A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khẩn trương, quyết liệt thu hồi tài sản bị chiếm đoạt!

 

QPTĐ-Tuần qua (19/7), Bộ Tư pháp triển khai công tác 6 tháng cuối năm 2022 đã đưa ra những con số khá tích cực về công tác thi hành án dân sự, nhất là xử lý các vụ việc phức tạp, kéo dài, xử lý thu hồi nợ bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế và án tín dụng ngân hàng.

Theo đó, trong 9 tháng (từ 01/10/2021 đến 30/6/2022) đã thi hành xong 348.490 vụ việc đạt tỉ lệ 64,35% , tăng 0,42 % so với cùng kỳ năm 2021. Một số địa phương đạt kết quả cao là Lai Châu, Lào Cai, Điện Biên, Cao Bằng, Hà Tĩnh. 
Về tiền, tổng số phải thi hành hơn 332.984 tỉ đồng, trong đó số có điều kiện thi hành là hơn 175.874 tỉ đồng; đã thi hành xong hơn 52.166 tỉ đồng, tăng hơn 16.930 tỉ đồng so với cùng kỳ năm 2021, đạt tỉ lệ 29,47% (tăng 6,16% so với cùng kỳ năm ngoái). Các địa phương đạt kết quả cao là Hà Nam, Khánh Hòa, Phú Yên, Cao Bằng, Lai Châu.

Riêng về thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo, tổng số tiền phải thi hành gần 129.619 tỉ đồng; số đã thi hành xong gần 49.838 tỉ đồng, còn phải thi hành hơn 79.781 tỉ đồng. 

Nhìn vào những con số trên cho thấy, số tiền phải thi hành án từ các vụ đại án kinh tế, tham nhũng được Trung ương chỉ đạo còn phải thi hành là gần 80.000 tỉ đồng, xảy ra ở những tỉnh, thành phố lớn như Đà Nẵng, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và các ngành: Ngân hàng, Tập đoàn Dầu khí quốc gia, Công thương, Giao thông-Vận tải, các tổng công ty, tập đoàn kinh tế tư nhân…

Những địa phương đạt kết quả cao về tỉ lệ số vụ việc thi hành án, về số tiền kể trên lại thuộc về những tỉnh có số ít án trọng điểm và đại án kinh tế, số tài sản phải thu hồi cũng không quá lớn. Vậy là, tổng số tiền phải thi hành án đọng là gần 280.000 tỉ đồng, trong đó có gần 80.000 tỉ đồng thuộc các vụ án trọng điểm, đâu phải là nhỏ?

Hãy xem, trong vụ án “đánh bạc ngàn tỉ”, các bị cáo đã chiếm đoạt bất chính 9.853 tỉ đồng, trùm cờ bạc Nguyễn Văn Dương bị tuyên 10 năm tù, phải bồi thường hơn 1.655 tỉ đồng nhưng Dương mới thi hành gần 315 tỉ đồng, còn phải thu 1.340 tỉ đồng nữa; Phan Sào Nam, đồng phạm cùng Dương, đã thi hành 1.384/1475 tỉ đồng, còn phải thu 91 tỉ đồng. Được biết, Dương có nhiều bất động sản ở Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và đầu tư vào nhiều dự án trong nước, nước ngoài nhưng việc thu hồi tài sản chiếm đoạt gặp rất nhiều khó khăn. 

Trùm bất động sản Phan Văn Anh Vũ (Vũ nhôm) khuấy đảo thị trường nhà đất Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh; liên kết vay hàng ngàn tỉ đồng, đẩy hàng chục quan chức cấp thành phố, Chủ tịch, Tổng giám đốc ngân hàng vào trại. Vũ dính đến bốn, năm vụ đại án, bị tuyên phạt 30 năm tù (mức cao nhất với tù có thời hạn), cũng nợ đọng nhiều tài sản phải thu hồi.

Điển hình, khó thu hồi tài sản chiếm đoạt phải kể đến các đại án ngân hàng như Huỳnh Thị Huyền Như (AgriBank TP Hồ Chí Minh) 11.000 tỉ đồng, Phạm Thị Bích Lương (AgriBank Nam Hà Nội) 2.500 tỉ đồng, Hà Văn Thắm và Nguyễn Xuân Sơn (cựu Chủ tịch, Tổng giám đốc Ngân hàng Đại Dương) 2.000 tỉ đồng. Rồi hàng ngàn tỉ đồng bị chiếm đoạt, khó thu hồi tại các vụ án Nguyễn Bắc Hà và gia đình ở Ngân hàng BIDV, Trần Phương Bình (cựu Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á-DAB), Phạm Công Danh (Chủ tịch Ngân hàng VNCB), Hứa Thị Phấn (chuyên gia cao cấp Ngân hàng TrustBank)... 

Ôi, mỗi vụ án kinh tế bị can chiếm đoạt hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng thế kia thì phải có bao nhiêu triệu người lao động cày sâu, cuốc bẫm làm ra tiền nhỉ? 

MINH NGỌC
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ