A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Gian nan đấu tranh chống tội phạm rửa tiền

 

QPTĐ-Gần đây, qua các phương tiện thông tin, truyền thông, người dân được nghe nhiều đến các hành vi bí hiểm của loại tội phạm rửa tiền, mặc dù Luật Phòng, chống rửa tiền được ban hành từ năm 2012. 

 

Văn bản luật đã quy định rất rõ các dấu hiệu đáng ngờ cơ bản áp dụng đối với tất cả các lĩnh vực và các dấu hiệu đáng ngờ đối với lĩnh vực: Ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, casino, kinh doanh trò chơi có thưởng, bất động sản…đã tạo cơ sở pháp lý cho các đối tượng thực hiện hành vi rửa tiền. Tuy nhiên, Cơ quan Điều tra gặp không ít khó khăn khi xác định loại tội phạm này. 

Sau gần chục năm Luật Phòng, chống rửa tiền được Quốc hội thông qua (2012-2021), Tòa án nhân dân các cấp mới đưa ra xét xử được 3 vụ án với tội danh “Rửa tiền” theo Điều 251 Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009; Điều 324 Bộ luật Hình sự năm 2015. Đó là vụ tham nhũng nghiêm trọng xảy ra tại Công ty Vận tải Viễn Dương Vinashin (Vinashinlines); vụ án đánh bạc ngàn tỉ xuyên biên giới do Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam cầm đầu; vụ án Lê Thị Hà Nội cầm đầu do Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc xét xử (11/2019). 

Vừa qua, Cơ quan Điều tra thành phố Hà Nội đã khởi tố, đề nghị truy tố các bị can phạm tội “Rửa tiền” xảy ra ở Công ty Nhật Cường do Bùi Quang Huy làm Tổng Giám đốc (trú tại Hà Nội) liên kết với các chủ tiệm vàng chuyển 2.500 tỉ đồng ra nước ngoài thực hiện hành vi buôn lậu, trốn thuế. 

Ngày 18/9, Cơ quan Điều tra thị xã Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) điều tra bổ sung bị can Lê Thái Thiện (Thiện Soi, 56 tuổi) và Lê Thái Phong (con trai Thiện) về hành vi cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự và rửa tiền, thu lợi bất chính hơn 98 tỉ đồng. 

Vậy là, ngoài 3 vụ án đã xét xử, Cơ quan Điều tra mới khởi tố, điều tra bổ sung mấy nghi can tội “Rửa tiền” trong 2 vụ án. Mười năm trời, nhiều nhất chỉ có 5 vụ án liên quan đến tội danh: “Rửa tiền”, liệu có tương xứng với các hành vi rửa tiền của các tội phạm tham ô, tham nhũng, tội phạm xã hội đen, tín dụng đen đang làm giàu bất chính, phất lên nhanh trên địa bàn cả nước thời gian qua? 

Xét riêng vụ án: Tổ chức đánh bạc, Rửa tiền do Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam cầm đầu, việc thu hồi tiền chiếm đoạt bất hợp pháp của 2 phạm nhân này gặp vô vàn khó khăn. 

Phan Sào Nam bị phạt 5 năm tù, phải thi hành án hơn 1.475 tỉ đồng. Nam còn phải nộp hơn 155 tỉ đồng nhưng đã được giảm án 22 tháng, ra tù dịp tháng 2/2021, gây nhiều tranh cãi, trong khi vợ chồng Nam gửi ở nước ngoài 3,5 triệu USD. Trước sức ép dư luận và quyết tâm của các cơ quan thi hành án, đầu tháng 9 vừa qua, Tòa Thi hành án dân sự tỉnh Phú Thọ thu hồi được hơn 2,65 triệu USD và 126.749 USD trong tài khoản Ngân hàng DBS-Singapore của vợ chồng Nam. Cạnh đó, Nguyễn Văn Dương bị phạt 10 năm tù, mới thi hành 311,6 tỉ đồng trong tổng số 1.655 tỉ đồng, trong khi Dương có nhiều bất động sản, góp vốn đầu tư vào nhiều doanh nghiệp khác nhưng không chịu hợp tác với cơ quan chức năng. 
Thế mới hay, cuộc đấu tranh với loại tội phạm tham ô, tham nhũng, rửa tiền còn gian khó biết bao! 

MINH NGỌC
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ