Sự gian dối
QPTĐ-Câu chuyện gian dối phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp tại một đơn vị bầu cử của thành phố Hà Nôi vừa qua còn chưa lắng dịu trong dư luận, thì mới đây lại có chuyện “cũ” nhưng mới được phanh phui gây nhiều bức xúc. Đó là câu chuyện về Tòa án ở huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông đã tạo lập 57 hồ sơ vụ án dân sự mà không có đương sự, không có tranh chấp thực tế. Việc làm này vi phạm quy định của Bộ Luật tố tụng dân sự. Các vụ án sau đó đều có chung một kết quả là bị đình chỉ do có một đương sự rút đơn kiện.
Tin từ Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy ĐăkNông cho biết, đơn vị đã ra thông cáo về việc thi hành kỷ luật 3 cán bộ đang công tác trong ngành tòa án vì để cấp dưới lập khống 57 hồ sơ vụ án dân sự, trong đó, có một Chánh án, một Phó chánh án và một thẩm phán TAND. Những người ngày chủ mưu lập khống hồ sơ để có số liệu báo cáo hoàn thành chỉ tiêu “lấy thành tích!”. Vụ việc đã được giấu kín trong 5 năm qua và trong thời gian ấy, những cán bộ, đảng viên ở đây vẫn đương nhiên là những đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, cơ sở đảng ở đây vẫn đạt danh hiệu “trong sạch, vững mạnh”!
Chuyện gian dối phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp tại một đơn vị bầu cử của thành phố Hà Nội cũng là chuyện “có một, không hai”. Ông Chủ tịch HĐND xã lo không được tái cử nhiệm kỳ mới, đã thông đồng với ông Tổ trưởng Tổ bầu cử (nơi ông có tên trong danh sách ứng cử), rút gần 100 phiếu rồi tự gạch tên những người khác, để nguyên tên mình trong phiếu bầu, rồi nhờ người bỏ vào hòm phiếu. Sự việc bị phát hiện do số phiếu tăng bất thường. Cuối cùng cả hai ông ứng cử viên và Tổ trưởng Tổ bầu cử đều bị kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng, đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp chính trị của các cá nhân này.
Hai câu chuyện, hai tình tiết khác nhau nhưng đều giống nhau ở chỗ dùng những thủ đoạn gian dối vì mục đích vụ lợi. Điều mà dư luận bức xúc chính là sự gian dối này có thể xảy ra ở đâu chứ không phải ở chốn pháp đình, nơi pháp luật nghiêm minh, nơi những tội danh trong đó có tội gian dối, lừa đảo đều bị nghiêm trị. Sự gian dối này có thể xảy ra do các thủ đoạn, mánh khóe nào đó để có thể lọt vào danh sách đại biểu trúng cử, chứ không phải cái cách gian lận phiếu bầu vụng về, coi thường luật pháp như vậy.
Trong một nghiên cứu mới đây, Thạc sĩ Nguyễn Đức Mạnh-Học viện Hành chính quốc gia cho rằng, những cán bộ, công chức, viên chức có tính gian dối không sớm thì muộn cũng đều trượt ngã vào con đường thoái hóa, biến chất. Bản chất, mục đích hành vi của người cán bộ, công chức, viên chức gian dối là ở chỗ, làm cho “công tư lẫn lộn” để “lợi dụng việc công mưu lợi tư”. Phần kết của bài viết, tác giả dẫn lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ. Bác nói: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc; công việc thành công hay thất bại là do cán bộ tốt hay xấu” Đây vẫn là một quan điểm, một tư tưởng rất căn bản, rất quan trọng đối với Đảng và Nhà nước ta trong việc giáo dục, đào tạo, sử dụng, thuyên chuyển, đề bạt, bố trí cán bộ, công chức, viên chức trong thời kỳ cách mạng hiện nay.
Qua hai câu chuyện trên đây, một lần nữa chúng ta càng thêm thấm nhuần ý nghĩa trong phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về công tác cán bộ. Tổng Bí thư nói: “Trong bất cứ giai đoạn cách mạng nào, bất kỳ lĩnh vực, địa phương nào, công tác cán bộ bao giờ cũng đóng vai trò quyết định. Công tác cán bộ đóng vai trò then chốt trong công tác xây dựng Đảng, là mắt xích trọng yếu trong toàn bộ hoạt động của Đảng, quyết định sự thành bại của cách mạng. Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ..”
PV