A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực 

QPTĐ- Trong phương hướng, biện pháp đấu tranh chống tham nhũng của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã chỉ rõ: Cần tiến hành đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, phòng ngừa và phát hiện, xử lý; thực hiện đồng bộ 4 mục tiêu “không thể, không dám, không muốn, không cần tham nhũng”; đặc biệt, chú trọng giáo dục, xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực. Đây được xem là “tuyên ngôn” của Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo cấp tỉnh. Đó cũng là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta, kiên quyết tuyên chiến với tệ tham ô, tham nhũng, chống “giặc nội xâm”. Vì thế, việc xây dựng chính quyền liêm chính, cán bộ, viên chức là những người gương mẫu, trong sạch, liêm-dũng-chính-trực, không bị cám dỗ bởi bất cứ lợi ích nào và cũng không ngại bất cứ lực cản không trong sáng nào. 

 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo 

Phiên họp thứ 23 Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng, tiêu cực. 

“Kiên quyết không để nhân sự có sai phạm, tham nhũng, tiêu cực lọt vào cấp ủy các cấp. Nếu các đồng chí không gương mẫu, giữ mình, vướng vào tham nhũng, tiêu cực thì còn nói được ai, xử lý được ai?” “Phải phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành liêm chính ngay trong các cơ quan phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”-Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói. 

Tại Hội nghị sơ kết 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh diễn ra ngày 19/6 vừa qua, cho thấy: Các tỉnh, thành phố đã đưa 444 vụ án, 156 vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm vào diện theo dõi, chỉ đạo. Cơ quan điều tra khởi tố mới 530 vụ án/1.858 bị can phạm tội về tham nhũng; số cán bộ, đảng viên bị khởi tố do có hành vi tham nhũng, tiêu cực là 1.132 bị can. Đã có gần 80 cán bộ trong cơ quan chống tham nhũng cấp tỉnh bị xử lý lỷ luật vì mắc sai phạm như ở An Giang, Quảng Bình, Cần Thơ, Lai Châu, Lâm Đồng…

Đầu tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Cao Tiến Dũng (Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai) cùng 2 nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh là ông Võ Văn Chánh và ông Trần Văn Vĩnh. 

Trong 2 nhiệm kỳ gần đây đã có gần 100 người giữ các chức vụ: Bộ trưởng, Thứ trưởng, Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, UBND tỉnh, thành phố và tương đương bị Thủ tướng kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, cách chức, miễn nhiệm, xóa tư cách, buộc thôi việc do các vi phạm, đến mức bị khởi tố, phạt tù. 

Cùng thời gian này, ở tỉnh Đồng Nai có gần chục cán bộ chủ chốt tỉnh bị kỷ luật, có người nhận án tù, trong đó có Bí thư, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy, Giám đốc và Phó giám đốc Công an tỉnh, Giám đốc Sở Y tế… Qua các vụ việc này, gợi chúng ta ngẫm đến trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức và nhớ câu đồng dao: “Cấp trên ở chẳng chính ngôi/ Cho nên ở dưới chúng tôi hỗn hào”. 

Tuần qua, Cơ quan điều tra ban hành kết luận điều tra bổ sung đối với ông Nguyễn Đức Chung (cựu Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội) về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy tại Công ty Cây xanh Hà Nội, vụ án có hành vi buôn lậu, “nhận 2,6 tỉ đồng”? Đây là vụ án thứ 4 ông Chung có liên quan. Trong 3 vụ án trước, ông Chung đang thi hành án có tổng cộng 12 năm tù. Hành vi không liêm chính, tham nhũng của cựu Chủ tịch Chung đã kéo theo vài chục cán bộ, viên chức thuộc quyền liên đới, bị kỷ luật hoặc dính vòng lao lý. 

Thế mới hay, xây dựng văn hóa liêm chính là mục tiêu trước mắt và lâu dài của chúng ta! 

Nhật Kiều  
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ