Chặt đứt buôn lậu, trốn thuế!
QPTĐ-Ngày 10/5, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội kết thúc phiên xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường (Công ty Nhật Cương) có trụ sở tại Hà Nội.
Quang cảnh phiên tòa. (Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN)
Đây là vụ án trọng điểm về kinh tế được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo bởi hành vi của các bị can đã gây ảnh hưởng xấu trong dư luận Thủ đô và cả nước. Vụ án do Tổng giám đốc Công ty Nhật Cường Bùi Quang Huy cầm đầu. Nhiều bị can bị truy tố các tội danh: “Buôn lậu”, “Rửa tiền”, “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, “Chiếm đoạt tài liệu bí mật của Nhà nước”.
Đến nay, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã thành lập, xét xử phiên tòa thứ 2, tách ra từ vụ án lớn này với nhiều bị can, trong đó, có một số cán bộ, công chức thành phố Hà Nội bị truy tố, bắt tạm giam, đã và sẽ phải hầu tòa. Bị can Bùi Quang Huy bỏ trốn đã bị truy nã toàn quốc, quốc tế.
Theo cáo trạng, các bị can thực hiện hành vi giao dịch, mua bán trái phép hơn 255.300 sản phẩm (điện thoại, máy tính, thiết bị điện tử) của 16 nhà cung cấp từ Hong Kong, Trung Quốc, trị giá 2.927 tỉ đồng; trốn thuế, gây thiệt hại cho Nhà nước gần 30 tỉ đồng. Tòa tuyên 13/14 bị cáo tội: “Buôn lậu”, phải chịu hình phạt từ 7-15 năm tù. Bị cáo Nguyễn Bảo Ngọc (sinh năm 1980, Giám đốc Tài chính Công ty Nhật Cường) bị truy tố 2 tội danh: “Buôn lậu”, “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”.
Bằng các thủ đoạn: Buôn lậu, rửa tiền, các bị can đã chuyển một khối lượng lớn vàng, ngoại tệ ra nước ngoài, nhập lậu các loại hàng hóa trị giá hàng ngàn tỉ đồng, trốn thuế. Bị can Nguyễn Bảo Ngọc thừa nhận trước tòa: “Người bình thường cũng biết, hàng lậu không thể báo cáo thuế được”.
Nhưng tại sao, biết buôn lậu, trốn thuế là việc làm sai trái, là phạm tội hình sự, có thể bị phạt tiền, bị khởi tố, truy tố đến mức sa vào vòng lao lý nhưng các bị can vẫn làm? Phải chăng đó là sức hấp dẫn kỳ lạ của đồng tiền, sự mời gọi không thể cưỡng nổi của vàng, ngoại tệ? Và đâu phải dễ dàng có thể thực hiện hành vi buôn lậu, trốn thuế nếu không có sự móc ngoặc, “bảo kê” của những người ở cơ quan Nhà nước như Hải quan, Biên phòng, Công an, Quản lý thị trường, Thuế vụ? Vậy là, hoạt động buôn lậu, trốn thuế có tổ chức chính là con đường ma quái dẫn đến sự tha hóa cán bộ, công chức; Nhà nước mất tiền, mất của, mất con người.
Còn chưa là muộn, chúng ta cần chung tay ngăn chặn các tổ chức, cá nhân có hành vi buôn lậu, trốn thuế, đang hàng ngày, hàng giờ mua chuộc các công chức, viên chức Nhà nước!
HÀ NGỌC