binh, thân nhân liệt sĩ nguyên thủ trưởng Quân khu Thủ đô, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, cán bộ cấp cao nghỉ hưu trên địa bàn, tổng số quà tặng 71 triệu đồng. Tổ chức gặp mặt, tặng quà 45 đồng chí thương binh, thân nhân liệt sĩ đang công tác tại cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh với tổng số tiền là 90 triệu đồng. Tổ chức gặp mặt, tặng quà các đối tượng chính sách được trích từ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” và quỹ vốn của cơ quan, đơn vị, tổng trị giá hơn 440 triệu đồng. Phụng dưỡng 11 Mẹ Việt Nam Anh hùng theo quy định của trên (mức hỗ trợ kinh phí Bộ Quốc phòng 700.000đ/mẹ/tháng, các cơ quan, đơn vị hỗ trợ thêm 500.000đ/mẹ/tháng). Phối hợp với các tổ chức chính trị, xã hội thành phố Hà Nội tổ chức Đoàn công tác thăm, động viên, tặng quà các đơn vị làm công tác dân vận, với số tiền trị giá gần 200 triệu đồng.

Ban CHQS huyện Phú Xuyên phối hợp với Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 khám bệnh, cấp thuốc cho các đối tượng chính sách trên địa bàn.

Cùng với các hoạt động thiết thực tri ân, giúp đỡ nhân dân, các đơn vị còn tích cực chủ động phối hợp viết 71 tin, bài đăng trên các báo, đài, như: Báo Hà Nội mới, Báo Kinh tế & Đô thị, Báo Quân đội nhân dân, Báo Quốc phòng Thủ đô, Đài phát thanh & Truyền hình Hà Nội, để tuyên truyền về hoạt động “Đền ơn, đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” nhân dịp kỷ niệm ngày Thương binh, Liệt sỹ; tổ chức 6 buổi thông tin thời sự về tình hình thế giới, trong nước cho hơn 2.150 lượt cán bộ, đảng viên và nhân dân; tổ chức 6 buổi chiếu phim phục vụ nhân dân, 6 đêm giao lưu văn nghệ với chủ đề “Thắm tình đoàn kết quân dân”, 6 buổi diễn đàn thanh niên với chủ đề “Tuổi trẻ với xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, 36 trận thi đấu giao hữu bóng đá, bóng chuyền, cầu lông với cán bộ, ĐVTN và nhân dân các địa phương, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, đoàn kết gắn bó quân dân, để lại ấn tượng tốt đẹp về hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”, nét đẹp văn hóa Người chiến sĩ Thủ đô trong thời kỳ mới, góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng tiềm lực chính trị tinh thần, thế trận lòng dân ngày càng vững chắc.

Có thể khẳng định, tính thiết thực và hiệu quả lan tỏa của mô hình “Hành quân dã ngoại làm công tác dân vận”, đối với cán bộ, chiến sĩ LLVT Thủ đô chính là chủ trương đúng, việc làm ý nghĩa, giúp cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị luôn nâng cao nhận thức về vị trí, ý nghĩa của việc phát huy truyền thống, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, tạo sự đoàn kết, gắn bó trong đơn vị; nâng cao kỹ năng, trình độ, kinh nghiệm, quyết tâm cho cán bộ, chiến sĩ trong thực hiện nhiệm vụ làm công tác dân vận, rèn luyện phong cách người quân nhân cách mạng, góp phần đưa công tác dân vận trong LLVT Thủ đô ngày càng đi vào nền nếp, có chiều sâu, xây dựng mối quan hệ truyền thống máu thịt quân dân ngày càng bền chặt. Đối với cấp ủy, chính quyền địa phương, hiệu quả là góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng thế trận lòng dân ngày càng vững chắc, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn, nâng cao hiệu quả, hiệu lực của hệ thống chính trị tại cơ sở. Với nhân dân là củng cố mối quan hệ đoàn kết máu thịt quân dân thủy chung son sắc, giúp nhân dân hiểu rõ và chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, quy định của địa phương; tích cực tham gia, thực hiện hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, xóa bỏ nhiều điểm nóng có nguy cơ bùng phát ngay từ cơ sở.

Tùng Chi


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ